Thứ Hai, 22 tháng 10, 2018

Thời buổi gì đâu...

 
Vài trao đổi ngắn với một người bạn nhỏ, vô hình, tôi bất giác buồn bã nghĩ đến bài thơ của Brecht - “Gửi những người sinh sau” - mà mình từng được đọc. Thế hệ của tôi, thế hệ mà nhà báo N.T.A - một đồng nghiệp, một ông anh ở trường đại học nơi tôi làm việc đã có lần nửa đùa nửa thật bảo: “Tôi vẫn nhìn S. như một lát cắt của lịch sử. Băn khoăn không biết đặt tên cho lát cắt này như thế nào? Thế hệ hậu chiến, thế hệ nhận đường, thế hệ tìm đường, thế hệ lạc đường, thế hệ mất mát, thế hệ lưu vong, thế hệ tả pí lù, thế hệ bội thực…”. Bực mình rằng câu nói như thật như đùa đấy lại có vẻ đúng! Thế hệ chúng tôi thì chẳng ra cái quái gì! Thế nên, có được cái gì để gửi-những-người-sinh-sau? Nhiều mũ chụp, nhiều mặt nạ, nhiều áo choàng, nhiều cặp kính màu, nhiều thất vọng bự - vậy thôi ư?
 
“…tôi sống vào thời buổi thật đen tối!
Chữ nghĩa vô tội là rồ dại. Một vầng trán phẳng
Có nghĩa là lãnh đạm thờ ơ. Kẻ đang cười
Đó là vì cái tin khủng khiếp
Chưa lọt tới tai hắn.
Thời buổi gì đâu, khi
Nói tới cây cối cũng gần như một trọng tội
Bởi đó là im lặng trước bao điều đại ác!
Kẻ đang lặng lẽ băng ngang đường kia
Bạn bè hoạn nạn
Làm sao còn đuổi kịp?” (1)
 
Thời-buổi-gì-đâu là lời tán thán quen thuộc đến lì môi những người sống trong thời đại và thế hệ của tôi. Thời-buổi-gì-đâu là tiếng thở dài trong rất nhiều đêm tối và cả trong rất nhiều những buổi sớm mai; thời-buổi-gì-đâu là dấu chấm câu cho những nát tan, sa trụy về tinh thần; thời-buổi-gì-đâu để biện minh cho những ảo mộng tan vỡ của mình; thời-buổi-gì-đâu cũng là câu nói cuối cùng của nhiều kiếp người trước khi chìm vào im lặng vĩnh viễn… Có một thời kỳ tôi tưởng rằng mình làm được nhiều điều lắm, và trong một chừng mực nào đó, trên cương vị tôi tự gán cho mình là một người mê mải làm nghệ thuật, đã hoàn thành được tí xíu trách nhiệm riêng trong trách nhiệm chung của thế hệ mình. Thế nhưng, sẽ như thế nào nếu nói như Brecht: “Thời buổi gì đâu, khi/ Nói tới cây cối cũng gần như một trọng tội/ Bởi đó là im lặng trước bao điều đại ác!”?
 
Thế hệ tôi, vậy thì, có đáng được mong cầu sự độ lượng của những-người-sinh-sau, “những kẻ sẽ trồi lên khỏi lớp sóng nơi chúng tôi chìm đắm” (2) như Brecht viết chăng? Đau đớn nhất nếu phải thốt lên câu nói, thời-buổi-gì-đâu mà đến nỗi mỗi con người cũng chẳng dám tự chịu trách nhiệm về phẩm giá của chính mình, cái phẩm giá được mang tính danh là một con người!
Trần Thanh Sơn (10.2018)
 
 
(1), (2): Bertolt Brecht (1898-1956) là nhà thơ, nhà soạn kịch người Đức. Các câu thơ được trích từ bài thơ “Gửi những người sinh sau” của ông. Bạn đọc quan tâm có thể đọc toàn bộ bài thơ này bản dịch của nhà thơ Diễm Châu tại:
 
 
Note: Nhà thơ Paul Celan (1920-1970) có một đoản thi được xem như một đáp từ cho đoạn thơ “Thời buổi gì đâu, khi/ Nói tới cây cối cũng gần như một trọng tội/ Bởi đó là im lặng trước bao điều đại ác” của Brecht:
 
 
Một chiếc lá, không cây                             
                               * Cho Bertolt Brecht
 
Thời buổi gì,
khi một cuộc chuyện trò
gần như là một tội ác,
bởi vì nó bao gồm
quá nhiều điều đã được nói ra?
                               Pháp Hoan, dịch

Ảnh trên: Man Walking (Alberto Giacometti)
 


Không có nhận xét nào: