Trong cái mê cung rậm rịt như rừng với muôn ngàn những
đường ngang lối tắt của internet, chẳng hiểu được cú nhấp chuột nào đã
đưa bức ảnh đó đến với tôi. Bức ảnh chụp một cậu bé mặc short, tóc cháy nắng đứng tựa lưng vào một gờ tường thấp, mắt
mở lớn nhìn về phía ống kính máy ảnh, sau lưng nó, trên đụn cát cao là hàng
tường rào với dãy nhà hai tầng mái lợp fibro trắng lóa, xa hơn nữa là
bầu trời hơi ngả sang sắc lục, thứ màu trời đôi khi ta vẫn nhìn thấy
ở vùng ven biển vào những giấc xế chiều mùa hè khi bầu trời
xỉn đục vì bị pha lẫn những vạt mây chứa đầy hơi nước lấp lánh phản
chiếu ánh thủy ngân. Chẳng có gì đặc biệt nơi bức ảnh cũ bạc màu lại không
ghi rõ ngày tháng cũng như nơi chốn như vậy. Thế nhưng, tựa
có một ánh chớp lóe lên trong mụ mị lãng quên, tôi nhận ra khung cảnh ấy, đó là ngôi
trường cũ tôi từng theo học vào thập niên 1970.
Trung tâm thành phố ngày ấy nằm bên kia sông, còn bên này, phía giáp biển, là vùng đất của những bãi cồn nằm đan xen với một dải hẹp đất phù sa cũ do con sông bồi đắp nên. Ngoài cư dân địa phương mà đa số sống ở các làng chài, một ít khác làm nghề trồng trọt trên những mảnh vườn bé tí của mình, phần còn lại là dân tản cư đổ về từ các vùng chiến sự và dân kinh doanh tứ xứ kéo đến khi các căn cứ quân sự của người Mỹ dựng lên san sát trên các bãi cồn hoang vu chạy dọc theo bờ biển. Mùa hè nắng đổ lửa còn mùa đông thì rét căm căm, gió biển cứ u u thổi qua những cồn cát trắng mọc đầy dứa dại. Trường Đông Giang, ngôi trường trung học công lập duy nhất ở phía bên này con sông cũng nằm trên một trong những cồn cát như vậy. Trường nghèo. Cơ sở vật chất chẳng có gì nhiều. Để vui chơi giải trí, ngoài cái sân bóng rổ và bóng chuyền thường bị học sinh các lớp trên chiếm lĩnh, đám học trò Đệ Thất chúng tôi (khóa cuối cùng của Đông Giang, sau giải phóng đổi tên thành cấp III Hoàng Hoa Thám) chẳng biết làm gì vào giờ ra chơi. Tan học, thoảng hoặc mấy thằng kéo nhau ra mấy hàng quán trước cửa trường đánh billard đĩa hoặc ăn chè, còn thì chiều chiều hẹn nhau xách xe đạp phóng ra biển chơi, lòng vòng qua mấy con đường hẹp với những phố nhà tiều tụy, đặc biệt tiều tụy khi người Mỹ rút đi và mang theo cả sự náo nhiệt sầm uất một thời.
Gió biển vẫn cứ đều đều thổi qua những cồn cát mọc đầy dứa
dại, mùa hè tiếp tục nắng đổ lửa còn mùa đông vẫn thế rét căm căm. Sau 1975, vùng
đất bên này con sông còn thê thảm và tiều tụy hơn nữa. Chiến tranh kết thúc, dân tứ
xứ ào ạt hồi hương hoặc âm thầm kéo nhau vượt biên trốn chạy. Người hồi hương tháo
cửa, giở mái tôn căn nhà mình đang ở, lấy tất tần tật những gì có thể lấy được mang
về quê. Có những khu phố mênh mông chỉ còn lại cái khung xương của những thứ
từng được gọi là một ngôi nhà với những bức tường trống hoác, vụn vỡ. Cạnh đó,
những dãy phố với những căn nhà chủ đã vượt biên giờ bị niêm phong đóng cửa im ỉm. Không có điện,
đêm đêm tiếng chó tru vang vọng qua những ngõ ngách không người của các khu phố
chết nghe rờn rợn. Thời gian hậu chiến cứ thế trôi đi, chậm, ruỗng nát, trì đọng,
gỉ sét, đến độ những con người đờ đẫn trôi đi trong sự ruỗng nát, trì đọng, gỉ sét đó cũng chẳng hề hay biết được
rằng mình cũng đang từng giờ ruỗng nát, trì đọng và rỉ sét.
Chúng tôi, những đứa học trò luôn ngồi học với cái bụng đói,
nên những năm tháng đó, thật dị kỳ khi những bài Đại số, Hóa học, Lịch sử, Văn
học chui được vào đầu chúng tôi. Ngồi trong lớp, những lúc buồn chán tôi hay
nhìn qua khung cửa sổ, vượt qua tường rào bao quanh sân trường, xuyên qua hàng
bạch đàn với những mái nhà nằm lúp súp dưới chân cồn cát, nhìn quá nữa đến tận bờ
cát ven biển với những rặng phi lao tối thẫm, ở đó, qua một khe hẹp giữa hai
triền cát, có thể nhìn thấy một mảng xanh biếc của biển trưa lấp lánh dưới
nắng. Tôi cũng thường mơ màng đến những chuyến phiêu lưu, đi đâu đó, miễn là đi, thật xa. Tôi nhớ, có bận một
chiếc tàu viễn dương tuyệt đẹp mang cờ Panama về neo đậu rất lâu trên cảng ngay
đúng vị trí ngày xưa chiếc tàu bệnh viện nổi của Tây Đức neo đậu. Tôi cùng Q. -
người bạn cùng lớp thường rủ nhau đạp xe ra đó chơi, đứng ngắm nghía con tàu hàng
giờ và ao ước sẽ có ngày được làm thủy thủ phiêu du bốn biển năm châu trên một
con tàu đẹp cỡ như vậy! Chao ơi ngây thơ là ước mộng giang hồ… Rồi chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên phía Bắc nổ ra. Thanh niên, học sinh toàn thành được huy động đi trồng hàng rào bằng cây xương rồng để... chống kẻ thù đổ bộ (!). Toàn bộ bờ biển được trồng đặc kín xương rồng, chỉ còn những lối đi hẹp luồn lách trong rừng xương rồng do người dân tự tạo ra để có lối đi xuống biển. Tôi bỏ đi thói quen dạo chơi trên bãi biển đạp xe chạy sát mí bờ nước của mình, bỏ niềm yêu thích được ngồi một mình mơ mộng đến những chân trời. Mùa đông năm đó dài kinh khủng...
Tôi rời Đà Nẵng, rời những con phố tiều tụy của mình cũng vào một
sáng mùa đông lạnh cóng, đang học dang dở lớp 12. Không có bạn bè nào đưa tiễn
cả. Khi xe chạy qua cầu, gió mùa Đông Bắc buốt giá thổi cay xè cả mắt mũi, những
tấm gỗ lót sàn cầu cũ kỹ khua lách cách theo từng vòng bánh xe. Nhìn về hướng thành
phố, bóng tháp chuông Nhà thờ Con Gà nhòe nhoẹt in trên nền trời mùa đông xám
xịt. Một chuyến phà đang chầm chậm sang sông. Có thể xem buổi sáng đó như là một
vết dao cắt tôi ra khỏi vùng trời thơ ấu của mình, cắt hoàn toàn và vĩnh viễn. Cái
miền mộng mị ấy sẽ chỉ còn tồn tại đôi khi trong những giấc mơ vụn mủn không
đầu không đũa mà khi thức giấc ta thường không thể nhớ lại được ta đã mơ thấy
cái gì, hay thi thoảng, như sáng hôm nay bức ảnh chụp một cậu bé vô danh với
phông nền là ngôi trường cũ đã vô tình kéo tôi về với những giăng mắc ngắn dài của
kỷ niệm, đã vậy hầu hết lại là những kỷ niệm không vui. Thôi thì, cũng là ngoài ý muốn của ta…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét