Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2018

Nunez mắt sáng


Có những ngày thơ ca, mộng mị rời bỏ tôi, tâm hồn tựa một khe lạch bất ngờ cạn trơ khấc đáy. Những rạng đông xám xịt. Thứ màu xám nhợt nhạt như tàn tro mà bầu trời Sài Gòn lấp ló mùa khô thường trát lên mặt mình vào mỗi sớm mai bằng lớp mù sương nhớp nháp trộn lẫn giữa bụi bặm, khói xe và tất cả những gì mà một thành phố khổng lồ, tởm lợm, bầy hầy có thể thải ra được trong một ngày. Con đường đến chỗ làm việc cũng dài thõng thêm ra. Thành phố đông nghẹt. Người ta rời nhà, tán loạn trên đường, cuống cuồng như thể sẵn sàng đạp lên nhau mà đi, đạp lên nhau mà tháo chạy khỏi một tai họa nào đó đang rượt đuổi sau lưng. Những ngã tư người nối tiếp những ngã tư người, những cảnh tượng gợi nghĩ đến tranh Hieronymus Bosch hoặc giả Sodome và Gomorrah. Ở một góc đường, loa phóng thanh đang ông ổng hát thành-phố-tôi-yêu-cho-tôi-trái-tim-tự-hào…

Tôi quên không mang theo trên xe một đĩa nhạc nào nghe cho ra hồn cả. Nhóm tứ tấu Borodin đang chơi một String Quartet của Schnittke nghe như hạch!  Âm nhạc ì ạch giống đang cố đẩy một chiếc xe bò chở quá nặng lên dốc, bè alto và cello hổn hển tựa chàng Sysiphe sắp hết hơi. Chuyển sang Schwarzkopf hát Strauss - Kỵ sĩ Hoa hồng - giọng hát chói lói của bà sáng nay là không thể chịu nổi! Không còn làn đường ở Sài Gòn nữa. Người và xe như cát chảy lấp ngay vào bất cứ chỗ trống nào trên đường. Người ta phóng xe như thể đang chạy giữa rừng, như thể chỉ có họ là con Homo sapiens duy nhất còn xung quanh chỉ thuần là bụi rậm, nên thế, cứ cắm đầu cắm cổ đâm ngang chen dọc bất cần mọi sự mà dấn tới! Tôi có ông bạn già ở Mỹ thỉnh thoảng về chơi, ông bảo, cứ vài năm về Sài Gòn lại thấy khác. Tôi hỏi khác gì? Ông cười bảo, cứ gọi một chiếc taxi rồi lên ngồi cạnh tài xế chạy một vòng bất kỳ quanh thành phố là thấy khác ngay: ý thức giao thông của người Sài Gòn mỗi năm mỗi tệ, ngày càng hỗn loạn, ngày càng xuống cấp. Ông nói đúng quá nên tôi chỉ còn nước gượng cười, vớt vát, cũng có thứ tiến bộ mà, nhà cao tầng ngày càng nhiều, ngày càng vươn cao như muốn chọc lên trời!

Người ta thường ít nhận ra được sự biến hình của văn hóa về hướng sa trụy khi chính mình cũng là một thành phần của đám đông đang dự phần hoặc bị cuốn theo cái vòng xoáy đang hút mọi thứ tuột dần xuống chốn hôn ám của thói xấu và dục vọng đơn thuần, đặc biệt khi sức hút ấy khởi từ những điều vụn vặt tưởng chừng vô thưởng vô phạt. Nấp trong đám đông, hùa theo đám đông, gào rú cắn xé hành động theo đám đông là xu hướng sống mang tính bản năng cổ xưa nhất của con người thuở còn là thú, thuở bầy đàn. Sự sa trụy của chúng ta hiện nay hình như vẫn vì kiểu sống bầy đàn đó, một thứ ám thị tập thể mang đầy vẻ mù lòa. Bỗng nhớ một truyện ngắn của H.G. Wells: “Xứ mù”. Chàng Nunez mắt sáng lạc vào xứ sở những người mù bẩm sinh sống cách biệt với loài người trong một thung lũng nằm dưới đáy một vực sâu hẻo lánh. Không hề biết tới khái niệm “mù-sáng” hay “nhìn-thấy” là gì cả, nhưng cư dân ở đó cũng có hệ thống luật lệ, triết lý cũng như tín ngưỡng riêng để chung sống và để giải thích sự hình thành cái thế giới hẹp tí dưới thung sâu của họ. Vô tình rơi xuống chốn ấy, Nunez những tưởng chỉ riêng mình mắt sáng thì có thể trở thành người lãnh đạo, người khai mở cho dân mù những kiến thức mới mẻ về thế giới bên ngoài, thế nhưng, những miêu tả của chàng ta về thế giới của người mắt sáng lại bị cho là điên loạn, hoang tưởng. Nunez bị vây bắt, bị săn đuổi và cuối cùng đành phải chịu quy phục đám cư dân mù. Trong cơn tuyệt vọng vì bị áp đảo hoàn toàn bởi đa số, Nunez đã nản lòng nghĩ rằng thế giới những người mắt sáng ngoài kia có khi thực sự chỉ là cơn hoang tưởng của chàng, và suýt nữa Nunez còn chấp nhận sẽ bị chọc mù hai mắt để được lấy cô gái mà mình yêu thương vì ở đây đôi mắt sáng bị xem là nguồn gốc làm hỏng tư duy, não bộ của chàng!

Những buổi sáng đối diện với cái ngõ cụt thê lương này của tâm hồn, trong sự khô kiệt mọi ước mơ, mọi mộng mị, nhìn ngắm cái chiều kích vô vị của đời sống thường nhật, một bài tụng ca phi giai điệu trống rỗng và cũ rích, tôi có cảm giác sự chán chường ngấm vào từng tế bào của mình. Sự chán chường ấy sẽ tiếp tục theo tôi đến nơi làm việc, trải đều trên tất cả mấy tờ báo sáng với những tin tức mà tôi thường đọc với-sự-nản-lòng bên cốc cà phê luôn-trở-thành-dở-ẹt trước khi giờ làm việc chính thức bắt đầu. Sự chai lỳ cảm xúc, sự phi nhân hóa một con người phải chăng thường bắt đầu bằng những thứ nhỏ nhặt như vậy?

Những ngày thơ ca, mộng mị bỏ tôi đi, như Irarus bị mặt trời hủy mất đôi cánh lông chim gắn sáp, tôi lệt bệt bước đi trên mặt đất. Ở Sài Gòn chẳng nhớ từ bao giờ người ta không còn băng qua đường trên những vạch kẻ trắng dành cho người đi bộ, cho dù những vạch kẻ trắng ấy chỉ cách nơi người ta vừa sang đường dăm ba bước chân. Tôi từng có lần thử nán lại một lúc lâu xem trong khoảng thời gian mình quan sát có bao nhiêu người tự giác đi trên lằn vạch sẵn? Chỉ có ba trên mười! Mà hai trong số đó, nửa vạch nửa không, nghĩa là lộ trình băng qua đường của họ cắt ngang phần đường có vạch kẻ trắng! Chẳng muốn đứng về phe thiểu số Nunez-mắt-sáng, tôi cũng băng qua đường mà không cần quan tâm gì đến vạch kẻ đường. Như thể chỉ chờ có vậy, một chiếc xe hai bánh nhấn lút ga rú lên vụt ngang qua mũi, và để tránh tôi, rất may là chiếc xe không đâm xầm vào một cụ già đang lụm khụm sang đường trên phần có vạch kẻ trắng dành cho người đi bộ!

Chao ôi là nản lòng, những ngày thơ ca và mộng mị bỏ tôi đi…
Trần Thanh Sơn (11.2018)

Ành trên: From Blind Beauty” (Worth Point)

Không có nhận xét nào: