Sau
cùng thì quê nhà của mi là ở chốn nào? Đôi lúc, tôi vẫn tự hỏi
mình như vậy. Thời thơ ấu tôi là một đứa trẻ vô cố hương, luôn thèm
khát mình cũng được như bạn bè cùng trang lứa có một quê nhà để mà
thỉnh thoảng lôi ra khoe, quê tao thế này quê tao thế kia, hay thoảng hoặc
vênh mặt nói với chúng bạn, cuối năm này tao sẽ được về quê ăn Tết! Tôi nhớ
sách học vần lớp 1 có bài tập đọc, đại loại, “Kỳ nghỉ hè/ Ta về quê/
Nhà ta ở/ Mé bờ đê…”, tôi thích lắm cứ bám theo mẹ hỏi, quê mình ở
đâu? Bố tôi lang bạt xa Bắc từ trẻ, mẹ tôi cũng theo đại gia đình bên ngoại rời Hà Nội vào Sài Gòn từ năm 1954, nên trong những ngày tao
loạn đó, để khỏi phải giải thích dài dòng, mẹ thường bảo, quê mình
xa lắm, và chỉ tay về phía những đám mây mù khơi ở phía sau nhà. Năm
1975, chiến tranh kết thúc, thế nhưng, như thể vẫn còn một cuộc chiến khác,
tiếp tục xô đẩy, tiếp tục tàn phá, tiếp tục khoét sâu cái hố ngăn cách
từng ngỡ sẽ được san phẳng đi cùng với hòa bình, mà vì vậy, đến gần
chục năm sau đó, bố tôi vẫn ngần ngại không muốn tìm về quê cũ, và
tôi, cho đến khi học xong trung học, vẫn chưa từng được nếm trải cái
cảm giác như thế nào là có một chốn quê nhà.
Cái nỗi sầu vô cố hương, dù vậy, là nỗi niềm riêng mà tôi dấu biệt. Với đám bạn loi choi, tôi luôn sẵn có một thứ quê nhà chỉ để trả lời chúng mỗi khi bị truy vấn, đó là Sài Gòn, nơi tôi sinh ra, dẫu thừa biết là không hẳn vậy. Mười bốn tuổi, được gọi đi làm giấy chứng minh thư - hình như năm đó cả miền Nam cũng phải đi đổi thẻ căn cước của chế độ cũ thay bằng chứng minh nhân dân của chế độ mới. Ngày nhận giấy tờ mới về, bố tôi nói với mẹ, lạ nhỉ, chứng minh nhân dân của cách mạng chỉ ghi nguyên quán, không ghi nơi sinh. Thằng Tr. bạn lối xóm ngó giấy chứng minh của tôi rồi ủa lên một tiếng, thế quê mày không phải ở Sài Gòn sao? Tôi ừ hử, chắc là vậy, tao chỉ đẻ ở Sài Gòn thôi. Còn quê nhà? Đương nhiên là cái chốn lạ hoắc ghi trên tấm chứng minh thư ở phần nguyên quán, cái chốn của những đám mây mù khơi phía sau nhà mà tôi chưa từng một lần giáp mặt…
Năm 1984, sau không biết bao nhiêu những do dự và trì hoãn, cuối cùng bố tôi cũng chịu đưa anh em tôi về thăm quê cũ - thăm chốn ông đã sinh ra, lớn lên và lìa xa nó năm mới ngoài hai mươi tuổi. Hơn ba mươi năm cách biệt và cuộc trở về, như ông nói, để các con biết quê cha và nhận mặt họ hàng. Đó là một cuộc tương phùng nhiều nước mắt, nhiều niềm vui và cũng nhiều cả trách cứ giận hờn. Bố dẫn anh em tôi đi khắp làng trên xóm dưới để chào mọi người. Họ hàng, người quen biết, có người khóc, có người cười, cũng có người buông lời trách bố tôi sao bỏ làng đi biệt chẳng cần biết tới những đau buồn dâu bể chốn quê nhà. Mặc người lớn trò chuyện, mặc lũ trẻ tò mò bám ngay sau lưng, tôi bỏ ra ngoài một mình lang thang. Đi quanh mấy bờ tre, giếng nước, cây đa, những ngõ ngách lở lói thời gian, ngồi trên phiến đá phủ đầy rêu mốc, nơi theo các cô tôi kể từng là nền ngôi nhà cũ của gia đình trước khi ông tôi bị đấu tố, bị giam cầm vì là địa chủ trong cải cách ruộng đất… Trưa nắng, con kênh đào nước đục lờ, những chiếc vó gầy phơi lưới rỗng, tiếng quạ kêu. Trời ạ, đó là quê nhà tôi từng ước có đấy ư? Tôi thấy mình xa lạ. Chẳng có vết tích nào của tôi ở đấy. Chẳng có ai quen thuộc đối với tôi ở đấy. Chẳng có ký ức nào thuộc về tôi, chẳng có kỷ niệm nào để tôi kể lể, và cũng chẳng có ai cần đến tôi ở đấy. Như hạt mầm của một cái cây bị bứng khỏi nguồn cội cũ đã thay đổi hoàn toàn để thích nghi với những miền đất mới, tôi buồn rầu nhận ra rằng với chốn ấy tôi sẽ mãi mãi chỉ là người ngoại cuộc, mãi mãi đứng bên lề mọi cuộc đời chung như một kẻ vô hình, hay nói một cách khác, một kẻ lưu vong ngay chính trên mảnh đất quê mình!
Một lần chợt nghe quê quán tôi xưa… Bài hát của TCS bảo nghe tiếng gọi của một người là có thể nghe ra cả một quê nhà (1). Ở Sài Gòn, nghe giọng tôi người ta thường hỏi, ông là người Bắc hay người Trung? Đi taxi ở Đà Nẵng, tài xế nghe tiếng nói hỏi chuyện, chú ở Sài Gòn ra đây công tác hay đi du lịch? Còn ở Hà Nội thì, trong Nam mới ra à? Phân biệt vùng miền, địa phương vẫn còn là tâm lý phổ biến của khá đông người Việt hiện nay. Tấu hài dựa trên phương ngữ phát đầy trên các kênh truyền hình và dễ dàng được đa số người xem ngoác miệng cười ha ha là do đáp ứng được nhu cầu tâm lý đó. Như đã đề cập ở trên, việc thay chi tiết “nơi sinh” bằng “nguyên quán” trên tấm giấy chứng minh thư, nơi sâu xa cũng có thể bắt nguồn từ tâm lý phân biệt vùng miền này của một bộ phận giới cầm quyền, thế nhưng, đó lại là chuyện khác. Riêng tôi, thi thoảng ngồi cùng những nhóm bạn bè khác nhau, tôi vẫn thường tình cờ rơi tõm vào những cuộc chuyện trò mang hơi hướm phân biệt vùng miền. Kỳ quặc một điều là, những bạn bè đó, dù là thuộc nhóm bảo không ưa người miền Bắc, nhóm xem thường người miền Nam hay nhóm chê bai dè bỉu người miền Trung, hết thảy đều dễ dàng chia sẻ sự kỳ thị cùng tôi, như thể họ mặc nhiên xem tôi thuộc về nhóm của họ, là đồng hương của họ, hoặc ít kỳ quặc hơn một chút thì, “xin lỗi, riêng S. thì lại là trường hợp khác”, tôi được loại trừ!
Nhưng một con người có thật sự cần phải thuộc về một nơi nào đó không? Gốc Bắc, bốn chục năm uống nước sông Sài Gòn và hơn mười năm uống nước giếng miền Trung, tôi hay cà rỡn với bạn bè rằng mình “hớt váng văn minh” của cả ba miền để biện bạch cho cái sự mình không được gắn bó hẳn với một quê nhà nào đó, mình là một kẻ vô cố hương! Từ cuộc mộng vỡ trong chuyến truy cầu về một chốn quê nhà mà tôi hằng tưởng mình buộc phải có trong cuộc đời, cái buổi trưa ngồi trên phiến đá cũ tàn tích từ ngôi nhà đã bị phá hủy của ông tôi đó, đột nhiên, như một quả bóng được vụt thả vào không trung, không thuộc về ai nữa, không thuộc về một nơi chốn cõi miền nào nữa, tôi lờ lững lướt đi dù với nỗi u sầu nhưng sâu thẳm trong lòng cảm thấy hoàn toàn nhẹ nhõm, tôi đã được miễn nhiễm với gánh nặng đó! “No one is the homeland”, một bài thơ của Borges mở đầu như vậy (3), chẳng có thứ chi là quê nhà cả! Mở rộng ra một chút, chẳng có thứ chi là biên giới cả, xa thêm nữa, chẳng có thứ chi là châu lục, là thế giới... Có chăng là một cõi nhân sinh, chỉ là một cõi nhân sinh. Và đáp án cho câu hỏi đâu chốn quê nhà của tôi có lẽ lại phải tìm ở chỗ khác!
Trần Thanh Sơn (12.2018)
Note: Một người bạn của tôi cho rằng
cái sự thay thế “nơi sinh” bằng “nguyên quán” trên giấy chứng minh nhân dân
không phải nhằm để phân biệt vùng miền mà để phục vụ quyết liệt cho cái “chủ
nghĩa lý lịch” truy xuất 3 đời vào thời điểm ấy. Nghe ra cũng có lý!
(1)
Lời ca khúc “Bên đời hiu quạnh” của NS. Trịnh Công Sơn
(2)
Jorge Luis Borges, Ode Written in 1966, Selected Poems 1923-1967, Allen Lane
The Penguin Press, p.225
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét