Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2018

Ma cà rồng


Lâu lắm rồi tôi mới lại xem một cuốn phim về ma cà rồng. Phim về ma cà rồng thì chẳng gì lạ, lạ chăng chỉ ở chỗ phim của điện ảnh Iran, và cũng bởi, phải thú nhận đây là cuốn phim Iran đầu tiên tôi xem, cho dù điện ảnh Iran trong nhiều năm trở lại đây được đánh giá là nền điện ảnh đang trỗi dậy với nhiều tác phẩm tạo được tiếng vang lớn. Kế đến, phim về ma cà rồng thì ma thường phải xấu phải ác, và thể nào cuối phim cũng phải bị trừ khử bởi một cây cọc nhọn đóng vào tim hoặc bị đốt chết bởi ánh sáng mặt trời. Thế nhưng cô ả ma cà rồng trong “A Girl Walks Home Alone at Night” của đạo diễn Ana Lily Amirpour lại là con ma trừ gian diệt bạo, con ma vị nữ quyền (?), chỉ giết những gã đàn ông có hành động bạo hành với phụ nữ, đồng thời cuối phim cô không chết mà còn được giải thoát bởi tình yêu! Cốt truyện không quá phức tạp. Phim quay đẹp. Mỗi khung hình đều được bố cục hoàn hảo như một bức tranh, tận dụng được tối đa hiệu ứng tương phản sáng tối của phim đen trắng (phim quay dưới định dạng này). Góp phần rất lớn cho thành công của bộ phim còn phải kể đến âm nhạc. Nhạc trong phim tuy sử dụng tiết chế nhưng gây được ấn tượng mạnh, có cảm giác trong cái không gian tối đen, u sầu, trống rỗng và vô vọng đó, cảnh vật cũng như con người đều lịm chết, chỉ duy nhất một thứ sống còn - đấy là âm nhạc!

Tôi được xem phim ma cà rồng lần đầu tiên trong đời năm 7, 8 tuổi gì đấy, khi phải nằm gần một tháng trong bệnh viện Đức gần khu Tiểu chủng viện Thánh Gioan, Đà Nẵng vì bệnh thấp khớp cấp. Các bác sĩ thuộc Hội Hồng thập tự của tàu bệnh viện nổi Helgoland thường chiếu phim cho bệnh nhân giải khuây vào mỗi cuối tuần. Đám bệnh nhi lẻn vào xem ké, sợ mất mật, đêm ngủ trùm chăn kín đầu mà vẫn run cầm cập vì hình ảnh bá tước Dracula với cặp mắt đỏ, đôi răng nanh nhọn và khóe miệng tươm máu. Sau này có thêm hàng trăm cuốn phim ma quỷ rùng rợn tôi sẽ được xem trong đời, nhưng chẳng bộ phim nào khiến tôi kinh hãi cho bằng cuốn phim Dracula thời thơ ấu đó. Phải chăng tác dụng hù dọa của những bộ phim ma quỷ mất dần đi hiệu quả khi tuổi tác của ta ngày một lớn? Nghĩ cũng ngược đời, khi năm tháng chồng chất, khi khoảng cách từ ta đến cõi âm ti mỗi lúc một ngắn lại, chẳng thứ ma cà rồng nào còn có thể làm cho ta cảm thấy kinh hãi nữa. Như thể, cùng với trăm năm bụi bặm, chất-ma-quỷ, chất-ma-cà-rồng đầy dẫy trong cuộc đời đã dần thấm đẫm vào ta, đến độ, ta chẳng còn thấy mấy sự khác biệt giữa ta và quỷ dữ. Ai lại sợ đồng loại của mình bao giờ?

“Bản chất của con người không phải là đen hoặc trắng mà là đen và xám”, nhà văn Graham Greene chẳng từng phải cay đắng thốt lên như thế hay sao? Nhìn ra cõi đời đầy đám ma cà rồng dưới lốt con người, bỗng lan man nghĩ đến chuyện khác, một câu chuyện tiếu lâm mà chẳng nhớ tôi được nghe ai kể, hay đọc được ở đâu, theo đó, các thống kê về ma cà rồng cho thấy có hai xu hướng rất rõ, đa phần những kẻ có xu hướng cố hữu bất di dịch của những kẻ hút máu thì biến thành ma cà rồng, số còn lại thì cực kỳ thành công trong... chính trị! Haha! Nói chuyện vớ vẩn nhân mới xem xong một cuốn phim lạ về ma cà rồng có lẽ nên dừng lại ở đây!...
Trần Thanh Sơn (12.2018)

Ảnh trên: From Black and White (Nancy Simmons Smith)

Không có nhận xét nào: