G. gửi cho tôi một đĩa nhạc số, anh bảo: ông nghe chơi, không hay lắm nhưng xem thử có mường tượng được sắc màu của Edvard Munch trong đó không? Đĩa nhạc là một tập hợp các tác phẩm viết cho vĩ cầm độc tấu của hơn chục nhà soạn nhạc đương đại sáng tác dành cho các họa phẩm triển lãm nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Munch tại Bảo tàng Nghệ thuật Haugar gần bờ biển Asgardstrand, nơi cảnh quan được họa sĩ chọn làm nền cho nhiều bức tranh của mình. Một phòng trưng bày nhỏ chỉ chứa được lượng khán giả khoảng 60 người, các nhạc phẩm được violinist lừng danh Henning Kraggerud trình diễn trực tiếp ngay trước bức tranh “của chính nó”. G. cho biết đĩa gốc (phiên bản giới hạn) còn có các phụ bản tranh tuyệt đẹp đi kèm từng nhạc phẩm, nhưng lại bảo, ông cứ vào google tìm tranh có sẵn rồi nghe cho tiện. Tranh của Munch thì đầy ra trên mạng. Tôi chỉ việc gõ tên tranh và mở nhạc ra nghe...
15 họa phẩm (không có bức “Tiếng thét” nổi tiếng) tương ứng với 15 bản nhạc có cùng tên gọi, đa số miêu tả những con người cô đơn đứng trước biển với những cặp mắt vô hồn nhìn chằm chằm về một vô định hướng, dù kề cận nhau nhưng dường như chẳng ai thuộc về ai cả. Âm nhạc cũng vậy, khắc khoải và bất an, ngôn ngữ đồng chất đến độ chúng có thể hợp nhất lại thành một tác phẩm dài hơi và có thể ký tên của một trong bất cứ nhà soạn nhạc nào của tập hợp 15 người có mặt trong đĩa! Tôi bất giác tự hỏi mình, hà cớ gì không thể nghe riêng đĩa nhạc mà chẳng cần để ý đến những bức tranh?
Từ Listz với giao hưởng thơ Hunnenschlacht (1857) - có lẽ là tác phẩm khí nhạc sớm nhất lấy cảm hứng trực tiếp từ tranh của Kaulbach - đến Mussorgsky với tổ khúc Pictures at an Exhibition (1874) dựa trên loạt tranh màu nước của Hartmann, hai thứ nghệ thuật có rất ít điểm chung này mới được các nghệ sĩ ở cả hai phía quan tâm tìm kiếm mối quan hệ và kết nối chúng lại. Tuy nhiên, giữa hai loại hình - một thứ dành cho thính giác, một thứ dành cho thị giác; một trừu tượng vô hình, một cụ thể hữu hình; một phải thể hiện trên dòng thời gian sống động và một mãi mãi là chỉ là những khoảnh khắc đã vĩnh viễn ngưng đọng - người ta có thể tìm thấy được mối tương quan nào giữa chúng? Điểm chung nào giữa thứ âm nhạc mới mẻ tuyệt diệu của Mussorgsky với những bức tranh chẳng mấy thú vị của Hartmann? Sự giao thoa nào giữa cái nặng nề, bi thảm của âm nhạc Rachmaninoff với thế giới tĩnh lặng u huyền của tranh Bocklin? Hoặc giả, làm sao nghe ra những giai điệu đầy mê hoặc từ Songs Without Words của Mendelssohn trong dáng ngồi của cô thiếu nữ trong tranh Leighton hay khúc nhạc u sầu Gute Nacht của Schubert với dáng đứng của người lữ khách trong tranh Schwind? Những tác phẩm nghệ thuật ấy hình như chẳng còn mấy liên quan đến những thứ mà chúng định miêu tả, những lý do và những dự định mà từ đó chúng xuất phát, chúng đã biến hình, đã hóa thân, đã chuyển đổi hình hài cùng toàn bộ các giá trị đặc thù ban đầu sang một hình thái khác với những thang đo giá trị cùng một hệ quy chiếu hoàn toàn khác.
Dù vậy, mặc cho những khác biệt, sự kết nối này vẫn tiếp tục được thực hiện. Respighi với tranh Bosticelli, Hindemith với tranh Grunewald, Dutilleux với tranh Van Gogh, Vaughan Williams với tranh của Blake…, thậm chí Scriabin còn đưa màu vào âm nhạc thông qua việc thực hiện cái ông gọi là “bè ánh sáng” trong tổng phổ dàn nhạc, hay Virgil Thomson - là tác giả của hàng trăm bức tranh chân dung “vẽ” bằng âm nhạc. Người ta kể rằng, Pablo Picasso đã tỏ ra rất ngờ vực khi người bạn Virgil Thomson một ngày mùa xuân ở Paris năm 1940 hỏi ông rằng ông có đồng ý trở thành chủ đề của một trong những bức chân dung âm nhạc của Thomson hay không? “Thật là phi lý”, Picasso hỏi, “làm thế quái nào anh có thể thực hiện một bức chân dung bằng âm nhạc?”. Nhà soạn nhạc đã trả lời: “Cũng đơn giản như anh thường hay làm thôi. Anh ngồi làm mẫu, tôi nhìn và bắt đầu… viết”. Và thật sự Thomson đã thực hiện gần 150 bức chân dung âm nhạc với người ngồi làm mẫu trước đàn piano khi ông sáng tác!
Không thể phủ nhận hội họa, đặc biệt là hội họa hiện đại của thế kỷ 20 với các trường phái tiền phong đa dạng là mảnh đất đầy kỳ hoa dị thảo khiến ngày càng có nhiều nhà soạn nhạc tìm thấy cảm hứng cho các sáng tác phẩm của mình ở đấy. Tranh của Vassily Kandinsky, Paul Klee, Piet Mondrian, Robert Rauschenberg, Jackson Pollock, Willem de Kooning, Philip Guston, Mark Rothko… là nguồn cảm hứng thẩm mỹ bất tận của rất nhiều thế hệ nhạc sĩ từ hiện đại đến hậu hiện đại, từ trường phái biểu hiện và âm nhạc 12 cung ở đầu thế kỷ đến trào lưu âm nhạc tối giản và hậu tối giản ở nửa sau và đến tận hôm nay. Morton Feldman - một trong những đại diện nổi bật của trào lưu nhạc nghiệm tác còn tuyên bố: “Nếu bạn hiểu Mondrian, bạn cũng sẽ hiểu tôi”, đồng thời cho rằng mình đã học được từ các nghệ sĩ tạo hình cùng thời với mình nhiều hơn từ bất cứ nhà soạn nhạc nào của nền âm nhạc cổ điển phương Tây.
Tác phẩm khí nhạc lấy cảm hứng từ một bức tranh hoặc từ một loạt bức tranh được tổ chức biểu diễn tại các khu triển lãm, trong viện bảo tàng hoặc phòng hòa nhạc đi kèm màn hình chiếu ngày càng trở nên phổ biến. Các phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật tối giản thường cũng đóng vai trò là phòng hòa nhạc cho âm nhạc tối giản là một ví dụ. Trong xu thế phát triển dữ dội của công nghệ hiện đại ngày nay, âm nhạc và hội họa - từ mỗi phía - không còn đơn thuần là chủ đề, là nguồn cơn gián tiếp tạo ra cảm hứng sáng tác mà còn đan xen, trộn lẫn vào nhau, được sáng tạo đồng thời với sự phối hợp chặt chẽ của nghệ sĩ ở cả hai phía (và nhiều phía) trong một dạng thức nghệ thuật hỗn hợp mới mẻ hơn, nghệ thuật đa phương tiện.
Riêng tôi, có vẻ tôi không hợp lắm với những tác phẩm âm nhạc kiểu multimedia này. Nghe nhạc là nghe nhạc, xem tranh là xem tranh, chẳng nên trộn lẫn làm gì! Nghe Dutilleux lung linh trong nhạc phẩm “La Nuit étoilée” mà tâm trí cứ bị thị giác buộc phải hướng đến những chuyển động vặn xoắn của gió, của ánh sáng sao dị thường trên khung tranh Van Gogh, hay ngược lại, ngắm sắc trời sao lộng lẫy như một khải tượng mở ra phía vĩnh cửu của họa phẩm này mà tâm trí lại bị thính giác chi phối bởi những tiết nhạc lấp lánh, những ảo cảnh chập chờn, những khoảng lặng bí ẩn trong âm nhạc Dutilleux thì rõ là mất hứng! Thưởng thức tác phẩm nghệ thuật có các phụ chú đi kèm này cũng gần tương tự như đọc một tác phẩm văn chương mà dại dột cắm mũi vào xem phần giới thiệu ở đầu cuốn sách, sau đó thì chẳng khác gì một con bò đã bị xỏ mũi, đầu óc ta cứ theo sợi dây chăn dắt mà đi!
Còn tí tự do của riêng mình trong cảm thụ nghệ thuật, (mượn ý Trần Dần) khăng khăng giữ cho nó một chân trời để bay thì cũng đáng!
Trần Thanh Sơn (3.2019)
Note: 15 nhạc phẩm trong đĩa hát Munch Suite mà G. gửi đều rất tuyệt, nhưng tôi thích nhất tác phẩm “Moonlight over the Sea” của Alissa Firsova (dựa trên họa phẩm Moonlight on the Beach của Munch).
Ảnh trên: From Night in St. Cloud (Edvard Munch)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét