Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2019

Một mình cấu lấy tóc mình


Hơn tuần nay nghe lại Brahms, chỉ Brahms. Nghe lại Brahms là nghe lại những kỷ niệm, nghe lại tiếng vang của lòng mình những năm tháng cũ trước khi bước vào tuổi ba mươi, không còn trẻ nữa nhưng cũng chưa vội già! Ta ném một hòn sỏi xuống vực giếng tối và chờ nghe ở đó một tiếng dội lại. Tạo ra một nghệ phẩm chính là tạo ra một bờ giếng để người ta đến soi mặt, tìm thấy dáng dấp của mình ở đấy và thoảng hoặc thả một đôi viên đá bâng quơ dò tìm. Đêm qua tôi mới nhận được âm dội đó từ bản Concerto viết cho dương cầm giọng Ré thứ của Brahms mà mình được nghe lần đầu cách đây đã gần ba mươi năm.

Đi Nga về, người bạn mang quà cho là tôi mấy đĩa hát của hãng Melodya. Ngoài số sonata, tứ tấu dây khá quen thuộc của Mozart và Schubert, tôi đặc biệt thích đĩa Piano Concerto của Brahms do Claudio Arrau (1) trình tấu cùng Dàn nhạc Giao hưởng Phát thanh và Truyền hình Liên Xô dưới đũa chỉ huy của Rozhdestvensky (2), ghi âm tại thính phòng Nhạc viện Mạc Tư Khoa năm 1968. Lối trình tấu ít hoa mỹ, kiến trúc âm thanh trang nghiêm, kín đáo ẩn dấu nét yếu đuối dễ thương tổn trong cảm xúc của Arrau thích hợp một cách kỳ lạ với bản Piano Concerto No.1 của Brahms - một ngọn núi đá hoa cương khắc khổ nhưng phập phồng chứa đựng bão bùng.

Người ta bảo Brahms đã phải bỏ ra gần 5 năm trời để viết bản concerto này. Được khởi từ chấn động trước cuộc tự sát không thành năm 1884 của Schumann (3) - người bạn, người thầy và là ân nhân của Brahms, đau buồn bởi cái chết của Schumann trong viện tâm thần hai năm sau đó, bản concerto là đài tưởng niệm mà Brahms dành cho Schumann vĩ đại. Người ta cũng bảo, bản concerto ẩn dấu mối tình thầm kín tuyệt vọng mà Brahms dành cho Clara - vợ của Schumann, người phụ nữ lớn hơn ông 14 tuổi và là người bạn tinh thần thân thiết của ông cho đến tận cuối đời. Tất cả những chi tiết ấy chỉ sau này tôi mới được biết. Tuy vậy, bản nhạc của Brahms, cái vực giếng đen sâu hút mà Brahms đã mở ra với tôi qua tiếng đàn Arrau một đêm nào đó từ 30 năm trước, chẳng hiểu vì sao cứ réo mãi trong tôi như một lời tra vấn đòi được giải đáp! Cái gì ám ảnh tôi vậy? Tôi không rõ! Cái nhạc đề gắt gỏng đi kèm tiếng sấm rền của timpani như tạt xô nước bỏng vào ta ngay phút khai mở? Những trận cuồng phong cứ lồng lộn giằng co ném ta về muôn hướng? Những im lắng buông trôi vẫn duềnh chứa bão tố, những kín đáo niềm riêng vẫn không thoát khỏi ám ảnh của một thứ bóng ma vô danh vô tính nhưng thường trực đe dọa, và nét bình hòa mong manh như ảo ảnh kia nữa, nó thật sự hiện tồn? Ba mươi năm, không thể nhớ hết những lần quay lại ngó tìm dưới vực tối đấy một lời giải đáp…

Đêm qua tôi mới nhận được âm dội trả lời từ bản Concerto viết cho dương cầm mà mình được nghe lần đầu cách đây đã gần 30 năm. Con Sphinx của Brahms sau cùng đã chịu mở cửa cho tôi vào. Trời ạ, ba mươi năm, ở tuổi tri thiên mệnh, thông thống nhìn lại cuộc đời rỗng không thảm hại trôi tuột qua tay, tôi mới đọc được cái thông điệp mà chàng nhạc sĩ chỉ mới ngoài 25 tuổi đã hiểu và dấu dưới những dòng nhạc tuyệt bi tuyệt đẹp của mình: người ta chẳng thể làm gì được khác trước định mệnh, “với một mình cấu lấy tóc mình”(1), hãy đón nhận nó! Vậy thôi!
Trần Thanh Sơn (8.2019)


(1) Claudio Arrau (1903-1991): Dương cầm thủ người Chile, được xem là một trong những dương cầm thủ vĩ đại nhất của thế kỷ 20
(2) Gennady Rozhdestvensky (1931-2018): Nhạc trưởng nổi tiếng người Nga
(3) Robert Schumann (1810-1856): Nhà soạn nhạc, phê bình âm nhạc nổi tiếng người Đức. Ông là người đã phát hiện ra tài năng của Hector Berlioz, Frederic Chopin, Franz Liszt và Johannes Brahms
(4) Thơ Thanh Tâm Tuyền

Quà ngày xưa của bạn


Note 1: Với thụ cảm trên, bất giác tôi liên hệ tinh thần của Piano Concerto No.1 với bản Piano Sonata No.3 giọng Fa thứ tuyệt diệu được Brahms viết năm 1883, trước phác thảo đầu tiên của Piano Concerto No.1 đúng một năm, khi chàng Brahms vừa tròn hai mươi tuổi! Có thể thấy rất rõ motif  định mệnh ảnh hưởng từ Symphony No.5 của Beethoven hiện diện đến 3/5 chương nhạc của bản sonata này! 

Note 2:  Tôi không tìm được bản ghi âm Brahms - Arrau - Rozhdestvensky, Moscow 1968 nào trên mạng có âm thanh tốt một chút cả. Có thể nghe tạm Arrau chơi Concerto này cùng Philharmonia Orchestra dưới đũa chỉ huy của Carlo Maria Giulini tại đây: https://www.youtube.com/watch?v=sjkfi8N7to0&t=75s

Ảnh trên: From “Flowing Water” (Jian-Jun Zhang)


Không có nhận xét nào: