Thứ Tư, 28 tháng 8, 2019

Đốt sách

 
Tôi thích cái chất hài hước nhuốm màu cay đắng trong thơ của Bertolt Brecht. Bằng thứ ngôn từ giản dị và sáng tỏ như những câu khẩu hiệu, thơ của ông thường trực diện đi vào tâm trí người đọc qua con đường thẳng nhất, không cần rào dậu quanh co dưới những lớp lớp tầng tầng ẩn dụ. Tuy vậy, thứ ngữ nghĩa mà ta tưởng rằng đã lập tức hiểu ngay ở lần đọc đầu tiên sẽ phát lộ với ta những vỉa tầng ánh sáng mới nếu ta trở lại với bài thơ một lần nữa, và ở đó, như một viên kim cương đa diện, Brecht sẽ mở thêm ra cho ta vô số những góc nhìn mới mà tùy với trải nghiệm của từng người đọc, chúng ta sẽ chọn được một cách nhìn phù hợp cho riêng mình. Bài thơ “Đốt sách” của Brecht cũng vậy.

Như tiêu đề, nội dung bài thơ liên quan đến những cuộc phần thư trong thập niên 1930 của Hitler ở Đức. Đốt sách là một hành động cũ mèm trong tiến trình lịch sử nhân loại. Gõ cụm từ “Book Burning” trên máy tính, lập tức Google mang đến cho ta hàng đống những sự vụ. Thư viện Hoàng gia Ashurbanipal của Đế quốc Assyria bị thiêu hủy bởi liên minh người Babylon, Scythia và Medes năm 612-TCN có lẽ là một trong nhưng ví dụ sớm nhất của loại hành động man rợ này. Và cứ thế, đốt sách sánh vai song hành dài dài với các nhân danh ý hệ chính trị, đạo đức, tôn giáo trong mọi thời kỳ lịch sử, từ mông muội cho đến bớt mông muội một tí, như ngày nay.
 
Năm 1933, nhà nước Đệ Tam Đế chế của Hitler thông qua Hội Sinh viên Đức tiến hành chiến dịch đốt bỏ những cuốn sách được xem là đại diện cho những ý thức hệ đối lập với chủ nghĩa phát xít, mà tiêu biểu, chỉ riêng trong ngày 10.5.1933 trước quảng trường Nhà hát Opera Quốc gia Berlin, các sinh viên đã đốt tới 25.000 cuốn sách - những gì họ có thể tìm thấy dựa trên bản danh sách bao gồm khoảng 4.000 đầu sách cùng các tác giả bị cấm. Dù không nằm trong danh sách các tác giả - tác phẩm phải bị thiêu hủy mà còn được khuyến khích đọc, Oskar Maria Graf  - nhà văn Đức đang lưu vong tại Áo đã bày tỏ tinh thần không thỏa hiệp của mình trước hành động phi văn hóa này của nhà nước Quốc xã bằng cách đăng trên tờ báo Arbeiterzeitung ở Vienne ngày 12.5.1933 lời kêu gọi chống phát xít nổi tiếng mang tên “Hãy đốt tôi!” (1).
 
Được viết nhân sự việc này, bài thơ của Brecht có vẻ đã nói rõ, nói đủ, tất-cả-những-gì-cần-phải-nói. Tuy nhiên, một trong những lần đọc bài thơ này, không hiểu sao tôi lại phì cười nghĩ đến “sự giãy nảy” của những đấng-nghệ-sĩ giả hình cứ nghĩ mình “to bự”, tưởng rằng mình buộc phải có tên trong những bản danh sách này nọ, dẫu là danh sách đen! Và kinh khủng nhất là chuyện: “Chẳng phải tôi luôn nói lên sự thật trong những cuốn sách của mình?”.
Trần Thanh Sơn (8.2019)
 
 
Đốt sách
 
 
Khi Chế Độ ra lệnh phải đốt sạch
Những cuốn sách nguy hiểm một cách công khai
Những con bò bị người ta cưỡng bách
Kéo những chiếc xe chất đầy sách đến chỗ thiêu,
Một nhà thơ lớn lưu vong kinh hoàng phát hiện
Rằng những tác phẩm của mình đã bị bỏ quên
Khi xem qua danh mục những cuốn sách bị đốt.
Trong cơn phẫn nộ ông chạy về bàn viết
Biên xuống một lá thư gửi cho đám cầm quyền
Hãy đốt tôi! Ông viết với ngòi bút rực lửa, hãy đốt tôi!
Đừng làm thế với tôi! Đừng loại tôi ra!
Chẳng phải tôi luôn nói lên sự thật trong những cuốn sách của mình?
Và giờ đây các ông lại đối xử với tôi như một tên dối trá
Tôi ra lệnh cho các ông, hãy đốt tôi!
                                           Bertolt Brecht
                                   Bản dịch của Pháp Hoan (2)
 
 
Ảnh trên: Belief System' (John Latham)


Không có nhận xét nào: