Thứ Năm, 5 tháng 9, 2019

4'33" và sự im lặng

 
Sách kỷ lục Guinness 2013 ghi nhận nơi yên lặng nhất trên trái đất là ở Minneapolis - Minnesota, trong căn phòng có tên gọi là buồng không phản xạ (anechoic chamber) của Orfield Labs. Đây là căn phòng được tạo nên từ ba khối thép và bê tông đồng tâm, ở khối trong cùng các bức tường được bao phủ bằng vật liệu đặc biệt có tác dụng hấp thu hoàn toàn âm thanh. Không một âm thanh nào từ thế giới bên ngoài có thể lọt vào phòng, đồng thời bất kỳ tiếng động nào phát ra bên trong đều nhanh chóng tan biến vì bị các bức tường hấp thu ngay lập tức. Trải nghiệm trong căn phòng tuyệt-vô-âm-hưởng này là một trải nghiệm kỳ lạ. Thông thường, một phòng ngủ yên tĩnh bất kỳ vào ban đêm cường độ âm thanh đo được sẽ vào khoảng trên dưới 30 decibel, nhưng trong buồng thí nghiệm của Orfield Labs, chỉ số âm thanh đo được chỉ là -9,4 decibel. Với sự im lặng kinh khủng ấy, khi vào trong phòng người ta có thể nghe được những âm thanh từ chính cơ thể mình, tiếng khớp xương cọ sát khi cử động, tiếng tim đập, dạ dày co bóp và cả tiếng rì rào từ hai lá phổi. Bình thường con người chỉ có thể ở trong căn phòng đặc biệt này lâu nhất là 45 phút, lâu hơn nữa có thể rơi vào trạng thái buồn nôn, mất phương hướng và thậm chí xuất hiện ảo giác.
 
Về lý thuyết, im lặng tuyệt đối chỉ tồn tại đối với người khiếm thính bẩm sinh, nhưng đó là một trải nghiệm bất khả kiểm chứng. Như ta vốn biết, tai người chỉ có thể nghe được âm thanh có tần số từ 20 - 20.000 Hz, thấp hơn 20 Hz gọi là sóng hạ âm hoặc vượt quá 20.000 Hz thì gọi là sóng siêu âm, tai người không nhận biết được. Âm thanh, theo nghĩa thông dụng, thường chỉ đề cập đến những rung động có tần số nằm trong phạm vi nghe của con người, hoặc đôi khi nó liên quan đến một loài động vật cụ thể, ví dụ như chó có thể cảm nhận được các rung động cao hơn 20.000 Hz. Với các nhà vật lý, vũ trụ này không có thứ gọi là im lặng tuyệt đối. Mức âm thanh thấp nhất trong thế giới tự nhiên có lẽ là các hạt chuyển động trong chất khí hoặc chất lỏng, được gọi là chuyển động Brown. Tính duy lý phương Tây luôn đòi hỏi mọi sự vật trong tự nhiên đều phải được tính toán, lượng hóa.
 
Ở phương Đông, im lặng hay không im lặng thường quy về tâm, về ý, trong sự giao cảm. Đại Phạm Thiên Vương Vấn Phật Quyết Nghi Kinh kể: một lần trên núi Linh Thứu trước mặt đông đảo đại chúng, đức Cồ Đàm không thuyết pháp như mọi ngày mà lặng lẽ đưa lên một cành hoa; mọi người ngơ ngác chẳng ai hiểu gì, duy chỉ có đại trưởng lão Ma-ha Ca-diếp mỉm cười, đức Cồ Đàm liền phó chúc pháp thiền cho Ma-ha Ca-diếp. Kinh Duy Ma Cật lại có đoạn: Văn Thù Bồ tát hỏi Cư sĩ Duy Ma Cật về yếu chỉ của Phật pháp, Cư sĩ Duy Ma Cật im lặng, có người bình rằng sự im lặng của Cư sĩ Duy Ma Cật giống như sấm sét. Và cũng bởi cho rằng lặng im hay huyên náo đều tự tâm như thế nên mới có câu “Tiểu ẩn tại sơn, đại ẩn tại thị”, hay việc đạt đến giác ngộ Thiền trong Thập mục ngưu đồ được biểu hiện bằng cử chỉ: Thõng tay vào chợ (Nhập triền thùy thủ). Lượng hóa bao nhiêu là đủ cho thứ thanh âm “Ao xưa/ ếch nhảy vào/ tiếng nước”? (Matsuo Basho).
 
Âm nhạc cổ điển phương Tây cho đến đầu thế kỷ XX thường chỉ sử dụng sự im lặng như là một thứ chấm câu, chỗ tạm ngừng nghỉ hoặc những nét chấm phá nhằm tạo ra các hiệu ứng đặc biệt nhấn mạnh hơn nữa, tôn vinh hơn nữa những âm thanh bổng trầm của âm nhạc. Ai có thể quên được khoảng lặng dừng đột ngột trong điệp khúc “Có ánh sáng và tiếng sấm sét…” trong St. Matthew của Bach, sự bặt tiếng trên đỉnh trào Hallelujah trong Messiah của Handel, sự im lặng trước giờ phút bùng nổ chói lóa trong Oratorio The Creation của Haydn, những bóng tối vô âm lơ lửng treo trong Fantasia in D minor K.397 của Mozart, những câm nín tuyệt diệu trong Piano Sonata D.960 cuối cùng của Schubert hoặc thứ im lặng sâu thẳm trong hành âm kết thúc Symphony No.9 của Mahler? Không thể phủ nhận những khoảng lặng độc đáo, kỳ diệu mà các nhà soạn nhạc cổ điển từ nhiều trăm năm nay đã sử dụng trong các tác phẩm lớn nhỏ của mình. Dù vậy, chưa bao giờ sự im lặng được họ thực sự quan tâm đề cao, biến nó thành nhân vật chính, chủ đề chính, hay ít nhất giữ một vai trò ít kém quan trọng hơn mà hơn 300 năm lịch sử âm nhạc phương Tây đã cho chúng ta thấy.
 
Năm 1951, nhà soạn nhạc tiền phong John Cage (2) được mời tham quan phòng thí nghiệm buồng không phản xạ của đại học Havard, nơi theo như giới thiệu, ông sẽ được biết như thế nào là sự im lặng hoàn hảo. Ngay sau khi bước vào buồng và đóng cửa lại. John Cage kể, ông cảm thấy thất vọng vì vẫn nghe thấy âm thanh: một rất bổng và một thật trầm rú rít bên tai. Ra khỏi đó, ông phàn nàn với người kỹ sư phụ trách là buồng cách âm không được tốt, đồng thời mô tả hai thứ âm thanh mà ông nghe thấy. Người kỹ sư liền giải thích: Phải rồi, âm cao là hệ thần kinh của ông, còn âm thấp là tiếng máu reo trong cơ thể. Có lẽ đó là giây phút John Cage bất chợt nhận ra được tính duy lý cứng ngắc của phương Tây trong cách nhìn nhận vạn vật, đồng thời ngộ ra được cách cảm nhận vũ trụ bằng hơi thở Thiền, thứ triết lý phương Đông mà ông đang quan tâm và từng tuyên bố: “Thiền là nghệ thuật của nghệ thuật vô song!”. Năm 1952, tác phẩm 4’33” khét tiếng của Cage ra đời. Tổng phổ bao gồm 3 trang trống với 3 hành âm, mỗi hành âm được định thời bằng đồng hồ bấm giờ: Hành âm 1 - 33”, Hành âm 2 - 2’40” và Hành âm 3 - 1’20”, kèm theo hướng dẫn dành cho nhạc công: Không được tạo ra bất cứ một âm thanh nào! Trong hồi ức về buổi công diễn đầu tiên của tác phẩm, John Cage mô tả: Bạn có thể nghe thấy tiếng gió thổi bên ngoài trong hành âm đầu tiên; Ở hành âm thứ hai, những hạt mưa bắt đầu rơi trên mái nhà, và trong hành âm thứ ba, chính khán giả tạo ra âm thanh khi họ thì thầm nói chuyện hoặc xô ghế bước ra ngoài…
 
Đã gần 70 năm sau những ồn ào tranh cãi, tôn vinh cũng như chỉ trích, không thể phủ nhận 4’33” của John Cage đã thay đổi vĩnh viễn cách chúng ta nghĩ về âm nhạc. Lần đầu tiên trong lịch sử, im lặng trở thành nhân vật chính, chủ đề chính của một tác phẩm âm nhạc, và cũng lần đầu tiên trong lịch sử, người nghe - đối tượng thụ hưởng thụ động của âm nhạc bao đời nay trở thành những người đồng-giao-cảm đồng-sáng-tạo cùng người nghệ sĩ trong một tác phẩm, như họ vẫn đang đồng-hít-thở, đồng-chung-sống và đồng-lắng-nghe những thanh âm của vũ trụ thường hiện và thường hằng. Âm nhạc trên khái niệm đó, ý nghĩa đó, trân quý xiết bao!
 
Hôm nay, ngày 5 tháng 9, kỷ niệm sinh nhật lần thứ 107 của John Cage. Trong một thế giới bị chi phối và thống trị bởi thị giác, xã hội điếc đặc, trái tim mù tối, con người hầu như không còn biết cách lắng nghe, hơn lúc nào hết, giá trị biểu tượng của 4’33” lại càng lớn. Học cách nhắm mắt, học cách lắng nghe, cảm nhận và giao hòa cùng thế giới nhân quần là điều cần thiết. Tự bạn cũng có thể bỏ ra 4’33” để nghe tác phẩm 4’33” của riêng mình ở bất cứ nơi đâu, ngay lúc này!
Trần Thanh Sơn (9.2019) 
 
 
 
(1) Năm 2015, kỷ lục nơi yên lặng nhất trái đất của Orfield Labs đã bị Microsoft phá vỡ với phòng cách âm có chỉ số âm thanh đo được là -20.35 dBA, 20 decibel dưới ngưỡng nghe của con người!
(2) John Cage (1912-1992): Nhà soạn nhạc tiền phong, nhà nhạc lý học, nhà văn và họa sĩ người Mỹ. Ông được xem là một trong những nhà soạn nhạc có nhiều ảnh hưởng nhất thế kỷ XX. 
 
 
Note 1: Ý tưởng xem im lặng như là một chủ đề âm nhạc đã từng được khởi xướng từ Erwin Schulhoff trong một nhạc phẩm dành cho dương cầm năm 1919. Ở hành âm thứ 3 với tên gọi In futurum, nhạc phổ chỉ gồm toàn dấu lặng, thêm vào đó là các dấu chấm hỏi, chấm than, thậm chí cả ký hiệu khuôn mặt người cười-khóc. Tương tự, năm 1941, Raymond Scott đã tổ chức ở New York một buổi hòa nhạc “im lặng” với dàn nhạc công gồm 13 người chỉ thực hiện những động tác vờ như đang chơi nhạc. Đặc biệt, nghệ sĩ Ives Klein đã tạo ra Monotone Symphony (1949) chỉ bao gồm một hợp âm chơi trong 20 phút và sau đó là một khoảng lặng kéo dài 20 phút.
 
Note 2: Từ sau 4’33’’, khá nhiều nhà soạn nhạc hiện đại đã sử dụng im lặng như là một trong những chất liệu quan trọng trong các tác phẩm của mình. Có thể tìm thấy thứ im lặng này trong các tác phẩm của Toru Takemitsu, Olivier Messiean hoặc Karlhein Stockhausen v.v… và v.v…
 
Note 3: Năm 1970, đĩa LP của MGM Records thực hiện ghi âm một trong những chương trình của nghệ sĩ kịch câm lừng danh người Pháp Marcel Marceau - không có âm thanh nào ngoài tiếng vỗ tay của khán giả - với hai “bài hát” dài 19 phút. Đáng kinh ngạc hơn, năm 1980, đĩa “The Wit and Wisdom of Ronald Reagan” của hãng thu âm Stiff Records - một đĩa than “trắng xóa”, có rãnh ghi nhưng không có bất cứ một âm thanh nào - đã bán được hơn 30.000 bản.  

Ảnh trên: From “Black Paintings” (Robert Rauschenberg)
 


Không có nhận xét nào: