Đứa bé có ánh mắt đăm chiêu trong bức ảnh ấy chính là tôi.
Xuyên qua thăm thẳm thời gian, xuyên qua những lau lách tuyệt mù của thứ quá
khứ chẳng còn lưu giữ lại được gì trong trí nhớ, nhìn thằng nhóc từng
là mình trong bức ảnh cũ, đôi khi tôi tự hỏi, nó nghĩ ngợi gì trong giây
phút ấy? Không ghi ngày tháng và nơi chốn ở mặt sau (như mẹ vẫn tôi thường làm
đối với hàng lô hàng lốc những bức ảnh bà đưa tôi đi chụp ở hiệu ảnh ngày còn
bé), nhưng tôi đoan chắc bức ảnh được chụp năm 1965, vào một chiều cuối tuần
nào đó ở Sài Gòn. Tôi mới khoảng 2 tuổi, bố tôi bế tôi trên tay, còn mẹ tôi
đứng cạnh, và chi tiết khiến tôi chọn mốc thời gian nêu trên là vì, bà đang
mang thai cô em kế tôi, mà em tôi, kém tôi 2 tuổi!
Có một thời gian dài tôi cứ đinh ninh bức ảnh ấy được chụp ở vườn hoa Chi Lăng trên vỉa hè hướng trông ra đường Tự Do. Nhưng rồi tôi thấy mình lầm. Bởi nếu vậy, như trong ảnh, cái rạp chiếu bóng với biển quảng cáo nằm chênh chếch phía bên kia đường mà tôi nghĩ là rạp Eden ấy, nó không thể ở chỗ đó. Dò tìm, đối chiếu với khá nhiều bưu ảnh phố xá Sài Gòn ngày cũ, cuối cùng tôi xác định, đấy vẫn đúng là ciné Eden, nhưng là cửa vào ở phía đường Nguyễn Huệ (chỗ về sau là phòng trà Tiếng Tơ Đồng). Rạp chiếu bóng nằm trong Passage Eden này ngày đó có đến 3 lối vào, một trên đường Tự Do, một ở Lê Lợi, và một ở Nguyễn Huệ. Như vậy, bức ảnh được chụp cạnh vườn hoa (có tên gọi rất ít người biết là công viên Đống Đa) nằm trước Tòa Đô chánh Sài Gòn. Cũng từ bức ảnh, nếu chiếu theo hướng nhìn của thằng nhóc là tôi mới 2 tuổi đó, nó không hướng về phía thảm cỏ để trống trước Tòa Đô chánh mà chỉ hơn năm sau mọc lên một cái đài kỷ niệm xấu hoắc có tên gọi là “Tổ quốc - Không gian” (bị dỡ bỏ sau 1975), và vài chục năm sau nữa, được trám bằng một bức tượng, dù của một điêu khắc gia có hạng, nhưng về mặt nghệ thuật, vẫn xấu hoắc (bức tượng này gần đây được đưa về nhà thiếu nhi thành phố để thay bằng một bức tượng khác còn xấu hơn cái cũ!) - hướng nhìn của thằng nhóc là về phía Thương xá Tax, vỉa hè Lê Lợi, nơi nhiều nhiều năm về sau sẽ có rất nhiều những chiều nó lang thang ở đó, chìm đắm trong những tàn tích cũ của Sài Gòn phơi trên những chiếu sách dạo vỉa hè, những quầy văn hóa phẩm bán xôn phủ bụi, hoặc giả, đứng ngửa mặt ngây ngô ngó “chim én vẫn bay đầy đàn trên trời chiều đường phố ở Sài Gòn” (1) hồi cố về một thành phố của tuổi ấu thơ nào đó đã mất…
Có một thời gian dài tôi cứ đinh ninh bức ảnh ấy được chụp ở vườn hoa Chi Lăng trên vỉa hè hướng trông ra đường Tự Do. Nhưng rồi tôi thấy mình lầm. Bởi nếu vậy, như trong ảnh, cái rạp chiếu bóng với biển quảng cáo nằm chênh chếch phía bên kia đường mà tôi nghĩ là rạp Eden ấy, nó không thể ở chỗ đó. Dò tìm, đối chiếu với khá nhiều bưu ảnh phố xá Sài Gòn ngày cũ, cuối cùng tôi xác định, đấy vẫn đúng là ciné Eden, nhưng là cửa vào ở phía đường Nguyễn Huệ (chỗ về sau là phòng trà Tiếng Tơ Đồng). Rạp chiếu bóng nằm trong Passage Eden này ngày đó có đến 3 lối vào, một trên đường Tự Do, một ở Lê Lợi, và một ở Nguyễn Huệ. Như vậy, bức ảnh được chụp cạnh vườn hoa (có tên gọi rất ít người biết là công viên Đống Đa) nằm trước Tòa Đô chánh Sài Gòn. Cũng từ bức ảnh, nếu chiếu theo hướng nhìn của thằng nhóc là tôi mới 2 tuổi đó, nó không hướng về phía thảm cỏ để trống trước Tòa Đô chánh mà chỉ hơn năm sau mọc lên một cái đài kỷ niệm xấu hoắc có tên gọi là “Tổ quốc - Không gian” (bị dỡ bỏ sau 1975), và vài chục năm sau nữa, được trám bằng một bức tượng, dù của một điêu khắc gia có hạng, nhưng về mặt nghệ thuật, vẫn xấu hoắc (bức tượng này gần đây được đưa về nhà thiếu nhi thành phố để thay bằng một bức tượng khác còn xấu hơn cái cũ!) - hướng nhìn của thằng nhóc là về phía Thương xá Tax, vỉa hè Lê Lợi, nơi nhiều nhiều năm về sau sẽ có rất nhiều những chiều nó lang thang ở đó, chìm đắm trong những tàn tích cũ của Sài Gòn phơi trên những chiếu sách dạo vỉa hè, những quầy văn hóa phẩm bán xôn phủ bụi, hoặc giả, đứng ngửa mặt ngây ngô ngó “chim én vẫn bay đầy đàn trên trời chiều đường phố ở Sài Gòn” (1) hồi cố về một thành phố của tuổi ấu thơ nào đó đã mất…
Quá khứ thường bị lạ hóa bởi những khoảng trống của lãng quên mà con người ở hiện tại thường có xu hướng gắng lấp đầy. Đó là những ám thị của ước muốn, những giả tượng mà chúng ta gán ghép cho một thực tại đã cách xa, đã thiếu vắng, đã mất tích và chìm hẳn vào trong sương mù. Tôi có một giấc mơ cứ thỉnh thoảng trở lại trong đầu. Tôi còn rất bé, tôi được bố công kênh trên vai đi qua những đường phố đông vui náo nhiệt, một Sài Gòn hoa lệ nhưng chỉ tuyền hai sắc màu đen trắng; trong mơ, chỉ có mặt trời rọi những khe hẹp giữa những khối nhà to lớn là có màu sắc, đó là thứ ánh sáng vàng rực, sáng lóe lên, thật đẹp. Lại có khi, cũng giấc mơ đó, nhưng ánh sáng mặt trời được thay bằng một đám cháy lớn, đám cháy bốc lên cao, lửa của nó tô màu rực rỡ cho khung cảnh chung quanh cũng chỉ tuyền hai màu đen trắng. Giấc mơ lặp đi lặp lại đó có thể là một mảnh vụn còn sót lại của ký ức tuổi thơ đã bị thời gian hoàn toàn vùi lấp, mà cũng có thể, nó chỉ là thứ được trí tưởng tượng tôi dựng lên từ những bức ảnh đen trắng không màu, không mùa, không thời gian trong những cuốn album gia đình mà hồi ức tôi nuôi dưỡng.
Tôi theo bố mẹ về lại Sài Gòn khi thành phố đã được đổi tên. Việc đầu tiên tôi làm trong gần một tuần lễ là lấy xe đạp rong khắp các nẻo đường. Trước đây, dù hàng năm vào dịp hè tôi vẫn thường được về Sài Gòn chơi thăm ngoại, nhưng phải đến lúc này Sài Gòn mới thực sự bước hẳn ra khỏi những bức ảnh đen trắng mặc định của thời thơ ấu và thực sự sống động trong tôi. Trên chiếc xe cà tàng tha từ miền Trung về, tôi lò dò tìm kiếm, nhặt nhạnh những mẩu ký ức vụn nát về cái thành phố từng là thành phố ngày thơ của mình, nhặt nhạnh những hình ảnh vừa gần gũi lại vừa xa xôi như một cuốn phim 8 ly đầy những vết xước được chiếu nhanh qua trí nhớ, ráp nối và phục dựng lại, như thể ráp nối và phục dựng lại một tấm tranh đã bị xé vụn, một bức tượng thạch cao đã bị thời gian làm cho vụn mủn. Cái thảm thiết của một kẻ không có cố hương và đồng thời xa cách luôn cả nơi chốn đã sinh ra là sẽ sẵn sàng cào cấu bám víu vào bất kỳ một dấu bèo kỷ niệm hư ảo nào miễn nó giúp mang lại cho mình cảm giác gần gụi của quê nhà. Bằng nỗi hoài vọng đó, tôi đã vẽ lại Sài Gòn của riêng mình bằng thứ chiều kích được đo bằng sự cộng hưởng giữa ký ức với ảo tưởng, giữa sống động đời thực với những tủn mủn lầm lạc của trí nhớ. Đó có thể là một tập hợp hình ảnh từ chiếc kính vạn hoa lấp lánh của niềm yêu mà cũng có thể chỉ là một thứ ảnh ảo, sai lệch và bất toàn, những di ảnh đơn thuần về một thành phố đã mất.
Jorge Luis Borges có bài thơ rất lạ kể về niềm hạnh phúc tĩnh lặng và bình hòa của một người ngồi xếp lên kệ những cuốn sách cũ của mình trong một buổi chiều êm ả. Những cuốn sách đã từng quen thuộc với ông đến độ chỉ cần khẽ chạm tay vào gáy sách là ông cũng có thể biết được ngay đó là cuốn gì, của ai. Vậy nhưng, vì mù lòa, ông không còn đọc được chúng nữa, và niềm thân mật gắn bó mà người đàn ông cảm nhận từ những cuốn sách mà mình đã bất khả đọc kia chỉ còn thuần xuất phát từ hồi ức, từ kỷ niệm, từ những điều mà ông từng quen thuộc và yêu thương (And feels that special happiness/ Which comes from things we know and love) (2). Sài Gòn ngày thơ ấu của tôi phải chăng cũng là những cuốn sách mà giờ đây, bởi thời gian mù lòa bôi xóa, tôi chỉ còn có thể cảm nhận bằng xúc giác thô thiển trần trụi khi chạm vào những thứ nằm trơ ở phía ngoài bìa, còn phần hồn, phần cốt lõi tinh túy của nó, tôi cũng đã hoàn toàn bất khả đọc?
Trở lại với bức ảnh chụp trên vỉa hè trước Tòa Đô chánh. Trong một lần hiếm hoi gần đây, sau một buổi tiếp khách của cơ quan tại Rex, bước ra cửa khách sạn, đứng như phỗng trên cái sân lát đá rộng thênh giờ được gọi là phố đi bộ Nguyễn Huệ, tôi không còn nhận ra được chút gì của con đường ngày xưa từng gắn bó nhiều như thế với tuổi trẻ mình nữa. Cái thế giới bao quanh thằng nhóc 2 tuổi xưa kia thực sự đã biến mất hoàn toàn, đã trở thành một thứ ảnh ảo, một thứ tiếng vang đã mất đi mọi nguồn cội. Như chưa hề có Passage Eden, Xuân Thu, Givral, chưa hề có những chiều đứng xếp hàng chờ mua vé xem phim ở Rex ngó nắng vàng lấp lánh trên mái tòa nhà thương xá Tax bên kia đường, chưa hề có bùng binh Cây Liễu mà một trưa xa xôi nào đó tôi và thằng bạn khoác vai nhau đứng nhe răng cười như khỉ cho bác chụp ảnh dạo làm cho một “pô”, cũng chưa hề có buổi chiều ướt sũng độ nào ngồi co ro trùm áo mưa uống bia vỉa hè với ông anh cạnh một kiosque ảnh trên đường Nguyễn Huệ mà sau đó sướng rơn vì được ông dúi cho một cuốn cassette lậu album The Visitors vừa mới ra lò của ABBA… Không có. Không có gì hết. Có vẻ chúng ta nhìn thấy Sài Gòn đang được xóa bỏ dần dà nhưng quyết liệt toàn bộ ký ức của nó bằng các khẩu hiệu nhân danh sự phát triển và hiện đại hóa. Nếu là dụng tâm, đây là một thành công lớn. Không còn ký ức về chính mình, Sài Gòn, sẽ là một thành phố khác. Hoàn toàn khác, đúng như người ta mong muốn.
Hình như, để phản ứng lại với những nỗi thất vọng (quá sức chịu đựng) về rất nhiều bình diện của xã hội, đời sống, tinh thần, những người ở độ tuổi tôi hôm nay thường có xu hướng ngoái nhìn về đàng sau, về những “Paradise Lost” nào đó của riêng mình hơn là nhìn xa ra về phía trước, với niềm hy vọng. Sẽ chẳng bao giờ tôi còn có được ánh mắt như của thằng nhóc 2 tuổi trong bức ảnh cũ ở Sài Gòn kia, dù đăm chiêu, nhưng luôn là phía trước, về phía xa xăm đầy ước vọng và tin tưởng. Người ta bảo mỗi thế hệ đều có một không gian tinh thần của riêng mình. Tuy vậy, cái không gian tinh thần đó không thể xây lơ lửng trên không trung. Khi tôn vinh một giá trị văn hóa mới song hành với sự đập phá một giá trị văn hóa cũ, chúng ta đang làm trò xây nhà trên không trung.