Thứ Hai, 27 tháng 1, 2020

Một hồi ức về hòa bình


Hiệp định Paris ký ngày 27.1.1973. Tôi nhớ sáng Chủ nhật bố tôi chở tôi đi hớt tóc chuẩn bị đón Tết. Ở tiệm hớt tóc, tôi nghe radio hát vang vang “Ta vỗ tay cho thật đều để mừng chiến tranh ôi chiến tranh đã dứt…” và nghe người lớn trò chuyện, hoan hỉ kháo nhau hòa đàm Ba Lê mới ký xong hôm qua, vậy là hòa bình rồi, hòa bình rồi! Về nhà, mẹ tôi cũng bảo vậy, hòa bình rồi hòa bình rồi, năm nay về Sài Gòn thăm ngoại, nhà mình đi đường bộ tha hồ xem phong cảnh đất nước, khỏi phải máy bay như mọi lần, tốn kém!

Tôi gần 10 tuổi khi Hiệp định Paris được ký kết, chưa được đi đâu xa khỏi thành phố nhiều bằng đường bộ, ngoài một lần đi Huế với mẹ và một lần nữa, bố tôi lái xe chở cả nhà đi Tam Kỳ ăn cưới. Thành phố Đà Nẵng tương đối yên bình trong những năm chiến tranh - nghĩa là, ngoài những trận pháo kích thi thoảng nã vào thành phố gây ra máu me chết chóc, chiến tranh trực tiếp không diễn ra ở đấy. Thế nhưng, xung quanh Đà Nẵng lại là chuyện khác. Trí óc trẻ thơ của tôi còn ghi lại từ hai chuyến đi là hình ảnh những thân cầu gãy gục, những dãy nhà đổ nát đầy vết đạn bom, những cánh đồng hoang vắng um tùm lau lách và những trạm kiểm soát với những người lính gương mặt rầu rĩ, khắc khổ, lăm lăm súng ống trên tay… Tôi nhớ trên đường từ Tam Kỳ về, bố tôi đã cho một trung úy trẻ đi quá giang xe nhà ra Đà Nẵng. Trên đường, anh trung úy đã chỉ tay về phía những cánh đồng hoang vu trong nắng chiều và nói với bố mẹ tôi: “Chỉ cần đêm xuống là chúng hoàn toàn thuộc về mấy ổng, quân đội chỉ kiểm soát được ngoài quốc lộ này thôi”. Mấy ổng ở đây tôi hiểu là ám chỉ “mấy ông giải phóng”. Tò mò và hãi hùng, tôi nhìn những bờ tre mờ mịt ngoài tầm mắt, tưởng tượng đến những tay súng bí ẩn chờ đêm xuống mới từ bóng tối hiện ra như những cảnh tôi thường được xem trên màn ảnh ciné…

“Ta vỗ tay cho thật đều để mừng chiến tranh ôi chiến tranh đã dứt, người ơi hoà bình đã tới trên quê hương mình!…”(1). Không hiểu vì sao đã hơn 40 trôi qua tôi vẫn nhớ như in âm thanh khúc hát ấy lẫn tiếng nhiễu lạo xạo của sóng âm phát ra từ chiếc radio cũ của tiệm hớt tóc, giọng người đàn ông rắn rỏi hòa cùng giọng nữ cao vút vang vang trong không khí lành lạnh của buổi sáng mai một ngày giáp Tết. Nhiều nhiều chục năm sau, khi đã được đọc khá nhiều những tài liệu lịch sử đa chiều về sự kiện này, tôi mới thực sự cảm nhận được sự lạc quan nực cười trộn chung với không ít vị cay đắng khi nhớ về niềm hoan hỉ đầy ngây thơ của những thế hệ trưởng thượng, trong đó có bố mẹ tôi, chú bác tôi, mà biểu lộ rất rõ của họ là câu hát, ta vỗ tay cho thật đều để mừng chiến tranh ôi chiến tranh đã dứt… Nhưng vì chiến tranh chưa dứt! Chiến tranh còn kéo dài thêm hơn hai năm nữa với thêm hàng đống những xác người.

Chuyến đi từ Đà Nẵng - Sài Gòn bằng đường bộ cuối năm ấy của mấy anh em tôi với mẹ là một chuyến đi hãi hùng. Trên quốc lộ đầy những chiếc cầu gãy khiến xe đò của hãng Phi Long (được quảng cáo là chạy suốt không nghỉ Sài Gòn - Đà Nẵng) cứ phải “tăng bo” liên tục. Rất nhiều lần hành khách phải sang xe, khệ nệ ôm hành lý di chuyển qua sông trên những mảnh cầu phao lót tạm (hoặc phải dùng thuyền) vì cầu đã bị mìn giật sập mà công binh không sửa kịp! Có những đoạn, xe đò và xe dân sự phải xếp cả hàng dài chờ quân đội dẫn đường khi đi ngang những khu vực mất an ninh. Tôi nhớ, đôi khi xe chạy xuyên những cánh đồng mà xa xa phía sau những bờ tre còn mù mịt khói những đám cháy của một cuộc đụng trận nào đó. Và cũng chuyến đi ấy, lần đầu tiên trong đời tôi được tận mắt nhìn thấy - không phải trong phim, cũng chẳng phải trên truyền hình - hàng đống xác người!

Xác người chết được xếp nằm ngang trên vệ cỏ, đầu hướng ra phía quốc lộ. Xe qua đoạn này ùn lại vì những chiếc GMC và thiết vận xa M.113 đang đậu choán hết đến gần nửa phần đường. Bên bờ cỏ, cạnh thửa ruộng lúp súp nước và cỏ lác, những toán lính ôm súng, kẻ đứng người ngồi dáng vẻ âu sầu, mệt mỏi. Chiếc xe đò của chúng tôi bị tắc lại ở rìa đường ngay phía đối diện với dãy xác chết đó. Cả xe nhốn nháo: Ôi, xác mấy ông giải phóng, xác mấy ông giải phóng! Do ngồi ngay cạnh cửa xe, mẹ tôi vội vã lấy vạt áo khoác của bà choàng qua đầu để ngăn không cho anh em tôi nhìn thấy những gì đang diễn ra phía bên ngoài xe. Nhưng, tôi vùng ra. Cái sự vùng ra này sẽ làm tôi hối hận suốt cả một thời gian dài nhiều năm sau đó bởi nỗi ám ảnh dai dẳng của cái cảnh tượng ghê rợn mà mình nhìn thấy trưa hôm ấy. Đó là một hàng dài những hình thù lem luốc bùn đất và máu khô trong những bộ trang phục không còn có thể nhận ra được là màu gì. Tất cả đều được đặt nằm ngửa mặt lên trời, cả những xác chết chỉ còn lại một đôi phần dạng thể của con người. Tôi thấy có xác nằm co quắp, rúm ró, như vẫn quằn quại cảm giác được sự đau đớn từ những vết thương vỡ toác của mình; có xác chân tay rụt lại như đang gắng sức ngồi bật dậy để chạy trốn khỏi bãi cỏ bỏng rát nắng trưa; có xác lại nằm duỗi thẳng người nhẹ nhàng như đang ngủ say; nhiều xác chỉ còn là một đống bầy nhầy giữa quần áo và máu me xương thịt; đặc biệt, có một xác hai tay cứng đờ giơ lên một cách kỳ dị trong tư thế như đang chống đỡ cả bầu trời sắp sửa đổ sụp xuống đầu mình… Một bó nhang lớn (có lẽ được một người qua đường nào đó thắp lên cho) đang nghi ngút cháy. Mỗi lần có gió, những mẩu giấy vàng bạc cháy nham nhở lại bay tốc lên vướng cả vào đầu vào mặt những cái xác!... (2)

220.357 là con số lính Việt Nam Cộng hòa tử trận được Guenter Lewy dẫn từ tài liệu lưu trữ của Bộ Quốc phòng Mỹ, tính từ năm 1965 đến năm 1974. Theo thống kê chi tiết của Jeffrey J. Clarke thì từ 1960 tới 1974, Việt Nam Cộng hòa có 254.256 lính tử trận (3), cộng thêm con số tử trận trong các năm 1956-1959 (những năm chiến tranh Việt Nam chưa diễn ra ác liệt) và năm 1975 thì số ước khoảng 310.000 (4). Như vậy, nếu lấy tạm một con số bình quân, từ lúc cái gọi là “Paris Peace Accords” (Hiệp định Hòa bình Paris) được đặt bút ký ngày 27.1.1973 cho đến ngày chiến tranh thực sự kết thúc vào trưa 30.4.1975, cái núi xác của chỉ riêng những người lính Việt Nam Cộng hòa đã tăng lên thêm trên dưới 70 ngàn. Trong lịch sử đương đại, có lẽ hòa đàm Paris là hiệp ước duy nhất dưới danh xưng “hòa bình” bị chôn vùi bởi đống xác người khổng lồ đến như vậy!

Sáng nay xé tờ lịch mới. Tờ lịch ghi ngày 27.1, tôi bất giác nhớ lại chuyện này.
Trần Thanh Sơn (1.2020)

(1) Lời ca khúc “Việt Nam ơi! Ngày vui đã tới” của NS. Hoàng Thi Thơ.
(2) Sau này, khi đọc những câu thơ của T.S. Eliot, “Men and bits of paper, whirled by the cold wind/ That blows before and after time”(1), những hình ảnh này sẽ lại quay về với tôi, không dính dáng gì đến những suy tư siêu hình như thơ Eliot gợi mở mà chỉ thuần túy đào xới lại nỗi ghê rợn thảm sầu của chiến tranh nơi cảnh tượng tôi từng được nhìn thấy ở tuổi lên mười!
(3) Clarke, Jeffrey J. (1988), United States Army in Vietnam: Advice and Support: The Final Years, 1965-1973, Washington, D.C: Center of Military History, United States Army, p. 275.
(4) Nhà sử học R.J. Rummel còn đưa ra con số ước tính cao nhất có thể lên tới 313.000 tử trận.


1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Bài viết rất hay, NS TTS!