Thứ Năm, 2 tháng 4, 2020

Khi con người biến mất



Xem loạt ảnh chụp các đại đô thị trên khắp cùng thế giới hoang vắng như những thành phố ma vì lệnh giới nghiêm, giới hạn đi lại, tự cô lập và bị cô lập trong cơn đại dịch Corona mới thấy cái mong manh dễ vỡ của nền văn minh nhân loại. Bỗng nhớ lại loạt phim khoa học chiếu trên kênh truyền hình National Geographic cách đây đã lâu, người ta giả định của những New York London Paris Moscow Thượng Hải sẽ ra sao sau một giờ, một ngày, một tuần, một tháng, một năm, 10 năm, 50 năm, 100 năm và nhiều ngàn năm sau đó nếu như con người đột nhiên biến mất. Đó là những cảnh tượng đầy kinh dị.

Là bộ phim nhiều tập được phân thành từng chủ đề, ví dụ: sự phân rã của đô thị và sinh học, hoặc, số phận của một số loài động thực vật, mỗi tập phim đều được mở đầu bằng một câu chào rất đỗi lạ lùng: “Chào mừng đến với Trái đất, dân số: không”, và cuối phim bao giờ cũng chấm dứt bằng lời bình tùy nội dung của từng tập nhưng luôn luôn kèm với câu kết “…trong cuộc sống hậu-nhân-loại”. Theo dõi bộ phim, khán giả sẽ được nhìn thấy những đô thị khổng lồ khi không còn con người sẽ bị thiên nhiên xâm lấn và tàn phá ra sao; những bầy gia súc gia cầm sẽ trở thành động vật hoang dã hoặc bị diệt vong như thế nào; những Tượng thần Tự do, Nhà nguyện Sistine, Tháp Big Ben, Cung điện Verseilles, Nhà thờ St. Basil hay Empire State, Cầu Cổng Vàng, cao ốc  Burj Khalifa... trụ được bao lâu thì hoang tàn sụp đổ; những Mona Lisa, Venus de Milo, Guernica, các viện bảo tàng - kho cất giữ, thậm chí cả các vệ tinh, nhà máy điện hạt nhân, tàu thăm dò không gian như Voyager, những cỗ máy chiến tranh… bao lâu sẽ bị hủy hoại hoặc gây ra sự hủy hoại. Xem cảnh sư tử vồ bắt hươu nai trên phế tích Quảng trường Thời đại New York đã bị thảm thực vật biến thành một cánh rừng, cảnh những thành phố duyên hải bị đại dương nuốt chửng hoặc cảnh tượng những chiếc tàu hàng trên Ngũ Đại Hồ trôi qua những chiếc cầu sắt đã đổ sụm vì rỉ sét rơi xuống rìa thác Niagara là những trải nghiệm thị giác khá kinh hoàng! Theo tính toán của các nhà khoa học, các kỹ sư cơ khí và các chuyên gia đã tham gia bộ phim, sau 300 năm, mọi công trình được xây từ sắt thép, bê tông sẽ bắt đầu mục ruỗng đổ sụp, và sau 10.000 năm, những dấu tích về sự tồn tại của con người và một nền văn minh từng phát triển cực thịnh sẽ chỉ còn lại những công trình khổng lồ được con người tạo nên từ đá, chẳng hạn các kim tự tháp Ai Cập hay tượng đài các tổng thống Mỹ ở núi Rushmore!

Điều gì sẽ xảy ra nếu con người trên Trái đất biến mất? Đây không phải là câu chuyện về nguyên do và cách thức chúng ta có thể biến mất mà là câu chuyện về những gì sẽ xảy ra với thế giới mà chúng ta bỏ lại sau lưng - lời dẫn nhập của bộ phim khoa học với những dự đoán xám xịt này nói trước với ta như vậy. Thế thì điều gì có thể sẽ khiến cho con người trên Trái đất biến mất? Điều gì nhỉ? Câu trả lời nan giải này hình như các nhà làm phim dành cho người xem: chúng ta.

Như Noé mỗi ngày ngóng cánh chim câu quay về đưa tin nước rút, app corona.kompa.ai trên điện thoại của tôi hôm nay thông báo số người nhiễm virus Vũ Hán trên toàn thế giới là 735 ngàn. Cơn hồng thủy Corona chưa hề có chút dấu hiệu ngừng lại. Điều gì sẽ xảy ra nếu con người trên Trái đất biến mất? Hốt nhiên, tôi nhớ lại vài chi tiết lạc quan ít ỏi trong bộ phim truyền hình nêu trên: chấy trở nên tuyệt chủng vì không có vật chủ là con người; và, hỡi những ai đang quáng quàng chạy mua lương thực tích trữ dự phòng cho chuỗi ngày dịch bệnh sắp tới, bánh snack chỉ tồn tại được 25 năm, nhưng tin mừng là những lọ mật ong có thể vẫn ăn được sau hàng thiên niên kỷ!
Trần Thanh Sơn (3.2020)

Ảnh trên: From Painting (Rita Ackerman)


Không có nhận xét nào: