Rồi mai này nhớ lại, có thể đây sẽ là một năm dài nhất của
cuộc đời chúng ta: một mùa xuân dài nhất, một mùa hè dài nhất, và cũng có thể,
một mùa thu hoặc một mùa đông dài nhất. Ta sẽ nhớ lại có một giai đoạn cuộc đời
ta sống như người nằm mộng, một trường ác mộng phi lý và hoang đường hơn tất cả
những gì mà sự phóng đại của trí tưởng tượng cùng mộng mị có thể tạo ra
được. Đấy cũng là khởi điểm của một đời sống khác hẳn, khi ta bị buộc phải
giam mình vào thứ không gian hẹp của yêu cầu cách ly, thứ thời gian biểu đều
đều xám xịt của sự chờ đợi và bất chợt nhận ra mình chỉ là một thứ con tin
vô giá trị của số phận, bị cầm tù bởi một kẻ thù gần như vô hình:
coronavirus. Chúng ta sẽ còn nhớ thêm được điều gì về những ngày thảm
đạm không màu và gần như giống hệt nhau này? Những con số thống kê người nhiễm
bệnh và người chết cứ tăng lên mỗi ngày theo cấp số nhân? Những trạm
kiểm soát, những rào chắn, những khu cách ly? Hay hình ảnh những đại đô thành trên khắp thế
giới hoang vu vắng tịnh không bóng người?
Gần tuần nay tuân thủ lệnh giãn cách xã hội, làm
việc theo chế độ online, tôi ở nhà vơ vẩn vào ra. Thời gian rảnh rỗi nhiều,
nhưng đọc sách, nghe nhạc, xem phim mãi thì cũng chán. Đầu óc cứ rỗng
không tối ám tựa một lòng giếng đã cạn kiệt. Ngồi vào đàn bâng quơ
nhấn phím mong tìm thấy một niềm hứng khởi nào đó, nhưng vô vọng.
Hồi đầu tuần tôi có thử đọc lại vài chương tiểu thuyết “Dịch hạch”
của Camus khi số bệnh nhân nhiễm cúm trên toàn thế giới bắt đầu
chạm ngưỡng một triệu và Việt Nam cũng bắt đầu công bố tình trạng dịch bệnh
trên toàn quốc. Cái ấn tượng mạnh mẽ mà cuốn sách mang đến cho tôi ngày còn
trẻ đã biến đâu mất. Đến một độ tuổi, văn chương Camus đối với ta không còn
phù hợp nữa hay chỉ vì thực tại sống động và hung hiểm hơn nhiều so
với những gì nhà văn từng tưởng tượng? Kể cũng lạ, từ khi số liệu thống
kê Covid-19 vượt qua con số triệu, dù vẫn lướt web xem tin tức hàng
ngày về tình hình dịch bệnh nhưng tôi thấy mình không còn chú tâm dõi theo số lượng
người bệnh và người chết nữa. Phải chăng đấy là kiểu phản ứng “đà điểu”
của vô thức nhằm trốn chạy cảm giác bất lực vì biết mình không thể làm
gì để thay đổi tình hình tồi tệ này của thực tại?
Sáng nay mấy chậu cẩm tú mai treo trong khoảnh sân sau
nhà tôi chi chít hoa tím. Nhớ câu thơ của Tô Thùy Yên mà lòng thì lại nghĩ, chẳng vì ai hoa vẫn cứ nở, xá gì! Từ thuở hồng hoang chưa
có con người hoa vẫn thản nhiên khoe sắc khoe hương. Thuyết Big Bang nói
13,8 tỉ năm là tuổi ước tính của vũ trụ, tuổi trái đất thì khoảng
4,55 tỉ năm, riêng thứ động vật đứng thẳng đầu tiên được xếp loại con
người chỉ mới xuất hiện cách đây khoảng 2 triệu năm, cái gọi là
nền văn minh nhân loại thì còn tệ hơn, không quá 100 thế kỷ. Ôi cái ánh chớp lóe
ngắn ngủi so với thăm thẳm đêm đen! Lại thấy lòng mình quá dư bi quan
mà lại quá thiếu tin tưởng và hy vọng.
Nhưng tin tưởng, hy vọng vào cái gì? Tin tưởng và hy vọng
rằng mọi việc sẽ ổn thỏa? Rằng dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi? Rằng cuộc sống bình
thường sẽ lại được hồi phục? Những rào chắn, những cánh cửa biên giới sẽ lại
được mở ra? Tất cả những hỗn loạn sẽ trở về xếp hàng vào đúng vị trí của
chúng? Nghĩ đến những chuyện đó khi chưa có vaccine ngừa coronavirus đại trà cho tất
cả mọi người thì có lẽ là quá sớm và xa vời không tưởng. Trong cái thế giới hẹp tí bởi xu
thế toàn cầu hóa ngày nay, sẽ không có một nơi chốn nào gọi là nơi chốn an toàn nếu như
dịch cúm Vũ Hán chưa thực sự bị chặn đứng bằng vaccine. Dịch có thể được tạm
thời ngăn lại ở địa phương này, quốc gia này, nhưng có thể sẽ bùng lên ở một
địa phương khác, quốc gia khác. Dịch cũng có thể sẽ tự suy giảm và tạm biến mất,
nhưng nó sẽ trở lại, như nhân vật bác sĩ Rieux đã nghĩ trong đoạn kết tiểu
thuyết Dịch hạch: “Vi trùng dịch bệnh không bao giờ chết và biến mất hẳn;
chúng có thể nằm yên hàng chục năm trong đồ đạc, áo quần, chăn chiếu; chúng
kiên nhẫn chờ trong các căn phòng, dưới hầm nhà, trong hòm xiểng, khăn lau,
giấy má; và một ngày nào đó, để gây họa và dạy cho con người một bài học, dịch
bệnh có thể đánh thức đàn chuột của nó dậy và bắt chúng chạy đến lăn ra chết ở
một đô thành nào đó đang sống trong phồn vinh hạnh phúc”. Vậy
nên, lời kết như một tiên đoán và cũng như một lời nguyền rủa đó của Camus, tôi
nghĩ, nó sẽ sa xuống cho những đám người, những thế lực, quốc gia nào chưa bước
khỏi vùng hiểm họa đã vội huênh hoang nghĩ mình mạnh mẽ, nhổ toẹt vào những khổ
nạn ngày hôm qua của chính mình, xem sự nguy khổn của đồng loại là lợi thế cho
mình và trơ tráo chà đạp lên mọi điều nhân nghĩa!
Từ giờ đến lúc có vaccine ngừa coronavirus được sản xuất đại
trà, mà dự báo lạc quan nhất cũng cho rằng cần đến 18 tháng nữa (phải nhớ thêm rằng
có 4 loại virus corona đã lưu hành trên cơ thể người và chúng ta chưa có một
loại vaccine nào cho cả 4 loại này), niềm tin và sự hy vọng chỉ có thể đặt vào
chính bản thân mỗi người chúng ta. “Sauve qui peut!” là một thành ngữ Pháp
thường hàm nghĩa xấu, nhưng vào những lúc thế này có vẻ lại là cần thiết. Không
ảo tưởng, không chủ quan, không mong chờ vào ai cả, hãy tự cứu mình. Mỗi
người, tự bảo vệ mình khỏi dịch bệnh cũng chính là bảo vệ cho gia
đình mình, cộng đồng của mình, đất nước mình được an toàn. Hãy nhớ, đêm
vẫn còn rất dài, trước khi trời sáng.
Trần Thanh
Sơn (4.2020)
Ảnh trên: From “Outrenoir” (Pierre Soulages)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét