Thứ Hai, 23 tháng 3, 2020

Lại đọc sử

 
Tính ngủ trưa mà không ngủ đươc. Nằm vật vạ mãi rồi quyết định trở dậy đọc sách. Tiếp tục đọc Tạ Chí Đại Trường. Gần hai tháng nay, từ lúc dịch cúm Vũ Hán loang rộng, công việc đình đốn, nhịp sống thường nhật ngưng trệ, nhưng đâm ra tôi lại có nhiều thời gian hơn dành cho sách vở. Đọc cho hết số đầu sách của Tạ Chí Đại Trường là mong muốn tôi đặt ra cho mình đã lâu nhưng chưa thực hiện được: Sử Việt đọc vài quyển; Thần, Người và Đất Việt; Một bài sử khác cho Việt Nam; Việt Nam nhìn từ bên trong; và, Một khoảnh VNCH nối dài (trừ Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802 tôi đã đọc cách đây nhiều năm). Vậy nên, ngày nghỉ ở nhà tránh dịch cúm Tàu cũng là cơ hội để tôi ngốn hết số sách mình đang có này.
 
Thời trẻ tôi thích đọc sử. Tôi nhớ mình có thể đọc những cuốn sử dày cộm một cách mê say chẳng khác gì đọc một cuốn tiểu thuyết. Sử liệu chỉ một đôi dòng nhưng thường gợi lên trong tâm trí tôi nhiều tưởng tượng hơn hàng tá những trang sách khác loại. Bao nhiêu tang thương biến cải, bao nhiêu xương trắng máu hồng có khi chỉ nằm gọn trong dăm ba từ tường thuật đầy vẻ dửng dưng! Và thường là, khi gấp lại một trang sách sử, bao giờ cũng lưu lại trong lòng tôi cái cảm giác bâng khuâng, buồn bã, lơ lửng treo trong tâm trí là những câu hỏi bất khả giải đáp: Đi về đâu hết rồi những lớp lớp nhân loài trên cái bãi tha ma dài rộng đến vô tận này của lịch sử? Có hay không, những sự thật được che dấu bên dưới những dòng chữ dù mờ bụi thời gian nhưng vẫn tanh sực vị máu tươi này?
 
Lịch sử là một tập hợp những điều dối trá đã được đồng ý chấp nhận (Napoléon). Đọc Tạ Chí Đại Trường không thể không nghĩ đến câu nói nhuốm vị cay đắng đó khi bước vào những góc khuất, những khoảng mờ tối và bị bóp méo của lịch sử Việt Nam trong những biên khảo lạ lùng đầy tính phát hiện nhưng cũng đầy thách thức của ông. Nói thách thức, là vì (với kẻ ngoại đạo về Sử như tôi) Tạ Chí Đại Trường không dễ đọc: văn phong rối rắm, kiến văn mênh mông, đặc biệt ông mặc định xem như độc giả của ông đã đọc và thông suốt tất cả những bộ sử sách mà ông đang nói về hay nhắc đến, nên hoàn toàn bỏ qua chuyện tường thuật, độc giả nào mụ mị thì cứ việc tự mở chính sử ra mà xem lại! Khó nhằn, nhưng nếu chịu nhằn và nhằn được, đọc ông là một điều tuyệt thú! 
 
Đọc Tạ Chí Đại Trường là đọc một lối viết sử mới toanh, khác hẳn cái khuôn khổ cứng nhắc, rập khuôn thường thấy ở kiểu viết sử “nguyên nhân - diễn biến - kết quả - bài học kinh nghiệm” cả một thời gian dài làm ta chán ngấy. Thong thả, chẳng đi đâu mà vội, cách thức của ông là vậy, ta sẽ theo ông đi tới đi lui, đi ngược đi xuôi trên những trang sử Việt để nhặt nhạnh ra những dấu tích mà dưới sự soi chiếu của ông, chúng bỗng mang một thứ ánh sáng mới làm hiển lộ những góc khuất tăm tối và bị che lấp bởi sự áp đặt của kẻ cai trị hay bởi mù mịt thời gian. Như một kẻ đứng chơi ở ngoài một cuộc cờ, tâm trí không bị che lấp bởi những suy tính và ham muốn chiến thắng của riêng mình nên có thể sáng suốt chỉ ra những âm mưu tối ám của cả đôi bên trong từng nước cờ. Thế nhưng, chỉ dừng lại ở đó. Tạ Chí Đại Trường khước từ mọi sự phán xét, khước từ việc phải chọn lấy một phe hoặc một bên nào đó để dựa lưng vào mà giải quyết mọi sự mình đã nêu ra, điều mà các sử quan từ trước tới nay ở ta thường làm hoặc bị sai làm, dùng cường quyền, dùng ý thức hệ làm chìa khóa cho mọi kiến giải mà thực ra chẳng có gì khác ngoài mục đích nhằm tô hồng hay nỗ lực để trốn chạy khỏi một trách nhiệm lịch sử nào đó. Nhà sử học Yuval Noah Harari (*) từng nói một câu, đại loại, nhà viết sử nghiên cứu về quá khứ không phải để lặp lại nó, mà là để được giải thoát khỏi nó. Trong một chừng mực, có lẽ Tạ Chí Đại Trường cũng đã làm được điều đó, ở tầm hẹp, là cho riêng bản thân của ông, nhìn rộng ra là cho tất cả chúng ta, giải thoát khỏi thứ lịch sử mà phi lịch sử.
 
Hôm nay, thống kê số người nhiễm virus Corona trên toàn thế giới đến thời điểm này là gần 338.000 người. Đó có phải là một con số thật để sau này có thể ghi vào sử sách? Tiếp tục đọc sử. Tiếp tục đọc Tạ Chí Đại Trường. Vẫn còn nhiều tác phẩm của ông mà tôi chưa có và chưa kịp đọc tới.
Trần Thanh Sơn (3.2020) 
 
 
-Tạ Chí Đại Trường (1938-2016): Nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam
-Yuval Noah Harari: Nhà sử học người Israel, nổi tiếng với các tác phẩm  như  “Sapiens - Lược sử loài người”, “Homo Deus: Lược sử tương lai”… đều đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam.

Ảnh trên: From Concetto Spaziale (Lucio Fontana)
 


Không có nhận xét nào: