Nhạc của Bach là lý lẽ duy nhất chứng minh việc tạo ra vũ trụ không thể bị xem là một thất bại hoàn toàn. Câu phát biểu đầy vẻ khiêu khích này của Emil Cioran chắc chắn không phải là những lời xiển dương quá đáng mà nhân loại từng, đang (và sẽ tiếp tục) dành
để ca tụng cái di sản kỳ vĩ J.S. Bach đã để lại. Người ta còn có thể sử dụng thêm những cung bậc
ngôn từ nào để nói về nó? Và liệu có là phù phiếm không khi phải dùng đến thứ
phương tiện là nguồn gốc của mọi ngộ nhận để xưng tụng cái vẻ đẹp của vũ trụ âm
thanh chỉ có thể được cảm nhận bằng im lặng giao cảm và với niềm cô đơn ẩn mật
nhất của tâm hồn?
Thời còn tập tành chơi đĩa nhựa những năm 80 tôi có quen với N. - một tay cuồng Bach đến kinh dị. So với những nhân vật sưu tầm đĩa mà tôi được biết ngày ấy, N. chỉ thuộc vào loại tầm tầm, nghĩa là đứng đâu đó gần cuối bảng trong thứ hạng những tay chơi được gọi là “trùm”. Tuy nhiên, bộ sưu tập J.S. Bach của anh thì quả là đáng nể. Tôi từng phải há hốc mồm vì kinh ngạc khi được tận mắt nhìn thấy chỉ riêng tác phẩm “The Well Tempered Clavier” của Bach thôi, N. đã có đến hơn một tá những phiên bản trình tấu khác nhau của các danh cầm như Gieseking, Tureck, Walcha, Gould, Richter, Gulda… Anh còn khoe với tôi cả chiếc đĩa có bản ghi âm 1936 của Edwin Fischer - người đầu tiên trên thế giới thực hiện thu âm hoàn chỉnh tác phẩm này. Cách tôn sùng Bach của N. cũng khác người. Đĩa của tất-tần-tật những nhà soạn nhạc cổ điển lớn nhỏ N. đều xếp chung vào một cái kệ lớn để loạn xà ngầu cùng sách vở và tạp chí, chỉ riêng Bach thì anh dành hẳn một cái tủ thật đẹp có cả cửa kính để cất giữ. Với những cái đĩa này, dù có đĩa đã cũ mèm, bìa cóc gặm, nhưng N. trân trọng nâng niu chúng quá thể đồ thờ! Và cũng N, cái thời đất nước còn im ỉm đóng cửa, thông tin thiếu thốn, vậy mà chẳng biết làm sao anh có thể vanh vách kể chuyện phi thuyền Voyage năm 1977 - trong sứ mệnh nghiên cứu không gian ngoài hệ mặt trời - đã mang theo chiếc đĩa bằng vàng giới thiệu những thành tựu nào của nền văn minh trái đất. N. đặc biệt hào hứng khi cho biết trong 4 nhà soạn nhạc cổ điển có tác phẩm được ghi trong đĩa vàng này (bao gồm Bach, Mozart, Beethoven và Stravinsky), thì Bach có đến 3 tác phẩm, Beethoven 2, còn Mozart và Stravinsky mỗi người chỉ 1! Rồi anh cười hể hả, sung sướng như thể đó là niềm vinh quang của chính bản thân mình!
Dường như với mỗi người yêu Bach, dẫu có cách tiếp cận và cách hiểu khác nhau về âm nhạc của ông, nhưng tôi đồ rằng tất cả đều có một mẫu số chung là không thể không từng ít nhất một lần trong đời có cảm giác lạ lùng là ông viết khúc nhạc này hoặc khúc nhạc kia là để tặng cho họ, chỉ riêng một mình họ mà thôi! Chẳng phải tôi cũng từng có cảm giác những tẩu khúc Bach viết (và được Segovia chuyển soạn cho guitar) là để giúp tôi vượt qua những mùa đông tuyệt vọng vì đói rét và cô đơn thời niên thiếu thuở nào hay sao? Hoặc giả... Tôi nhớ lại lời kể của N. về chuyến vượt biển bất thành của anh năm 1981. Khi loi ngoi giữa đêm mưa lạnh trong khúc sông vùng gần cửa Cổ Chiên do “ghe taxi” chở quá khẳm lật úp vì sóng lớn, N. bảo trên biên giới mong manh giữa sự sống và cái chết ấy, chẳng hiểu vì sao trong đầu anh lại đột ngột vang lên giai điệu của khúc biến tấu áp chót trong Goldberg Variations của Bach. Cái nét nhạc vừa thản nhiên như trời đất lại vừa như khẩn thiết khuyến dụ mà N. tin rằng Bach đã dành riêng cho mình ấy đã giúp anh gắng hết sức mình trồi lên trên con sóng dữ, bơi bơi bơi, và sống sót. Có thể nghe Bach trong đêm đen, trong cõi chập choạng hay trong miền ánh sáng huy hoàng của cuộc đời. Có thể nghe Bach lúc sợ hãi tuyệt vọng, lúc vui sướng hân hoan hay cả khi lòng rỗng không, trống trải vô cầu. Bởi, Bach là tất cả những thứ đó!
Nếu như nghe Handel (nhà soạn nhạc có cùng năm sinh với Bach) là nghe thứ âm nhạc miêu tả con người với những đam mê, những bi kịch và số phận cụ thể; ta sẽ thấy dù âm nhạc ấy có hướng đến những siêu việt thể thiêng liêng, cao vời và rộng lớn đến thể nào, tinh thần chung cuối cùng vẫn quay về với phạm vi những nhân vật cùng những chi tiết, tâm trạng, đa phần mang đậm tính cá nhân, sự kiện. Âm nhạc của Bach thì ngược lại. Trong mỗi nốt nhạc của ông chứa đựng mọi bi kịch của nhân loài nhưng cũng đồng thời chứa đựng mọi khoảnh khắc cứu rỗi chúng. Nó mở rộng cho người nghe cái nhìn về toàn thể bằng cách nối liền mọi thứ vào mọi thứ, cá nhân vào với vạn vật, ánh sáng vào với bóng tối, sự nhịp nhàng hòa dịu gắn chặt với sự xung khắc nghịch dị, sự hiển nhiên đi cùng những điều vô lý bất khả, hiện hữu song hành với hư vô. Thứ âm nhạc mang tính nối kết ấy, một mặt, nhắc cho chúng ta nhớ ra ta là một mảnh của toàn thể mà đồng thời lại cũng chính là toàn thể, mặt khác, khi đánh thức những rung cảm thẩm mỹ vốn tiềm ẩn sâu xa bên trong mỗi chúng ta (mà không có Bach, chúng ta không biết đến sự hiện tồn của khả năng này), chúng cũng đặt ta vào cảnh huống phải đối diện với sự tra vấn thường xuyên, thường trực ý nghĩa sự tồn sinh đầy nực cười của chính bản thân ta: con người!
Hôm nay ngày sinh của Bach, lại đúng vào Chủ nhật. Buổi sáng thảnh thơi ở nhà, thâm tâm tôi chỉ muốn nghe lại một vài khúc nhạc tươi tắn, an hòa kiểu Orchestral Suite, hoặc một Brandenburg Concerto bất kỳ, vậy mà cuối cùng tôi lại chọn nghe Hidemi Suzuki kéo Cello Suite No.5 - bản nhạc u tối nhất trong chùm 6 bản Suite soạn cho cello độc tấu của Bach. Ngồi trong dòng chảy dẫu nhuốm đăm chiêu nhưng thuần khiết và tràn đầy năng lượng của bản nhạc, trong một thoáng, bất giác tôi lại nghĩ đến câu chuyện của N. về con tàu Voyage, nghĩ đến sứ mệnh và những thứ mà nó mang theo trong chuyến đi một chiều thăm thẳm hướng đến những cõi miền nhân loài chưa từng biết đến. Ôi, nền văn minh nào trong cõi sao bay mù mịt kia sẽ đón nhận và lắng nghe những thứ âm thanh, trong đó có âm nhạc của Bach, được con người gửi đi như một món quà trân quý và đầy kiêu hãnh của mình? Lại nghĩ, là bao xa khoảng cách từ khi con tàu vũ trụ Voyage mang âm nhạc của Bach rời trái đất ra đi cho đến ngày hôm nay? Là bao xa và bao lâu cho đến khi giấc mộng của con người tìm đến được đích đến của mình? Và có hay không, cái chốn là nguyên cớ cho những cật vấn mà nhân loại ngàn đời, trong đó có Bach, đã từng và sẽ còn mãi mãi đặt ra cho mình khi chưa tìm ra được câu trả lời. “Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm”, cụ Bùi Giáng bảo vậy, nên tốt nhất, phải chăng là im lặng? Im lặng như nghe Bach. Im lặng nếu như muốn hiểu Bach. Im lặng như đối thoại với Bach. Bởi suy cho cùng, âm nhạc của ông, nơi sâu thẳm, cũng chính là niềm im lặng.
Trần Thanh Sơn (3.2021)
-Emil Cioran, Newsweek,
December 4, 1989.
-Johann Sebastian Bach (21.3.1685 - 28.7.1750): Nhà soạn nhạc, nghệ sĩ organ, vĩ cầm, đại hồ cầm và đàn harpsichord người Đức thời kỳ Baroque.
-George Frideric
Handel (23.2.1685 - 14.4.1759): Nhà soạn nhạc người Anh gốc Đức thuộc thời kỳ
Baroque.
Ảnh trên: From J.S. Bach Poster (Milton Glaser)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét