Thứ Năm, 25 tháng 3, 2021

Gửi về đâu lời nhắn hỏi


Tôi vẫn nhớ như in dáng ngồi của chị trong căn phòng nhỏ, giữa đống vali áo quần vật dụng bị xáo tung giống vừa trải qua một trận bão. Đầu nghiêng nghiêng, tóc dài xõa sang một bên vai, gương mặt trắng xanh xinh đẹp của chị ánh lên quầng sáng mờ dịu trong căn phòng mà tất cả bắt đầu chìm vào bóng tối. Ngày đang tàn. Tiếng động của thành phố có những lúc bặt đi, im ắng như để lấy hơi phút chốc rồi lại rộ lên: tiếng còi xe, tiếng ì ầm của những đoàn thiết vận, tiếng xé gió của cánh quạt trực thăng ngang trời và tiếng đại bác... Đó là một trong những buổi chiều cuối cùng của tháng 3.1975 đầy náo động.

Chị San là vợ anh Linh ở trọ nhà tôi. Gọi là vợ, nhưng như sau này tôi hiểu, chỉ là một kiểu vợ hờ, đôi bên gá tạm vào nhau bên lề cuộc chiến, trên bước đường đồn trú của anh Linh - thiếu úy một đơn vị tiếp vận. Chị San là người đàn bà đẹp, dẫu dưới mắt của thằng bé chỉ mới 12 tuổi là tôi. Da trắng mịn, tóc mây óng ả, đôi mắt to sâu thẳm cả khi cười cũng vẫn thấp thoáng nỗi gì như là sầu muộn, vẻ đẹp của chị gợi nghĩ đến một đêm trăng hạ huyền, rất gần mà cũng rất xa. Những trưa ra giếng tắm, lén nhìn chị ngồi giặt áo bên hè, tóc mây chờn vờn hoa nắng, tôi thường ước khi lớn lên mình cũng có người vợ xinh đẹp như vậy, có điều… Có điều chị San chỉ còn lại một chân. Trái mìn cài bên bờ ruộng trên đường buổi sáng cha con chị ra đồng đã bất ngờ phát nổ. Cha chị chết, còn chị được trực thăng quân đội Mỹ đưa ra Đà Nẵng cứu chữa. Bệnh viện đã cắt bỏ nửa ống chân dập nát và làm cho chị một cái chân giả thay vào. Sau đại nạn, gia đình ly tán, chị San khập khiễng đi bán thuốc lá dạo, phụ bán giải khát quanh các doanh trại của người Mỹ để kiếm sống. Rồi chị gặp anh Linh... 

Nhà tôi những năm ấy có đến mấy cặp vợ chồng lính trẻ đến ở trọ. Bố mẹ tôi đi vắng suốt ngày nên có họ cũng vui. Tất cả các ông chồng này đều là kiểu lính kiểng, lính thợ, ngày vào doanh trại tối ngủ nhà, thi thoảng mới có lệnh phải cắm trại hoặc phải đi hỗ trợ hành quân dăm ba ngày. Những lúc ở nhà họ thường tụ tập nấu nướng ăn uống, bày trò đánh bài trét lọ nghẹ rồi nhe răng cười hê hê với nhau. Tôi rất thích chầu rìa xem họ chơi bài, đặc biệt thích ngắm gương mặt xinh đẹp của chị San đỏ bừng lên mỗi khi bị trét lọ, ngắm đến tận lúc nó biến thành đen thủi chẳng thể nào nhận ra được nữa, trừ đôi mắt tròn to luôn long lanh một nỗi u hoài vô hình. Rồi mùa mưa... Mùa mưa miền Trung với những cơn mưa lê thê từ ngày này sang ngày khác, tuần này sang tuần khác, mưa thối đất thối trời. Chị San hay than thở với mẹ tôi vết thương cũ ở chân mùa ẩm thấp hành hạ đau nhức không chịu nổi. Mẹ đem lọ cao người quen mua tận bên Miên về biếu để cho chị xức, nhưng có vẻ, chẳng ăn thua gì. Anh Linh cũng chiều vợ, tôi thường loáng thoáng thấy anh ngồi tỉ mẩn xoa dầu nóng cho chị. Mà tính chị San thì rất hay mắc cỡ mặc cảm về cái chân của mình. Tôi để ý chưa bao giờ chị để cho ai nhìn thấy cái ống chân bị cắt bỏ, bước khỏi phòng là chị mang ngay chân giả vào rồi mặc quần ống rộng phủ xuống che kín. 

Nhưng rồi một bữa, đang ngồi học bài tôi nghe có tiếng loảng xoảng sau hè. Chạy ra, tôi thấy chị San ngã sóng soài trên sàn mưa ướt, thau chậu rơi tung tóe xung quanh. Chị San mặt tái mét vì đau chẳng thốt lên được lời nào. Tôi chạy đến nhưng loay hoay mãi vẫn không sao đỡ chị đứng lên được. Nhà tôi bữa đó lại vắng người, chẳng có ai để nhờ trợ giúp. Ngồi chán, cuối cùng nén đau chị San cũng vịn vai tôi gượng trở về phòng mình được. Về đến phòng, quên cả sự mắc cỡ thường có, chị xắn ống quần lên vội vã tháo ngay cái chân giả của mình ra. Đó là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy cái chân bị cắt cụt của chị. Chân bị cắt ngang ống khuyển, phần bắp chân còn lại, đầy sẹo, có những vết sẹo lớn kéo dài lên đến tận đầu gối, riêng chỗ mỏm cụt (do cứ mang chân giả suốt) sưng tấy lên, rướm máu. Phát hiện tôi cứ chăm chăm nhìn cái ống chân của mình, chị San đỏ mặt, nhưng có lẽ vì đang đau đớn ê ẩm, chị đành lờ đi. Hồi lâu chị mới ngước hỏi tôi, mà giọng thật khẽ, như hỏi chính mình: “Cái chân trông gớm ghiếc quá phải không?”, rồi thấy tôi lắc đầu tỏ vẻ ngượng nghịu, chị cười, bảo: “Em và anh Linh là hai anh chàng duy nhất trong nhà được nhìn thấy cái chân này của chị đó”. 

Hai-anh-chàng-duy-nhất là một ý niệm rất đỗi êm đềm đối với tôi. Như thể từ lúc chị San thốt ra câu nói đó, một sợi dây liên kết bí mật đã nối liền tôi với chị, như giữa chị với anh Linh, thông qua cái chân bị thương tổn như là một ám hiệu - một biểu tượng, và ba người chúng tôi đã trở thành một đội mà ở đó chị là thủ lĩnh, là tâm điểm với những giao thức thầm kín một chiều chỉ riêng mình chị biết, nắm giữ và điều khiển. Mà cũng thật lạ, từ sau buổi chiều hôm ấy, dường như chị San trở nên thân thiết với tôi hơn. Những lúc rảnh rỗi, chị thường đến bên cửa sổ phòng nơi tôi kê bàn học chuyện trò bâng quơ với tôi, thỉnh thoảng đi chợ về chị còn dúi cho tôi khi thì cái bánh, lúc thì nắm kẹo. Phần tôi cũng thích trò chuyện cùng chị, thích nhìn gương mặt xinh đẹp, đôi mắt to đen buồn buồn và nụ cười dịu dàng đằm thắm của chị. Có một đêm tôi mơ thấy chị còn nguyên vẹn cả hai chân, chị thoăn thoắt chạy trên đồng, tóc xanh bồng bềnh lẫn vào trong sóng lúa, chị nói với tôi, chạy nhanh lên chạy nhanh lên, chị sẽ chờ em ở cuối cánh đồng! 

Chị San hay bảo, chị chỉ mong chiến tranh sớm kết thúc để anh Linh được giải ngũ, chị được vào Sài Gòn thăm quê anh một lần cho biết. Những lúc đó, ánh mắt chị tạm xóa đi được vẻ u sầu thường có mà thấp thoáng đôi chút niềm vui. Chị cũng bảo, anh Linh nói Sài Gòn không có mùa đông, nếu ở đó chân chị sẽ không còn bị đau nhức lúc trở mùa nữa. Nhưng chiến tranh thì bao giờ mới kết thúc? Tháng 3.1975 chiến sự bùng lên dữ dội. Ban Mê Thuột thất thủ, Rồi Huế, rồi Quảng Tín. Từ giữa tháng, các công xưởng, đơn vị kỹ thuật quan trọng của quân đội đã bắt đầu rục rịch có lệnh chuẩn bị di chuyển về phía Nam. Các gia đình lính ở trọ nhà tôi hầu hết đã trả phòng, chỉ còn mỗi chị San với anh Linh. Hạ tuần tháng Ba, Đà Nẵng tràn ngập dân di tản từ các vùng chiến sự đổ về. Trường học đóng cửa, đường phố đầy lính tráng, xe quân sự. Một bữa chạy chơi ngoài phố về, tôi thấy chị San đang ngồi nói chuyện với mẹ tôi, mắt sưng húp, dàn dụa lệ. Đến bữa tối mẹ bảo tôi, chú Linh chuyển quân, không đưa cô San theo được, tội nghiệp, mẹ nói cô cứ ở đây với nhà mình, khi nào yên rồi tính. 

Nhưng chị San không chịu ở lại. Anh Linh đi được một ngày thì tôi thấy chị San cũng thu xếp hành lý. Tôi bám theo chị hỏi: “Chị không ở đây chờ anh Linh quay lại đón sao?”. Chị không trả lời, mắt đỏ hoe, một lát mới bảo: “Chắc chị dọn về ở với bà dì”, rồi thừ người ra trên ghế. Tôi sẽ không bao giờ quên dáng ngồi của chị trong căn phòng nhỏ đó, giữa đống vali áo quần vật dụng xáo tung giống vừa trải qua một trận bão. Ngày đang tàn. Bóng tối đang không ngừng dâng lên trong mọi ngóc ngách của căn phòng, mà ở đó, chị San bị bỏ lại một mình, chỉ có một mình, với nỗi đau đớn và thất vọng đến tận cùng. Không dưng tôi thấy oán giận cuộc chiến, oán giận cái đơn vị quân đội đã không cho phép anh Linh mang chị San theo, oán giận anh Linh, oán giận sự ly tán, oán giận cả cái bà dì đã trở thành nơi chốn để chị San có cớ ra đi... Nước mắt ứa ra, tôi nhớ mình đã bước về phía chị bằng nỗi niềm của tất cả những sự oán giận kỳ dị đó. Chị San kéo tôi ngồi xuống cạnh chị rồi ôm chặt tôi vào lòng vỗ về. Nhắm mắt lại, tôi nghe mùi mồ hôi mằn mặn trên áo chị lẫn với mùi thơm của một loài hoa vô danh nào đó, chúng từ từ dâng lên, từ từ lan tỏa, như chiều muộn, như bóng tối vây quanh, như nỗi buồn không thể chịu nổi đang chiếm lấy toàn bộ tâm hồn tôi... 

Gần 5 năm kể từ lúc chị San biến mất trong dòng người và xe cộ di tản, một buổi chiều bất ngờ chị lại hiện ra trước cổng nhà tôi. Đi cùng chị là một người đàn ông lớn tuổi mà chị giới thiệu là chồng. Nhìn vào lối ăn mặc, giọng nói miền Trung cứng cỏi pha lẫn cách phát âm của người Bắc, tôi đoán chồng chị là một cán bộ tập kết về. Chị San chẳng khác xưa mấy, vẫn gương mặt kiều diễm với đôi mắt to nhìn thăm thẳm, có khác chăng là ở kiểu trang phục chỉ hai màu đen trắng nghiêm nghị, tóc thả suông kẹp ngang như mấy bà cán bộ từ miền Bắc vào. Mẹ tôi tỏ vẻ rất vui khi gặp lại chị. Thấy chị đã có gia đình mới, mẹ ý nhị tránh mọi câu chuyện liên quan đến ngày xưa cũ. Lựa lúc chồng đang vui chuyện, chị khập khiễng bước ra sân rồi ra dấu tôi đi với chị về phía rặng nhãn bên hông nhà. “Nghe mẹ em bảo gia đình mình sắp dọn vào Sài Gòn”, chị nói, giọng hơi có chút ngập ngừng, “mai mốt về Sài Gòn”, chị bỏ lửng câu nói, mặt đỏ ửng lên, rồi bối rối lặp lại, “mai mốt nếu em về Sài Gòn...”. Tôi ngớ ngẩn nhìn vào gương mặt xinh đẹp của chị, giọng nói ấy, ánh mắt u hoài ấy, những vệt tóc mai chờn vờn hoa nắng hệt những trưa xanh bên bờ giếng hôm nào, rồi trong một thoáng, bỗng bừng hiểu ra điều mà chị cứ ngập ngừng chưa thể thổ lộ. “Mai mốt về Sài Gòn nếu gặp lại anh Linh em sẽ nói là chị gửi lời hỏi thăm, phải vậy không?”. Nghe tôi nói  vậy, mắt chị San bất giác sũng đầ̀y nước mắt, chị vụt cầm lấy tay tôi, nắm chặt, đôi môi đỏ run run. Rồi như sực nhớ tôi chẳng còn là một cậu bé như ngày nào, chị buông tay tôi ra, lúng túng lùi lại. “Thôi, chị phải về, ít bữa em đi mạnh giỏi nhé”, chị nói, gần như thì thầm. Có một vạt nắng chiều lóe lên trên vai áo của chị, chị San quay đi, rồi lại ngoái lại với tôi một lần nữa, mắt vẫn nhòe ướt nhưng giọng nói rõ ràng, rành mạch: “Em cũng hỏi giùm chị vì sao không thấy anh trở lại?”. 

Tôi mang theo mình lời nhắn hỏi của chị đã trên 40 năm mà vẫn chưa thể hoàn thành giúp chị được. Trời đất phương Nam rộng mênh mông, con người như bóng chim tăm cá dễ đâu mà tình cờ gặp lại. Năm nối năm, tháng nối tháng, thời gian như lũ cuốn có dòm dỏ chi đến những hân hoan hay bi lụy của cõi người. Vào những dịp người ta rộ lên chuẩn bị kỷ niệm 10 năm, 20 năm rồi 30 năm... chiến thắng 1975, nhìn hình ảnh những đoàn xe tăng dữ dằn xông tới, ánh chớp của lửa đạn, những cột khói đen, những đám cháy loang loáng trên truyền hình, tôi thường bất giác nhớ lại những ngày tháng 3.1975 thời niên thiếu của mình, và trong hỗn độn hình ảnh về những đoàn người chạy loạn trên đường phố bao giờ cũng thấp thoáng có dáng ngồi của chị San trong căn phòng nhỏ giữa đống vali áo quần vật dụng xáo tung giống vừa trải qua một trận bão, đồng thời tôi cũng thường nhớ lại đôi mắt sũng ướt, nhớ vạt nắng chiều lóa trên vai áo chị trong lần gặp cuối cùng, rồi cũng chợt nhớ ra rằng mình vẫn còn nợ chị một lời nhắn hỏi mãi chưa thể hoàn thành. Ôi, chị San xinh đẹp trong ký ức ngày thơ của em, em biết gửi về đâu lời nhắn hỏi xa xưa này của chị?

Trần Thanh Sơn (3.2021)

Ảnh trên: From “La Poupée” (Hans Bellmer)


Không có nhận xét nào: