Thứ Ba, 20 tháng 4, 2021

Ca sĩ phụ đề (và một kiến nghị)

 
Là một nhà toán học tài năng, tác giả của Bibi-binary system (hệ thống số dựa trên hệ thập lục phân thường được sử dụng làm cơ sở để phát triển các ứng dụng trình diễn âm thanh, đồ họa, ngữ âm mang tính không lường trước được như: nhạc ngẫu nhiên, thơ ngẫu nhiên, đồ họa ngẫu nhiên, số hóa màu hoặc biểu tượng kiến ​​trúc), Boby Lapointe còn là một ca sĩ, diễn viên của hàng chục bộ phim điện ảnh và là nhạc sĩ với hơn 50 ca khúc đã được ghi đĩa và phát hành tại Pháp (1). Có năng khiếu về toán từ bé, yêu thích ngành hàng không, nhưng mọi hoài bão của chàng Lapointe tuổi trẻ tan tành bởi chiến tranh thế giới thứ II. Bị bắt vào trại lao động cưỡng bức của Đức quốc xã, Lapointe trốn thoát, ông sống lang thang dưới nhiều cái tên giả và mưu sinh bằng nghề thợ lặn ở cảng La Ciotat. Khi chiến tranh kết thúc, Lapointe mới bắt đầu học hát và mon men bước vào con đường nghệ thuật. Thời gian này, để tồn tại, ông phải kinh qua hàng chục nghề thượng vàng hạ cám từ làm người giao hàng, thợ điện, nhân viên phục vụ, đến bán máy đánh chữ, công nhân lắp đặt ăng-ten truyền hình, như ông từng dí dỏm tâm sự: Cuộc đời tôi có những lúc thăng trầm, khi thăng, tôi leo lên lắp đặt ăng-ten, và những lúc trầm, tôi là một thợ lặnMãi đến tận những năm 1960, trong 10 năm cuối cùng của cuộc đời mình, may mắn mới bắt đầu ngó ngàng đến Boby Lapointe. Ông được biết đến như là một ca sĩ - nhạc sĩ có quán cà phê ca nhạc riêng để thực hiện chương trình biểu diễn của mình, xuất hiện trong phim của François Truffaut cùng nhiều đạo diễn tài ba khác, ra đĩa cá nhân, trả lời phỏng vấn trên báo chí, có show diễn chung với cả Aznavour, Brassens, Moustaki, Halliday, Dassin...(2) Dù vậy, lúc sinh thời, Boby vẫn không được dư luận đánh giá cao. Hầu hết những bài hát của ông đều bị cho là quá khó hiểu, thách đố trí óc con người, bởi chứa đầy những trò chơi chữ, những kiểu nói lái, nói láy, diễu nhại và ghép từ phức tạp (3); người ta còn cho rằng ông là người viết nhạc duy nhất mà khi nghe tác phẩm, thính giả được khuyến nghị cần có văn bản để có thể nắm bắt được ý nghĩa cũng như những tinh tế ẩn chứa trong lối sử dụng ngôn từ của ông. Có một giai thoại (nhưng hoàn toàn có thật) liên quan đến lời bài hát của Boby, là chuyện đạo diễn François Truffaut mời ông tham gia phim “Tirez sur le pianiste” (Bắn tay chơi dương cầm). Trong phim, ông vào vai một ca sĩ quán rượu trình diễn ca khúc “Avanie et Framboise” của chính mình. Nhà sản xuất phim Pierre Braunberger khi nghe Boby biểu diễn đã hoàn toàn không thể hiểu nổi ông đang hát cái gì nên bắt đạo diễn phải cắt bỏ trường đoạn này, hoặc là, “phải có phụ đề!”. Chẳng ngờ Truffaut cũng đùa dai, ông không cắt bỏ mà tuân lệnh nhà sản xuất cho thêm phụ đề vào đoạn phim có Boby hát. Phim ra rạp, Boby Lapointe chết tên là “Ca sĩ phụ đề” và trở thành ca sĩ Pháp duy nhất hát bằng tiếng Pháp trên phim chiếu cho khán giả Pháp xem với phụ đề chạy bên dưới cũng bằng tiếng Pháp!

Mượn chuyện Boby Lapointe (dù khác biệt trời vực), tôi nghĩ đã đến lúc các nhà-chế-tạo-và-sản-xuất-nhạc-trẻ Việt Nam nên nghiêm túc nghĩ đến vấn đề chạy phụ-đề-tiếng-Việt cho những sản-phẩm-nhạc-Việt của mình (!). Bởi, có đến 3/4 những ca khúc nhạc trẻ hôm nay người nghe không thể hiểu nổi người viết muốn nói cái gì và do vậy, đương nhiên, không thể nghe được ca sĩ đang hát cái gì! Lời bài hát là một đống bùng nhùng những từ ngữ của thứ tiếng Việt bị cưỡng âm, mất dấu thanh, hóa thành vô nghĩa, ngô nghê và thiếu chuyên nghiệp đến mức độ khó tin! Để cứu thính giả nhạc Việt thoát khỏi thảm cảnh này, tôi xin kiến nghị: Chạy phụ đề lời bài hát trong các chương trình nhạc trẻ của đài truyền hình! Chạy phụ đề lời bài hát trên mọi sân khấu biểu diễn nhạc trẻ! Đọc thuyết minh lời bài hát trong những chương trình nhạc trẻ của đài phát thanh! Túm lại (sic!), phụ đề là giải pháp, là cứu cánh của nhạc trẻ Việt Nam ngày nay! Xin hết. Ô hô! Ai tai...☺
Trần Thanh Sơn (4.2021)


(1) Robert Lapointe (1922-1972): Nghệ danh Boby Lapointe. Ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Pháp. Ông còn là diễn viên điện ảnh và là một nhà toán học tài năng. Năm 1997, một tiểu hành tinh mới được phát hiện đã được đặt tên là Bobylapointe để vinh danh ông.
(2) Charles Aznavour (1924-2018), Georges Brassens (1921-1981), Georges Moustaki (1934-2013), Johnny Halliday (1943-2017), Joe Dassin (1938-1980): các ca sĩ nổi tiếng của Pháp.
(3) Để minh họa cho việc chơi chữ phức tạp (và bất khả dịch) của Boby Lapointe, có thể lấy một đoạn lời từ một bài hát bất kỳ nào của ông, chẳng hạn “L'été, où est t'il?” (Mùa hè, nó ở đâu?): “Qu'il fasse chaud dès Mai chaud, oui, méchoui méchoui méchoui/ Qu'il fasse beau dès Pâques beau, paquebot paquebot/ Que le soleil tape en Mars tôt, marteau marteau marteau...”. Ta thấy lời bài hát sử dụng các cụm từ lặp lại tuy đồng âm nhưng dị nghĩa, như “Mai chaud, oui” (tháng Năm trời nóng nực, phải rồi!” và “méchoui” (thịt cừu thui), “Pâques beau” (lễ Phục xinh tươi đẹp) với “paquebot” (tàu thủy chở khách), “Mars tôt” (đầu tháng Ba) với “marteau” (cái búa), cứ như thế…  


Ảnh trên: From “Well Dressed Cockatoo Bird” ( (Madame Memento) 

Không có nhận xét nào: