Thứ Năm, 23 tháng 6, 2022

Chopin vẫn còn ở đấy

 
Đêm mưa nghe Chopin, bất giác thấy mình bước vào một cơn mưa khác. Mưa của những ngày tuổi trẻ trong khu vườn ngoại ô thời xa vắng. Mưa dịu mát những tối mùa hè, chờn vờn lạnh những khuya thềm gió tạt, rơi trên những vòm lá còn xanh ngút đam mê và thì thầm đôi khi trong cõi sầu u khép cửa của lòng mình. Tôi nhớ căn phòng làm việc hẹp tí trong cái garage cũ và những đĩa 33 tour Chopin đầu tiên của tôi. Nhớ những đêm khó ngủ trở dậy nghe Martha Argerich đàn. Khuya vắng, đèn vàng mù mịt, tiếng nổ lách tách của chiếc đĩa cũ hòa cùng giọng mưa. Lắm lúc mưa trở lớn gõ rào rào lên mái tôn, át cả Argerich, đành tiếng được tiếng mất lấp đầy Chopin bằng trí nhớ.
 
Tôi có anh bạn thời còn sưu tập đĩa nhựa, rất mê Chopin. Anh bảo nghe không biết bao nhiêu thứ nhạc trên đời nhưng chỉ với Chopin anh mới có cảm giác như quay về nhà mình. Anh có cô em con dì, cũng mê điên Chopin, sở hữu một khả năng khá lạ lùng, đó là “nghe nhạc mù”. Tôi không biết phải đặt tên cho khả năng ấy là gì nên tạm phiên ngang cách gọi tài đánh cờ bằng trí nhớ, không cần dùng đến bàn cờ (là đánh cờ mù) vào trường hợp đặc dị này. Theo đó, cứ đặt vào máy hát một đĩa Chopin bất kỳ (miễn do Arthur Rubinstein trình tấu), cô em của bạn tôi chỉ cần nghe lấy đà vài nhịp là sau đó dù có tắt đi phần tiếng vẫn có thể tiếp tục “nghe” được bản nhạc ấy trong trí tưởng, khớp đúng nhịp phách, tốc độ và thời lượng mà dương cầm thủ đang chơi trong đĩa. khúc nhạc được xướng lên (dù bỏ qua hầu hết những nốt phụ, nốt lướt, nốt hoa mỹ trong những chỗ tốc độ nhanh) nhưng chúng gần như khớp hoàn toàn với câu nhạc đang được Rubinstein diễn tấu! Thú thật, những kẻ mê đắm Chopin tôi gặp trong đời cũng nhiều, nhưng mê và nghe Chopin đến thuộc nằm lòng kiểu như vậy có lẽ xưa nay hiếm, đặc biệt với một người chưa từng bao giờ một lần chạm đến phím đàn dương cầm như cô em họ của bạn tôi!
 
Dù ở múi giờ nào, mặt trời không bao giờ lặn trên nền âm nhạc Chopin. Một nhà phê bình âm nhạc đã viết như vậy khi nói về độ phổ biến, sự yêu thích mà người nghe nhạc trên khắp hành tinh đã và vẫn đang dành cho những cầm tấu khúc tuyệt vời của ông. Chẳng gì có thể sánh được về chiều sâu của cảm xúc, vẻ tinh tế hài hòa về nội tâm, sự cân bằng về hình thức trong từng giai điệu, kết cấu âm nhạc của Chopin; bằng phẩm chất của một thiên tài bẩm sinh, ông đã loại bỏ tất cả những gì tầm thường ra khỏi âm nhạc của mình, đưa vào cho cây đàn dương cầm thanh âm và những dải màu mà trước ông chưa từng ai tưởng tượng được đã có ở đó. Không đặt tên, không hàm ý, không cố định bất cứ cảm xúc nào vào một tác phẩm nhất định cũng khiến thế giới âm nhạc của Chopin trở nên mênh mông hơn, một miền đất bao la rộng cửa tự do cho mọi khai phá và mọi cách tiếp cận. Bao nhiêu người nghe Chopin thì cũng có bấy nhiêu người vẽ cho mình một chân dung Chopin theo cách hiểu riêng của họ. Đến với Chopin, người ta thấy mình được bao phủ trong một thứ chất lỏng tuyệt đẹp mà ở đó niềm vui và nỗi buồn luôn tồn tại song song với nhau; và trong làn nước đó, tùy cảm quan, tùy tâm trạng, người ta được chọn vùng ấm, lạnh mà từ đó trái tim mình sẽ được cuốn đi...
 
Lâu lắm rồi tôi không nghe Chopin. Chẳng nhớ nổi lần sau chót nhất là lúc nào, 10 năm, 15 năm, hay còn lâu hơn nữa? Âm nhạc Chopin như thể cùng với khu vườn ngày xưa đã khép cửa lại, và tôi, như một kẻ bộ hành đã rời khỏi cái ốc đảo thơ mộng tuyệt diệu mà mình từng có lần may mắn được tá túc. Chopin chỉ còn là một âm vang, một vệt cảm xúc được trộn lẫn với kỷ niệm để biến thành một thứ ký ức mang dáng dấp của ảo ảnh. Cuộc đời chúng ta, bao nhiêu điều đẹp đẽ, bao nhiêu điều đáng trân quý nhiều lúc ta còn vô tình để mất đi huống hồ là chút cảm xúc với âm nhạc! Nhưng mà Chopin vẫn ở đó. Tôi nhớ một trong những thời khắc đen tối nhất của giai đoạn Sài Gòn bị phong tỏa bởi Covid. Hàng triệu người dân thành phố, trong đó có tôi, đã được nghe Chopin một cách thụ động khi một trang báo mạng livestream toàn cảnh đường phố Sài Gòn vào thời điểm chuẩn bị cách ly lạnh vắng như một bãi tha ma trong nền nhạc “Hành khúc tang lễ” (Marche funèbre) (1). Chưa bao giờ cái nốt Si giáng trong motif mở đầu Hành âm thứ 3 bản Piano Sonata B-flat minor của Chopin lại có thể trĩu nặng và đầy sức ám ảnh như vậy đối với tôi; nét nhạc ấy gợi cho tôi nghĩ đến những bàn chân vô hình đang lê bước hướng về Golgotha tối rợp bóng dáng định mệnh!
 
Đêm mưa nghe lại Chopin. Bỗng nhận ra rằng Chopin vẫn còn hiện diện ở đó, mãi mãi ở đó, một nơi trong thăm thẳm sâu kín nhất của trái tim mình. Cùng với âm nhạc Chopin, như thức lại, vị lạnh của đêm mưa trong khu vườn cũ, mùi cỏ mục, hương của những loài hoa vô danh đang rũ cánh âm thầm trong bóng tối, tiếng côn trùng, tiếng rắn hát, và tôi nữa, tôi tóc xanh tim xanh lòng chứa đầy những mộng mị hoang đường! Ở chốn ấy, với một giai điệu vừa mơ hồ bật ra trong tâm tưởng, tôi - nước mắt ràn rụa, miệng khe khẽ hát, bước ra thềm mưa chầm chậm hướng về phía những vũng ao hồ cuối vườn nghi ngút hơi nước... Ôi, Chopin! Chopin vẫn còn ở đấy thật sao?
Trần Thanh Sơn (6.2022) 
 
 
-Martha Argerich (1941-): Nghệ sĩ piano vĩ đại người Argentina; bà giành giải cao nhất tại cuộc thi Piano Quốc tế Chopin lần thứ 7 tại Warsaw năm 1965
-Arthur Rubinstein (1887-1982): Nghệ sĩ piano người Mỹ gốc Ba Lan nổi tiếng với những bản nhạc Chopin và được xem như là một trong những nghệ sĩ piano vĩ đại nhất thế kỷ 20
 
(1) https://tuoitre.vn/truc-tiep-toan-canh-duong-pho-tp-hcm-ngay-23-8-20210822192400361.htm
 

 Ảnh trên: From “Fragmented Leaf ” (Keith Dotson)

2 nhận xét:

Ha Tue nói...

Chúc bác nhiều sức khỏe nhé!!

Nhạc sĩ Trần Thanh Sơn nói...

Cảm ơn bạn Ha Tue rất nhiều! Chúc vui vẻ nhé!