Tôi chưa nhìn thấy và cũng chưa được nghe
tiếng hót của dạ oanh ngoài đời thực bao giờ. Tên gọi chim dạ oanh hình như chỉ mới xuất hiện trong những dịch bản tiếng Việt khoảng vài ba chục năm trở lại đây. Trước đó, khi chuyển ngữ các văn bản có nhắc đến dạ
oanh, người ta thường đồng nhất loài chim này (trong cách gọi thông thường tiếng Anh “Nightingale”,
tên khoa học Luscinia megarhynchos) với họa mi (Chinese hwamei, tên khoa học
Garrulax canorus), hoặc đôi khi với sơn ca (Lark - tên khoa học Alaudidae) - hai
loài chim mà những nghiên cứu về tập tính cho biết chúng chủ yếu chỉ hót vào
ban ngày, khác với dạ oanh thường hay hót ban đêm. Theo
các tài liệu điểu học cho biết thì xứ ta thì không có dạ oanh (1).
Từ buổi bình minh của văn học viết, dạ oanh đã được Homer nhắc tên và trở thành
một hình ảnh thường xuất hiện trong thi ca, văn chương và âm nhạc Tây phương nhiều thời kỳ
khác nhau như một biểu tượng văn hóa với ý nghĩa đa dạng. Dạ oanh tượng trưng cho nỗi buồn, cho nỗi ai oán sầu muộn, nhưng dạ oanh cũng là biểu tượng của mùa xuân, của tình yêu cháy bỏng, là hình ảnh ẩn dụ cho các nhà thơ cùng công việc sáng tạo của họ. Cuốn sách đầu tiên có liên quan đến “dạ oanh” mà tôi được đọc
có lẽ là tệp truyện mỏng của Andersen nhan đề “Con
chim họa mi” trong tủ sách gia đình tôi ngày còn bé. Câu chuyện về vị vua Trung Hoa
khi được dâng tặng con họa mi giả có bộ phận máy móc tinh xảo có thể phát ra tiếng
nhạc thì không còn quan tâm đến con họa mi thật cùng tiếng hót tuyệt diệu mà
ông ta từng yêu thích nữa. Stravinsky có opera “Dạ oanh” (The
Nightingale) sáng tác phỏng theo truyện ngắn cùng tên này của Andersen và giao hưởng thơ “Khúc hát dạ oanh” (The Song of the
Nightingale) sử dụng chất liệu âm nhạc cùng lấy từ vở opera trên. Tôi có đến mấy bản thu âm “The Nightingale”, nhưng thích nhất bản thu năm 1960 do The
Opera Society of Washington thực hiện dưới đũa chỉ huy của chính Stravinsky. Gần
đây xem thấy trên mạng, nhà hát Opera Canada vừa thực hiện lại vở opera này kết
hợp cả múa rối nước và múa rối bóng trên sân khấu là một hồ nước lớn
67.000 lít; dàn đồng ca bao gồm hơn 30 nghệ sĩ, mỗi người được ghép nối với một
con rối, họ hát và diễn xuất đồng hành cùng con rối của mình trong suốt vở diễn.
Được xem dạ oanh xuất hiện trên nền âm nhạc Stravinsky cùng sân khấu lung linh
tráng lệ như vậy chắc hẳn phải là một trải nghiệm tuyệt vời!
Trong nhiều thế kỷ, tiếng chim nói chung và tiếng
hót của dạ oanh nói riêng đã là nguồn cảm hứng bất tận cho rất nhiều nhà soạn
nhạc cổ điển phương Tây - từ Händel đến Glinka, từ Beethoven đến Ravel và
Stravinsky, nhưng yêu tiếng hót dạ oanh và có nhiều nhạc phẩm viết về chim
muông nhất có lẽ chẳng ai bằng Olivier Messiaen. Tự nhận mình là một nhà điểu học
không chuyên, Messiaen đã đi khắp nơi trên thế giới để nghe tiếng hót các loài
chim trong môi trường tự nhiên, ghi âm rồi chuyển dịch chúng vào âm nhạc. Trong
các nhạc phẩm có liên quan xa gần đến chim muông của Messiaen, dù dạ oanh chưa bao giờ được trực tiếp nêu tên như ông từng làm với nhiều loài chim khác, thế nhưng
chúng ta có thể nghe thấy tiếng hót dạ oanh bàng bạc trong rất nhiều tác phẩm, kể cả những tác phẩm lớn giữ vai trò quan trọng nhất trong sự nghiệp của ông như: “Quatuor pour la fin du temps”,
“Vingt Regards sur l'enfant-Jésus”, “Turangalîla Symphony”, “Messe de la
Pentecôte”... Nghe nhạc Messiaen, những ai có thể nhận biết rành rẽ tiếng hót của
các loài chim sẽ có cảm tưởng được dạo bước trong một khu rừng tụ hội tiếng ríu rít của
chim muông khắp bốn phương trời. Đã nhắc tiếng hót dạ oanh trong âm nhạc không
thể không nhắc tới “Pines of Rome” (Những cây thông ở Rome - 1924) trong bộ ba thơ
giao hưởng viết về thành Rome của nhà soạn nhạc người Ý Ottorino Respighi.
“Pines of Rome” là một tập hợp 4 bức tranh âm nhạc mô tả khung cảnh của thành
phố Rome với những rặng thông xanh tuyệt đẹp. Trong hành âm thứ III - cảnh đêm trăng trên đồi
Janiculum, ở gần cuối chương nhạc, Respighi đã cho phát tiếng hót thật của dạ oanh (được thu âm trước) hòa vào cùng âm thanh dàn nhạc đang diễn tấu. Tiếng dạ oanh của
Respighi được xem là một sáng tạo mang tính đột phá, vì đây là lần đầu tiên
trong lịch sử âm nhạc một tiếng động cụ thể ghi âm từ môi trường thiên nhiên (không
phải giọng người và nhạc cụ) được đưa vào tổng phổ dàn nhạc như một phân phổ bắt
buộc. Xúc cảm tạo ra cho người nghe ở đoạn nhạc này rất lớn. Sau những hợp âm rải
của dương cầm, hạc cầm và celesta sóng sánh như những tia sáng của một đài phun
nước, trong không khí tĩnh lặng của đêm, tiếng dạ oanh từ xa vọng về, luồn qua những
cành thông tối thẫm, quyện cùng tiếng độc tấu clarinet đang mơ màng một giai điệu chậm, trầm tư, trước khi được
hạc cầm và vĩ cầm thì thào nhắc lại rồi nhẹ nhàng tan vào bóng tối...
Hàng xóm chỗ tôi hình như có nhà vừa nuôi họa
mi. Buổi sáng thi thoảng nghe tiếng chim lấp lánh theo nắng sớm rót vào tận cửa
sổ phòng ngủ. Tôi tính lười, lại ngại không có thời giờ chăm sóc nên chẳng dám
nuôi chim dù rất thích nghe tiếng chim hót. Mặt khác tôi nghĩ, nghe chim hót,
chẳng gì bằng một tiếng chim tự do. Vậy nên, hãy cứ để tiếng chim là sự tình cờ!
Đêm rồi nghe trên mạng một đoạn ghi âm tiếng hót của dạ oanh lúc khuya vắng, nhắm
mắt mường tượng tiếng chim này từng ca hát trong những đêm của Milton, của
Keats, Lamartine, Heine và Verlaine… rồi rùng mình có cảm tưởng cái dòng chảy
cuộn xiết vô hình của thời gian đã dừng lại giữa các khoảng lặng của tiếng
hót vừa khắc khoải sầu muộn lại vừa đắm say mê hoặc ấy. Trong bóng tối, như có
những đỉnh cao được bày ra cùng lúc với vực thẳm, và tôi, tôi thấy mình chênh
vênh bước nơi chập chùng những xúc cảm chẳng thể gọi tên mà tiếng hát dạ oanh vừa
khơi gợi...
Nhận biết được tiếng hót của một số loài chim có
thể làm phong phú thêm hiểu biết của một người về thế giới, đồng thời kết nối
được trở lại phần nào mối giao hòa với cái đẹp thuần nhất, cổ
xưa của thiên nhiên mà những thứ gọi là văn minh hiện đại đang khiến con người ngày càng xa rời
và quên lãng. Đầu những năm 90, khi quanh vùng ngoại ô tôi ở còn chưa bị đô thị
hóa và bê tông hóa đến kiệt cùng như bây
giờ, những sáng Chủ nhật rảnh rỗi tôi vẫn thường thích đến uống cà phê ở một
quán nhỏ nằm cạnh bìa một khoảnh rừng cao su gần nhà. Quán là nơi tụ tập của những người
chơi chim, ở đó, xem ra chỉ có tôi là “dân ngoại đạo”! Ai đến quán cũng xách theo một lồng
chim, họ chọn một gốc cây phù hợp treo lồng của mình lên rồi mới gọi cà phê, nhàn nhã nghe chim
hót và trò chuyện phẩm bình tiếng chim của nhau. Ngồi ghé dưới vòm xanh cây
lá, nghe lũ chim véo von và nghe gió rì rào lướt đi trên nền sớm mai là một điều
tuyệt thú. Tôi nhớ, trong hội chơi chim có một tay mặt mũi trông dữ dằn chuyên
mặc áo thun lộ cánh tay xăm hình vằn vện, loại người mà bình thường lỡ gặp, tôi
né từ xa! Thế mà có lần anh ta đến ngồi chung bàn cà phê với tôi, nghĩ tôi là người cùng hội cùng thuyền, anh vui vẻ chỉ cho tôi
cách nuôi và chăm sóc thế nào để chim “hót hay, hay hót”, giọng nói, nụ cười và cách cư xử hiền khô! Phải chăng, phàm đã biết yêu mến chim muông cầm thú, khó có thể là
một con người hung tợn? Hoặc
giả, loài chim cùng tiếng hót của chúng đã chuyển hóa, gột rửa khiến tâm hồn anh được thành như vậy? Chẳng phải cái tên vua Trung Hoa u mê si ngốc chạy theo tiếng kêu của con chim giả mà cũng được cứu
vớt vì từng có một lần biết thực sự nhỏ lệ khi nghe dạ oanh cất tiếng hay sao?
Xem ra dạ oanh, hay họa mi, hay sơn ca, những định
danh thì có gì quan trọng? Niềm yêu mến và tôn vinh mà con người dành cho loài
chim đâu phải đến từ tên gọi. Điều cốt yếu nằm ở chiều sâu của toàn bộ cái gánh
nặng thời gian mà nhân loại đã ký thác vào trong tiếng chim hót: những huyền sử
đầy máu và nước mắt, những ước mơ bị dập vùi, nỗi sợ hãi, sự oán giận, những hy
vọng, những tuyệt vọng, và trên tất cả - sự tha thứ và lãng quên. Ẩn mình trong
bóng đêm xuân tiếng dạ oanh, trên cành biếc miền rừng khúc họa mi, hoặc lơ lững
lưng trời lảnh lót sơn ca, tất cả những thanh âm đó chỉ là tiên khởi cho những
dội vang từ lòng giếng tâm hồn của chính từng cá nhân con người khi họ chịu mở
lòng ra với chính bản thân mình. Lại nghĩ đến một khía cạnh khác trong câu chuyện
nhỏ của Andersen về tiếng hót dạ oanh. Ngày nay chim dạ oanh giả bụng gắn máy
ca hát vang vang hiện diện khắp nơi. Không những vậy, người ta còn cổ xúy, tán
thưởng và cho sản xuất hàng loạt loại chim mang tâm hồn máy móc này đúng như lý
do mà vị đại quan trong truyện của Andersen đã từng viện dẫn: “Với con chim thật thì
chẳng ai biết trước được là nó định hát cái gì, nhưng với con chim giả thì các
bài hát được sắp đặt trước theo thứ tự cố định” rất dễ kiểm soát! (2) Tuần tự
nhi tiến, cứ thế mà làm, dạ oanh giả bây giờ cũng được ban cho bội tinh, bạc
vàng, danh hiệu, được ca ngợi được trọng vọng có thua gì chim giả của hoàng đế xưa. Bạn nghe
thấy không? Quanh ta, tiếng đám chim giả đang véo von đấy...
Trần Thanh Sơn (7.2022)
(1) Nguyễn Cử, Nguyễn Trọng Trải, Karen Phillipps,
“Chim Việt Nam - Sách hướng dẫn về các loài chim ở Việt Nam”, NXB Lao động - Xã
hội, 2000
(2) Hans Christian Andersen, “Chim họa mi - Truyện
cổ Andersen”, Nguyễn Văn Hải - Vũ Minh Toàn dịch, NXB Đà Nẵng, 1986
Ảnh trên: From “Persian Nightingales” (Paul Klee)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét