Thứ Tư, 31 tháng 8, 2022

Đọc 2666

 
Cuối cùng tôi cũng đọc xong được “2666” của Roberto Bolano sau gần nửa năm trời cứ ngắc ngứ trở đi trở lại với cuốn sách. Bộ tiểu thuyết dày gần 900 trang này như một vực xoáy khổng lồ vừa hấp dẫn dụ hoặc lại vừa khiến ta váng đầu mụ mị muốn gấp sách lại bỏ cuộc nửa chừng!
 
Cấu trúc 5 phần như 5 tiểu thuyết riêng biệt, “2666” tựa chiếc hộp lớn bao hàm trong nó nhiều chiếc hộp nhỏ khác nhau mà mỗi chiếc hộp khi mở ra là một thế giới với những câu chuyện riêng tư, chồng chéo, tưởng chừng chẳng có liên quan gì với nhau. Người đọc bị dẫn vào một mê cung liên hoàn, có lối vào mà chẳng có lối ra, tầng tầng lớp lớp những phông cảnh, không gian thời gian trải dài rộng khắp. Trong mê cung đó, các nhân vật cứ tiếp tục nhân lên, mỗi nhân vật lại mở ra một vũ trụ mới, nơi một câu chuyện mới phải được kể, chuyện lồng vào chuyện, mộng nối tiếp mộng, nhưng mộng lành thì ít mà mộng dữ thì nhiều, dằng dặc vây bủa! Ở phần thứ nhất - “Phần về các nhà phê bình”, chúng ta có ở đó 4 nhà nghiên cứu văn chương ở 4 quốc gia châu Âu (Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ý) tình cờ có cùng niềm say mê đối với tác phẩm của một nhà văn Đức ẩn danh không mấy được người đời biết đến là Archimboldi, họ cùng kéo nhau sang tận Santa Teresa xứ Mễ Tây Cơ để truy tầm dấu vết nhà văn này. Phần thứ hai - “Phần về Amalfitano” kể về một giáo sư Triết người Chile lưu vong đang dạy ở đại học Santa Teresa và sống cùng cô con gái có tên là Rosa. Phần ba - “Phần về Fate” là chuyện của tay nhà báo người Mỹ da đen tên Oscar Fate được tòa soạn phái đến Santa Teresa viết bài tường thuật cho một trận quyền Anh, ở đó y được nghe kể về những vụ giết hại phụ nữ và các bé gái đầy bí ẩn tại thành phố này. Phần kế tiếp - “Phần về cái ác”, dài nhất, thậm thượt đến gần ba trăm trang, chỉ tập trung nói về các vụ hãm hiếp giết người xảy ra hàng loạt tại Santa Teresa cùng cung cách làm việc thờ ơ tắc trách của cảnh sát khi tiếp nhận các vụ án. Và phần cuối cùng - “Phần về Archimboldi”, kể về cuộc đời Hans Reiter, sinh ở Phổ, từng là lính Đức Quốc Xã tham gia Chiến tranh thế giới thứ 2, sau này trở thành nhà văn ẩn danh bí ẩn Archimboldi.
 
Cuốn sách khởi đi bằng lời đề từ là một câu thơ trong bài “Le voyage” của Baudelaire: “Một ốc đảo kinh hoàng giữa một sa mạc buồn chán”. Cái ốc đảo kinh hoàng đầy tính biểu tượng mà Bolano gầy dựng nên ở đây là Santa Teresa - bối cảnh chính của tiểu thuyết, một thành phố hư cấu dựa trên thành phố biên giới Ciudad Juarez của Mexico, giáp giới nước Mỹ, nơi thực sự là địa điểm của gần 500 vụ giết chóc phụ nữ từ năm 1993 đến năm 2008. Theo Monica Marista - tác giả cuốn “Bolano - Một tiểu sử qua đàm thoại”, trong một lần trò chuyện Bolano từng gọi Ciudad Juarez - hình mẫu cho Santa Teresa của ông là “lời nguyền và tấm gương soi của chúng ta, tấm gương đầy lo âu khắc khoải về những vỡ mộng và cách hiểu thấp hèn về tự do và ham muốn của chúng ta”. Có vẻ mỉa mai khi Bolano đặt tên thành phố hư cấu này theo tên một vị thánh nổi tiếng với những khải tượng thần thánh của mình, bởi Santa Teresa là một địa ngục. Toàn bộ 5 phần của cuốn sách với hàng đống nhân vật và những câu chuyện hỉ nộ ái ố tưởng chừng chẳng liên quan gì với nhau đó cùng bị hút vào và xoay quanh cái vực xoáy địa ngục ghê rợn có tên gọi Santa Teresa này; và người đọc cũng vậy, bị hút vào đấy, hết lần này đến lần khác, bị nhấn chìm đến nghẹt thở trong vòng quay tối ám của nó.
 
Với nội dung đa dạng, các chủ đề đan xen phức tạp, tuyến nhân vật rối rắm (hầu như không có nhân vật chính) được bao bọc bởi rừng rậm của chi tiết, “2666” là một tiểu thuyết rất khó nắm bắt cũng như lý giải. Thêm vào đó, dường như bị chi phối bởi thi pháp của sự không hoàn thiện, Bolano có xu hướng ngắt ngang hoặc bỏ lững câu chuyện của mình, cốt chuyện luôn bị gián đoạn đột ngột bởi những mẩu chuyện nhỏ ngoại đề; ông dành hết trang này đến trang khác để tạo dựng nên sự căng thẳng, sau đó đột ngột bỏ lững hoặc lãng quên nó không một lời giải thích. Chưa kể có những trường đoạn ông cố tình tạo ra sự đơn điệu, lãnh đạm, như thể cố tình ru ngủ, cố tình gây nhàm chán. Tất cả những điều này càng gây khó khăn cho việc theo dõi nội dung và ý nghĩa câu chuyện mà Bolano muốn chuyển tải. Tuy vậy, kiểu viết này trong chừng mực lại tạo ra sự cuốn hút và cảm giác lạ lẫm cho độc giả. Người đọc có cảm tưởng mình đang thực sự được lội giữa thực tại cuộc sống bề bộn hoàn toàn không thể đoán định trước, ấn tượng và xúc cảm của họ không phải đến từ tổng hợp những diễn giải hình ảnh và nội dung truyện kể mà là những hiệu ứng tâm lý nhãn tiền được tạo ra tương ứng với chính quá trình đọc của họ. 
 
Như một giao hưởng bi kịch, tất cả mọi nhạc đề được giới thiệu và khai triển ban đầu chỉ nhằm để chuẩn bị cho phần phát triển đỉnh điểm đầy bi thảm ở trung tâm của bản nhạc, các phần 1, 2 và 3 của “2666” chỉ là những khúc dạo đầu trước khi Bolano thực sự đưa người đọc đến với trung tâm của máu me và bạo lực: Phần 4 - “Phần về cái ác”. Đối với tôi đây là phần khó đọc nhất của “2666” và cũng chính là phần truyện khiến tôi không biết bao lần phải gấp sách muốn chào thua. Kéo dài mấy trăm trang liền là những mô tả các vụ việc hãm hiếp giết người bằng thứ văn phong tường trình ngắn gọn, lãnh đạm và trần trụi của cảnh sát. Tính đơn điệu, lặp đi lặp lại của các mô tả khiến những vụ sát nhân tàn bạo và dã man dần dà trở nên bình thường đối với tâm trí, lúc não bộ của ta đã đầy ứ với những hình ảnh máu me của tội ác, ta sẽ giật mình khi thấy chẳng biết từ lúc nào mình đã hóa ra chai lì, vô cảm, có thể bật cười cùng câu chuyện tiếu lâm của đám cảnh sát Santa Teresa đang thờ ơ kết thúc phiên làm việc tại hiện trường một vụ cưỡng hiếp giết người ghê rợn. Than ôi, sự bàng quan vô cảm của con người trước đồng loại của mình trong đời thực phải chăng cũng đến từ những trạng huống như vậy? Trong xã hội hôm nay, khi cái ác, cái xấu, cái bất công, cái vô đạo đức cứ hằng ngày diễn qua trước mắt ta, ta sẽ dần có xu hướng cho rằng tất cả những thứ phi nhân đó là điều bình thường, sự quen thuộc dẫn đến chai lì về mặt cảm xúc có thể sẽ biến ta thành những kẻ sẵn sàng ngoảnh mặt quay lưng, thản nhiên với những đau thương mất mát của đồng loại. Ẩn ý và dụng công của Bolano trong trường đoạn khủng khiếp này cũng là như vậy? 
 
Phần cuối cùng, “Phần về Archimboldi” có lẽ là phần dễ đọc nhất, một chương nhạc trôi chảy theo nhịp điệu khoan hòa nhất của bản giao hưởng đa phần mang màu sắc địa ngục này. Nhưng mà chẳng có kết thúc nào cả. Người đọc đã đi hết một vòng và tưng hửng: cuốn tiểu thuyết kết thúc ở nơi nó đã bắt đầu. Không có tiến triển. Không có giải pháp. Không có câu trả lời. Cái ác còn nguyên vẹn ở đó. Sisyphus vẫn phải tiếp tục đẩy hòn đá lên đỉnh đồi. Toàn bộ cuốn tiểu thuyết chỉ là một hành trình vô vọng trong mê cung của sự buồn chán và kinh dị không giới hạn, một cuộc sa xuống địa ngục kiểu Dante! Tất cả đều vô nghĩa. Vô nghĩa đến cả cuộc sống của nghệ thuật và tri thức như ẩn dụ trong câu chuyện cuối cùng về người đàn ông mà tên tuổi và di sản trong tư cách là một nhà văn, một nhà khoa học đã hoàn toàn bị lãng quên, trừ món kem mang tên ông ta: Furst Pukler, cho đến nay vẫn còn ăn khách!     
Trần Thanh Sơn (8.2022) 
 
 
-Roberto Bolano (1953-2003): Nhà văn kiệt xuất người Chile, tác giả nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn và tiểu luận văn chương. Năm 1999 ông đoạt giải thưởng Rómulo Gallegos cho tiểu thuyết Los detectives salvajes (tạm dịch: Trinh thám hoang dại), và năm 2008 ông được truy tặng Giải thưởng Hội Phê bình sách Toàn quốc (National Book Critics Circle Award) của Hoa Kỳ cho tiểu thuyết 2666. Marcela Valdes, một thành viên của ban chấm giải, mô tả 2666 là “một cuốn sách phong phú và chói sáng đến độ chắc chắn sẽ thu hút người đọc và giới học giả suốt nhiều đời sau”. Thời báo New York gọi Bolano là “tiếng nói văn chương Mỹ la-tinh quan trọng nhất trong thế hệ của ông”.

 Ảnh trên: From “Pouring Lava” (Stephanie Peters)

Không có nhận xét nào: