Có việc đi ngang Định Quán giấc quá Ngọ, ghé vào tiệm
ăn bên đường ăn trưa cùng với gia đình. Từ nhà hàng nhìn ra phía cầu La Ngà san
sát nhà bè nuôi cá bỗng nhiên nhớ lại cái buổi sáng cùng mấy người bạn phóng xe
máy hơn trăm cây số từ Sài Gòn lên đây xem nhật thực. Không thể tin được là đã
gần 30 năm...
Nhật thực toàn phần năm 1995 là một sự kiện gây ồn
ào khiếp lên được. Báo chí cho biết tâm điểm của nhật thực nằm trên vùng biển gần
quần đảo Trường Sa nên các nhà thiên văn và khách du lịch từ khắp nơi trên thế
giới đã ào ào đổ về Phan Thiết - thành phố duyên hải được cho là có thể quan
sát nhật thực tốt nhất. Người ta kéo nhau đi xem nhật thực vì không dễ mấy ai
trong đời từng một lần được nhìn thấy hiện tượng hiếm hoi này của tự nhiên. Ra
Phan Thiết thì xa quá nên tôi và đám bạn chọn đi La Ngà, địa điểm cũng nằm trọn
trong dải nhật thực rộng gần 80 cây số và tạm xem là nơi cũng có thể quan sát
được gần toàn bộ pha cực đại của nhật thực. Trong cái khó có cái may, sau này
nghe kể đúng thời điểm diễn ra nhật thực trời Phan Thiết nhiều mây che khuất
nên hóa ra La Ngà lại là lựa chọn đầy may mắn. Nhật thực 1995 là nhật thực toàn
phần đầu tiên trong đời tôi được chứng kiến và có lẽ cũng là duy nhất, vì như
các nhà khoa học tính toán, đối với người Việt, nếu chỉ loanh quanh trong xứ sở
của mình thì mãi đến năm 2070 chúng ta mới lại có cơ hội được xem nhật thực
toàn phần một lần nữa!
Khu vực cầu La Ngà - Định Quán những năm 1990
còn vắng vẻ hoang sơ, không đông đúc sầm uất như bây giờ. Chạy xe đến nơi mới
chỉ hơn 9 giờ sáng. Tưởng đông người tụ tập nhưng hóa ra chẳng có mấy ai, ngoài
bọn chúng tôi chỉ thấy dăm ba thanh niên có lẽ là dân địa phương đến từ các
vùng lân cận đang thơ thẩn đứng chơi bên thành cầu và chắc cũng như bọn tôi chờ
để xem nhật thực. Tháng 10 vẫn đang mùa lũ, sông La Ngà rộng mênh mông bát
ngát. Từ bé tôi đã thích cảnh sông, đặc biệt những quãng sông hoang vắng cô
liêu “nắng xuống, trời lên sâu chót vót” kiểu Huy Cận như thế này, nên đứng
trên cầu La Ngà lộng gió ngó dòng nước chảy xuôi buồn-điệp-điệp mà chờ nhật thực
đến, với tôi là một trải nghiệm thú vị chẳng bút nào tả xiết.
Hội họa Tây phương hình như không có nhiều
tác phẩm miêu tả cảnh tượng nhật thực. Trong số tranh ít ỏi tìm thấy trên mạng, tôi đặc biệt ấn tượng với bức “Nhật thực
ở Venice, ngày 8.7.1842” của Ippolito Caffi, mô tả khung cảnh Venice bị chia cắt
bởi 1/4 bầu trời rực rỡ nắng còn 3/4 chìm trong bóng tối (1). Bức tranh tuyệt đẹp nhưng có vẻ không mấy chính xác về mặt khoa học cũng như thực tế quan sát.
Với cùng chủ đề này, chỉ bức tranh khổ nhỏ “Nhật thực” (1851) của họa
sĩ Thụy Điển Bengt Nordenberg là tức khắc gợi lại được trong tôi cảnh tượng và cảm xúc mà mình đã từng được nếm trải. Cái buổi trưa ngồi trong quán ăn cùng gia đình ngó ra dòng La
Ngà lóa nắng, tôi như vẫn còn thấy diễn ra trước mắt cái trưa nhật thực thời
còn xanh tóc cách đây đã trên 1/4 thế kỷ, thấy bầu trời kỳ dị thấp thoáng bụi sao giữa Ngọ, thấy đường diềm mù mịt của ánh sáng như lúc nhật tận ở bốn
phía chân trời mà trong thoáng chốc gợi tưởng đến sự lịm tắt của toàn bộ cõi
người, sự sững sờ hóa đá của tất cả những gì đang hiện hữu trên thế
gian này, trong đó có tôi. Tôi còn giữ được mấy tấm ảnh cũ bạc màu (được chụp bởi một người qua đường mà bọn tôi nhờ bấm máy hộ) lưu lại thời khắc
ấy. Trong bóng tối
nhập nhoạng, ánh flash của chiếc máy ảnh làm gương mặt chúng tôi
trông như lũ ma bị đốt cháy bởi lửa lân tinh, tương phản một cách kỳ quặc với
bầu trời tối thẫm cùng quầng sáng nơi đường chân trời như thể mặt đất đang bị
thiêu đốt bởi một nỗi niềm bí ẩn nào đó và tuyệt vọng hắt lên trời ánh lửa tri hô, cầu
cứu!
Cho đến tận bây giờ không ít người trên thế giới vẫn
coi nhật thực là thứ điềm gở mang đến cái chết, sự hủy diệt và thảm họa, nên chẳng
lạ gì khi đa phần mọi truyền thuyết cũng như các tác phẩm nghệ thuật trong quá
khứ khi đề cập đến nhật thực đều ít nhiều mang hơi hướm ghê sợ, hãi hùng. Tuy vậy, điểm qua các khảo cứu lịch sử liên quan đến hiện tượng này, đáng
ngạc nhiên nhất lại là người Ai Cập cổ đại, họ đã không để lại bất kỳ ghi chép hoặc
hình ảnh mô tả rõ ràng nào về nhật thực, mặc dù những sự kiện như vậy chắc chắn
đã từng được những người thờ mặt trời và am hiểu thiên văn như họ theo dõi, quan sát.
Vì quá sợ hãi, họ đã cố tình lờ chúng đi? Trong vở oratorio Samson nổi
tiếng của mình, phải chăng cũng xuất phát từ cảm giác kinh hãi khi đứng trước cảnh tượng dị thường ấy của tự nhiên, Handel đã ví chứng mù lòa của Samson với trải nghiệm kinh hoàng của con người về nhật thực: “Nhật thực toàn phần! Không mặt trời cũng chẳng mặt
trăng! Tất cả tối tăm giữa ánh sáng rực rỡ ban trưa” (1). Mà nhật thực quả là một dị tượng! Tôi không bao giờ quên cảm
giác mất thăng bằng và nỗi bồn chồn lo lắng không duyên cớ của mình lúc đứng trên cầu La Ngà nhìn nhật thực tỏa cái
bóng khổng lồ của nó di chuyển âm thầm qua mặt đất. Đó là thứ xúc cảm có thể làm thay đổi vĩnh viễn cái nhìn và tâm trí của chúng ta.
Đời sống con người cũng vậy. Sẽ có những thứ “nhật
thực” mang tính tượng trưng làm thay đổi hoàn toàn cái nhìn, suy nghĩ, cuộc đời
và vận mệnh của một cá nhân, một tập thể (và thậm chí cả một quốc gia!). Không
phải là kẻ mê tín, nhưng không ít thì nhiều, tôi tin rằng lần diện kiến nhật thực
toàn phần ngày xưa ấy đã tác động và làm thay đổi không nhỏ cuộc đời tôi. Ở vị
trí bé mọn là một hạt bụi trong vũ trụ mênh mông, liệu một người có còn đúng là
anh ta hay không khi đã từng nhìn thấy được sự chuyển động ở cấp độ thiên thể
diễn ra trước mắt? Xem ra “nhật thực” tác động theo chiều hướng tốt
lên hay xấu đi đều do chủ quan của đối tượng tiếp nhận, và xét ở khía cạnh nào
đó, khi đời sống đã trở nên tù hãm, trì đọng mà con người u tối không thể nhận
biết được điều đó, “nhật thực” là cần thiết. Cũng nên biết, ở Ý, người ta tin rằng hoa được trồng
trong lúc nhật thực sẽ có màu sắc rực rỡ và đẹp hơn hoa được trồng vào bất kỳ
thời điểm nào khác trong năm!
Vài suy nghĩ vẩn vơ khi dừng ăn trưa ở Định Quán, La Ngà.
Trần Thanh Sơn (9.2022)
(1) Ippolito Caffi (1809-1866): Họa sĩ
người Ý chuyên vẽ cảnh biển, kiến trúc và cảnh quan đô thị. Ông có bức tranh vẽ
cảnh nhật thực tại Venise năm 1842 rất nổi tiếng:
(2) Bengt Nordenberg (1822-1902): Họa sĩ
Thụy Điển thuộc trường phái hội họa Düsseldorf, nổi tiếng với những bức tranh vẽ
cảnh đời thường từ các khu vực Dalarna, Skane và Blekinge của Thụy Điển.
(3) George Frideric
Handel (1685-1759): Nhà soạn nhạc nổi tiếng người Anh gốc Đức thuộc thời kỳ
Baroque. Lời nhạc trích từ Aria “Total eclipse” trong Oratorio “Samson” của
Handel.
Note: Còn đây là bức “Nhật thực” của tui 😊 - được “tưởng tượng” khoảng năm 1987, 1988 gì đó - khi chưa từng được nhìn thấy nhật thực nó ra làm sao! Phác thảo bằng sơn dầu trên giấy bìa bỏ lăn lóc trong kho nên bị mối mọt ăn thủng mấy lỗ lớn (phía bên phải bức tranh). Cũng là một kỷ niệm nữa đối với nhật thực vậy!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét