Thứ Năm, 29 tháng 9, 2022

Giữ lại và bỏ đi

 
Họa sĩ biếm họa người Mỹ Scott Adams có một câu nói rất thú vị liên quan đến công việc sáng tác và bản lĩnh nghệ thuật của người nghệ sỹ, đại ý: sáng tạo thì cho phép người nghệ sĩ mắc sai lầm, nhưng nghệ thuật là họ phải biết giữ lại những cái nào (và bỏ đi những cái nào). Thời trẻ, tôi viết nhạc nhanh và dễ như lấy đồ từ trong túi ra. Chỉ cần ngồi vào đàn và với chút ít quyết tâm (!), thể nào buổi làm việc ấy tôi cũng tìm ra được ý tưởng và giai điệu cho bài hát mới, còn hay hoặc dở, nói theo kiểu Hoài Linh trong một tiểu phẩm hài của anh ta, thì: hên xui! Đầu những năm 80 khi đi làm công nhân tổ hợp để phụ giúp gia đình và kiếm tiền ăn học, ở chỗ làm, tôi quen thân với một anh là trung úy chế độ cũ vừa đi học tập cải tạo về. Qua trò chuyện, biết anh cũng là người yêu thích văn chương nghệ thuật, tôi đánh bạo đưa anh xem những thứ lâu nay tôi đã mày mò sáng tác. Chẳng nghe anh khen chê phẩm bình gì cả, mà mãi hơn tuần sau, khi ngồi cà phê với anh, anh mới kể tôi nghe chuyện thời trung học anh cũng tham gia hoạt động báo chí, thích sáng tác thơ văn này nọ. Thầy dạy Việt văn của anh có lần bảo: viết xong một tác phẩm, em nên xếp nó vào ngăn kéo để một vài tháng sau hẵng mang ra xem lại, nếu thấy vẫn còn ưng ý, cứ chỉnh sửa rồi lại cất kỹ. Kinh nghiệm cho thấy, thời gian và sự trưởng thành nghệ thuật sẽ giúp người viết có cái nhìn sáng suốt và khách quan hơn về các tác phẩm của mình. Theo đó, tác phẩm nào sau một năm đọc lại mà ta vẫn thấy ổn thì mới mang ra sử dụng; sau năm năm đấy là một tác phẩm tạm được, còn sau mười năm, nó có thể tồn tại lâu dài!
 
Tuần trước, lánh cơn mưa bất chợt trên đường đi làm về. Dưới mái hiên hẹp và nhếch nhác của một quán hủ tíu bình dân nhìn ra phố chợ, chẳng bao giờ tôi tưởng tượng nổi mình lại được nghe “Sérénade mélancolique” của Tchaikovsky ở đó (1). Tiếng vĩ cầm buồn rầu cùng tiếng nổ lách tách của chiếc đĩa cũ có vẻ phát ra từ một dàn âm thanh không tốt lắm đã cầm chân tôi lại đến gần 15 phút đồng hồ. Và cũng dưới mái hiên sặc mùi nước dùng hủ tíu, mùi bàn ghế mốc ẩm hơi mưa của cái quán vắng khách ấy, khi đĩa nhạc kết thúc, tôi mới bất chợt nhớ ra có lẽ cũng đã nhiều chục năm nay mình không hề nghe Tchaikovsky. Ôi, Tchaikovsky! Phải chăng đến một độ tuổi nào đó, người ta không còn nghe Tchaikovsky được nữa? Hay mỹ cảm của tôi đã hoàn toàn thay đổi? Những tác phẩm âm nhạc đầy cảm xúc và tràn ứ những giai điệu ngọt ngào ấy chẳng biết từ lúc nào đã biến khỏi danh sách nghe của tôi, như thể chúng là cái bờ sông bên kia, phía bến bờ của tuổi trẻ và chỉ thuộc về tuổi trẻ - nhiều đam mê, giàu đa cảm, lồ lộ sự chân thành - mà ngày nay tôi đã rời xa, đã quên lãng và vĩnh viễn đánh mất nó. Những sa-mạc-nối-dài của cuộc đời khiến tâm hồn tôi cằn cỗi đi chẳng còn phù hợp nữa với dòng chảy dạt dào tình cảm Tchaikovsky, hay còn vì lý do gì khác nữa? Xem ra, điều thê thảm nhất của tuổi già không hề là bất cứ những thứ gì thói thường người ta vẫn xem như thuộc về tuổi già mà chính là sự biến mất hoàn toàn của màn sương mù đầy mê hoặc từng trùm phủ lên mọi nẻo đường, mọi sự vật trước mắt, thứ màn sương mà nhờ đó người ta thấy cuộc đời lung linh cuốn hút, mời gọi sự tìm hiểu và sẵn sàng chạy theo chúng, tự nguyện để chúng cuốn đi. Những cuốn sách, những bức tranh, những bài thơ bản nhạc một thời ta yêu thích. Những con người, những câu nói, những thần tượng với những lời hiệu triệu một thời ta ngưỡng mộ. Rồi lý tưởng nữa, than ôi, cả lý tưởng nữa!...
 
Người ta kể trong ngôi nhà của Jean Sibelius (2) nằm ở phía Bắc Helsinki nhìn ra Hồ Tuusula tuyệt đẹp có một lò sưởi lớn ốp gạch men màu xanh lá cây được một thợ gốm nổi tiếng thực hiện năm 1904 theo yêu cầu của nhà soạn nhạc. Chiếc lò gợi tưởng đến một cái cây luôn xanh tươi trong khu rừng thường xuyên tuyết trắng giá lạnh vùng cận Bắc của Phần Lan. Tuy nhiên, với tất cả những người yêu nhạc Sibelius và nghiên cứu về ông, chiếc lò sưởi được xem là chứng tích của một trong những bí ẩn lớn của lịch sử âm nhạc. Từ sau Symphony No.7 (1924) và Tapiola (1926), trong 30 năm còn lại của cuộc đời mình, Sibelius được cho là sáng tác rất ít, không cho ra đời một tác phẩm lớn nào, thậm chí ông còn tránh nói chuyện công khai về âm nhạc của mình. Thế nhưng có bằng chứng cho thấy Sibelius đã hoàn tất bản giao hưởng thứ tám của mình. Ông từng hứa hẹn sẽ cho ra mắt bản giao hưởng này với Serge Koussevitzky - chỉ huy Boston Symphony Orchestra vào năm 1930 (3). Thậm chí năm 1933, ông nói với Georg Schneevoigt (4), người được cho là sẽ cầm đũa ở buổi công diễn bản giao hưởng tại Helsinki: “Bạn không biết nó rực rỡ đến như thế nào đâu!”. Vậy mà tất cả những gì còn lại ngày nay của Symphony No.8 chỉ là một tờ giấy với dấu hóa biểu và danh sách chỉ định nhạc cụ. Không còn một nốt nhạc nào cả. Theo lời kể của Aino - vợ Sibelius, chiếc lò sưởi màu xanh lá cây nói trên chính là nơi năm 1945 ông đã đốt bỏ các bản thảo, phác thảo và bản sao hoàn thiện của nhiều tác phẩm mà ông đang thực hiện, trong đó bao gồm cả mọi thứ liên quan đến bản giao hưởng mới - bản Symphony No.8 của ông.
 
Sáng tạo nghệ thuật đòi hỏi người nghệ sĩ vừa phải có khả năng thiên bẩm vừa phải có cả khả năng thực hành, làm chủ được kỹ thuật thể hiện của bộ môn nghệ thuật mà mình đang theo đuổi. Các kỹ năng kỹ thuật được hình thành và củng cố dựa trên sự đào tạo, rèn luyện và thực hành thường xuyên, nhưng năng khiếu là cái trời cho cũng cần được duy trì, nuôi dưỡng và phát triển nhất quán. Đây là một quá trình lâu dài mà tổng của những thứ có thể gọi chung là trình độ nghệ thuật - được mài dũa, tinh chỉnh, tích tụ theo thời gian - sẽ hình thành nên cái phẩm tính căn yếu và quan trọng nhất mà người nghệ sĩ muốn trở thành một tác giả cần có, đó là bản lĩnh sáng tác, cái mà có lẽ họa sĩ biếm họa Scott Adams muốn đề cập ở trên: khả năng biết giữ lại (và bỏ đi) những cái gì trong sáng tạo của mình. Thông thường việc tự sàng lọc, lựa chọn giữ lại những thứ gì tốt nhất là công việc được người nghệ sĩ tiến hành đồng thời ngay trong quá trình tạo tác nên tác phẩm. Tuy vậy, vẫn có vô số những tác phẩm nghệ thuật sau khi đã hoàn thành vẫn tiếp tục bị người tạo ra nó cảm thấy không hài lòng và quyết định tiêu hủy, dẫu đấy là một một việc làm khó khăn đầy đau đớn” đòi hỏi bản lĩnh mạnh mẽ của người nghệ sĩ. Lịch sử âm nhạc cho thấy trường hợp Symphony No.8 của Sibelius không phải là đầu tiên và hãn hữu. Yêu cầu hoàn hảo luôn truy bức những người nghệ sĩ khó tính. Brahms chẳng hạn. Là một người quá sức cầu toàn, ông đã đốt bỏ và không công bố rất nhiều tác phẩm của mình. Dukas cũng vậy (5). Tự kiểm duyệt” mình một cách rất khắc khe, Dukas đã từ bỏ và phá hủy không ít sáng tác của mình, nên dù viết nhiều, số lượng nhạc phẩm còn lại của ông rất ít ỏiCó một giai thoại (mà tôi không mấy tin là nó có thật) kể rằng những năm cuối đời Brahms thường ngồi trước lò sưởi để đốt thư từ và bản thảo các tác phẩm âm nhạc ông không vừa ý; Brahms cũng thường gửi thư cho bạn bè xưa hỏi xin lại bản sao các nhạc phẩm ông viết thời còn trẻ để tiêu hủy. Lao động nghệ thuật, đặc biệt đối với những nghệ sĩ nổi tiếng, ngoài áp lực của sự tự thẩm định gần như đã trở thành bản năng, sức ép của gánh nặng tâm lý lo mình sẽ không vượt qua được những sáng tác trước đó của mình đôi khi biến người nghệ sĩ trở thành “con tin” của chính họ, triệt tiêu khả năng xét đoán, sự sáng suốt và tự tin trong sáng tạo. Chủ nghĩa hoàn hảo là một con dao hai lưỡi. Một mặt nó bảo vệ người nghệ sĩ khỏi sự cẩu thả trong sáng tác nhưng mặt khác cũng có thể tiêu diệt sự đa dạng của cảm xúc, vạt bằng tất cả những biểu hiện phức tạp của cá nhân, của đời sống con người bao hàm cả cái tốt, cái xấu, cái kỳ dị, khác thường mà quy về chỉ còn cái đẹp và sự toàn mỹ. 
 
Dù chỉ là một người viết nhạc “amateur” (với trọn vẹn nghĩa của chỉ danh khá khó định tính này), không tiếng tăm và cũng chẳng bị sức ép nào ngoài ý thích của chính mình, tôi không nhớ nổi từ lúc còn non nớt tập tành cho đến bây giờ tôi đã đốt bỏ bao nhiêu sáng tác của mình. Cũng chẳng rõ cái mẩu tâm sự gần giống với lời khuyên nhủ của anh trung úy ngày xưa tôi quen có phần nào tác động đến tôi không? Bởi, tôi thấy mình ngày càng khó khăn hơn trong viết lách, khắc khe hơn trong tự đánh giá, và thường xuyên tiêu hủy những nhạc phẩm mà sau một thời gian nhìn lại, tôi không còn thấy ưng ý! Nhớ có một đêm rượu say, về đến nhà, lôi chồng bản thảo ca khúc cũ ra rồi ngồi vào đàn, hễ thấy tác phẩm nào lợn cợn “hết vừa tai” là tôi lấy bút gạch chéo. Chỉ riêng đêm ấy, hì hục đến gần sáng, hình như tôi đã đốt bỏ gần chục bài hát của mình! Chọn lựa giữ lại cái gì (và bỏ đi cái gì) không chỉ là một quyết định khắc nghiệt (đòi hỏi sự sáng suốt, tỉnh táo và bản lĩnh) riêng với những người nghệ sĩ trên hành trình sáng tạo, mà nhìn rộng ra trên bình diện chung của cuộc đời hay xã hội thì cũng vậy. Đâu dễ bỏ đi những thứ người ta đã phải dày công kiếm tìm, giành giật, tạo dựng, rồi sở hữu. Đến cả những ảo tưởng rành rành ra đó nhưng vẫn có hàng đống người khư khư giữ chặt lấy, thà chết không rời, huống hồ là...

Ngẫm lại, mọi sự mọi vật của cuộc đời với những nhằng nhịt buộc ràng khiến con người chẳng dễ dàng mà chọn lựa bỏ đi hay giữ lại. Như người giữa cuộc cờ, thường khi đã muộn màng bất khả cứu vãn người ta mới nhìn ra đâu là nước đúng. Tôi nghĩ đến câu nói của Jasper Johns (6), đại ý: lúc già rồi người ta mới nhìn thấy có nhiều lối đi hơn lẽ ra được lựa chọn; buồn rầu chiêm nghiệm vào bản thân và cuộc đời mình, bạn bè và thế hệ của mình. Đứng ở vị trí người nghệ sĩ trong hoạt động sáng tạo, lựa chọn này dẫu đúng sai, chẳng-ảnh-hưởng-gì-đến-tình-hình-nhân-loại và luôn nằm trong hành động tự quyết của người nghệ sĩ. Còn trong đời sống, ta có đâu tự do như vậy? Mỗi lựa chọn là một lần lao đầu ra cửa số cỡ tầng 10 kèm theo bao hệ lụy không chỉ với bản thân mình, chưa kể đã chắc rằng ta được quyền lựa chọn hay không? Xem ra, để an ủi vỗ về giấc mộng tự do của chúng ta, cứ làm nghệ thuật là thú vị nhất! Sáng tạo nghệ thuật là được làm ông-trời-con đối với riêng mình.

Hôm qua tôi đã quyết định chỉ giữ lại 1 trong 3 bài hát tôi vừa viết được trong năm 2022. 
Trần Thanh Sơn (9.2022)
 
 
(1) Pyotr Ilyich Tchaikovsky (1840-1893): Nhà soạn nhạc nổi tiếng người Nga thời kỳ lãng mạn.
(2) Jean Sibelius (1865-1957): Nhà soạn nhạc nổi tiếng người Phần Lan cuối thời kỳ lãng mạn. 
(3) Serge Koussevitzky (1874-1951): Nhạc trưởng, nhà soạn nhạc và nghệ sĩ contrebass người Nga.
(4) George Frideric Handel (1872-1947): Nhạc trưởng và nghệ sĩ cello người Phần Lan.
(5) Paul Dukas (1865-1945): Nhà soạn nhạc, nhà phê bình âm nhạc nổi tiếng người Pháp.
(6) Jasper Johns (1930-): Họa sĩ, điêu khắc gia lừng danh người Mỹ có sáng tác phẩm gắn liền với chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng, Neo-Dada và Pop-Art.


Ảnh trên: From “Crumpled” (Mungmeestudio)

Không có nhận xét nào: