Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2022

Nghe Piazzolla trên vỉa hè Sài Gòn

 
Cà phê vỉa hè sớm mai với máy nghe nhạc bỏ túi và âm nhạc Piazzolla. Năm sắp tận, đã bắt đầu bước sang tuần lễ cuối cùng và những ngày cuối cùng của tháng 12. Nhịp sống đô thị vun vút lao đi như muốn hất tung những kẻ lơ ngơ đứng trên đường chạy của nóLâu lắm rồi tôi mới lại ngồi cà phê ở chỗ này. Phố xá Sài Gòn thay đổi với tốc độ chóng mặt. Phía bên kia vòng xoay công trường, chỗ gần thủy đài cũ (bây giờ là trụ sở mới của công ty điện lực), những năm 80 san sát hàng quán vỉa hè, mà vào những sớm Chủ nhật, đường phố vắng tanh, từ chỗ làm đêm ở Dakao tôi nhớ mình thường mắt nhắm mắt mở đạp xe qua đó ghé uống một ly cà phê toàn vị bắp rang rồi mới đến Nguyễn Du chui vào lớp hòa âm (nhạc viện mở ngoài giờ), đầu óc vẫn còn đờ đẫn vì cơn buồn ngủ. Ôi, thoắt đó mà đã ba bốn chục năm trời! Như vẫn còn nghe thấy tiếng của những chiếc lá vàng khô vụn vỡ dưới những vòng bánh xe trên đường vắng Huyền Trân, thoáng sương lam giăng trên những ngọn me cổ thụ trước cửa trường nhạc ngày nào...
 
Nghe “Las Cuatro Estaciones Portenas” của Piazzolla không hiểu sao thường khiến cho tôi có cảm giác u hoài, như thể những khúc nhạc ấy không phải viết cho Buonos Aires của xứ Á Căn Đình xa xôi mà là miêu tả Sài Gòn với những ồn ào náo nhiệt và cả sự lặng im của nó trong trái tim những người đã từng gắn bó, yêu thương và còn tưởng vọng đến nó; đấy là những lát cắt dọc theo thời gian, thứ lát cắt lịch đại phơi lộ chiều sâu cái đẹp hồn hậu và phóng khoáng nơi tâm hồn của một vùng đất chứ không phải những hời hợt, màu mè lòe loẹt mà ngày nay, như ở Sài Gòn, vì nhiều nguyên do khác nhau, người ta sơn phết lên, làm biến dạng, thậm chí hủy hoại nó! Gần giống với “Bốn mùa” của Vivaldi  bao gồm 4 hòa tấu khúc, mỗi hòa tấu khúc miêu tả một mùa trong năm, tuy nhiên “Las Cuatro Estaciones Portenas” (Bốn mùa ở Buenos Aires) thoặt đầu là những khúc tango được Piazzolla sáng tác riêng lẻ (trong khoảng thời gian từ 1965 đến 1970) và được trình diễn độc lập trước khi trở thành một tập hợp không thể tách rời như thường xuất hiện sau này. Theo đó, thứ tự sáng tác đầu tiên là Verano Porteno (Mùa Hè), kế tiếp Otono Porteno (Mùa Thu), tiếp nữa là Primavera Porteno (Mùa Xuân) và sau cùng Invierno Portenos (Mùa Đông). Bản phối khí nguyên thủy của các khúc tango cũng hoàn toàn tương ứng với thành phần nhạc công của nhóm ngũ tấu “Tango Nuevo” do Piazzolla thành lập vào những năm 60, nghĩa là: bandoneon, violin, piano, guitar điện và double bass (ngoại trừ Invierno Portenos, ban đầu được viết cho viola thay vì violin) (1). 
 
Được coi là nhà sáng tạo vĩ đại của âm nhạc Argentina hiện đại, phong cách âm nhạc của Piazzolla là của riêng Piazzolla, không thể nhầm lẫn! Đấy là sự kết hợp độc đáo giữa tinh thần và năng lượng của nhịp điệu tango với nhạc cổ điển và nhạc jazz bằng một ngôn ngữ hoàn toàn mới mẻ, là thứ âm nhạc luôn được trau chuốt bằng các kỹ thuật hòa âm và đối âm đầy điêu luyện nhưng đồng thời cũng bàng bạc tính ngẫu hứng, sự mộc mạc và gần gũi dễ hiểu của dòng nhạc đại chúng. Với hàng trăm tác phẩm - bao gồm cả các sáng tác dành cho dàn nhạc giao hưởng, opera, concerto và nhạc phim, mà đặc biệt nhất vẫn là những khúc “nuevo tango” mang hơi thở đặc dị của riêng ông - cái di sản âm nhạc quý giá mà nhân loại ngày nay có được, ngoài từ tài năng thiên bẩm ông, không thể không kể đến công lao của nhà sư phạm âm nhạc lừng danh Nadia Boulanger, thầy dạy của những gương mặt có thể xem là sáng giá nhất của nền âm nhạc thế kỷ XX như Grazyna Bacewicz, Daniel Barenboim, Lennox Berkeley, Elliott Carter, Aaron Copland, Philip Glass, Roy Harris, Quincy Jones, Dinu Lipatti, Virgil Thomson... Qua lời kể của Piazzolla với ký giả Natalio Gorin trong hàng loạt cuộc phỏng vấn được thực hiện vào năm 1990 (sau này được in trong tập “Astor Piazzolla: Một hồi ức”), ta có thể thấy được khả năng sư phạm và  con mắt xanh tuyệt vời của Nadia Boulanger trước tài năng của người sẽ trở thành nhà cách mạng của âm nhạc tango tương lai: “Khi tôi gặp bà ấy (Nadia Boulanger), tôi đã mang cho bà xem hàng kí lô tổng phổ giao hưởng và sonata của mình. Nadia bắt đầu đọc chúng rồi đột nhiên bà phán một câu nghe kinh khủng: “Nó được viết rất hay”... Im lặng hồi lâu, bà ấy tiếp: “Ở đây cậu giống như Stravinsky, Bartok, Ravel, nhưng cậu biết sao không? Tôi không thể tìm thấy Piazzolla trong này”. Rồi bà bắt đầu hỏi về đời tư của tôi: tôi làm gì, chơi nhạc cụ gì, còn độc thân hay đã kết hôn, hiện có đang sống với ai không?... Tôi rất xấu hổ khi phải nói với bà tôi là một nhạc sĩ tango... Tôi không muốn cho bà biết tôi là một người chơi đàn bandoneon, bởi tôi nghĩ, bà sẽ ném tôi từ tầng bốn xuống đất mất! Cuối cùng, khi tôi thú nhận, bà yêu cầu tôi chơi cho bà nghe thử một vài ô nhịp trong bản tango của mình. Thình lình bà mở mắt ra, nắm lấy tay tôi và nói: Đồ ngốc, đấy chính là Piazzolla!”.

Bước vào thế giới Piazzolla là bước vào thế giới của những cảm xúc tưởng đã mất đi nay bỗng tìm được lại, những cơn bốc đồng của tuổi trẻ, sự choáng váng cuồng nhiệt muốn tràn bờ của một thứ tình yêu thường trực đòi thoát khỏi mọi sự kìm nén, những ngọt ngào say đắm đã pha mùi đắng cay mất mát, những kỷ niệm mơ hồ thức dậy trong niềm quên lãng, những bâng khuâng hoài nhớ, mà trên tất cả là cảm giác chới với bên bờ vực thẳm của những biến thiên đổi dời. Và như vậy, cùng với cơn gió lạnh trên vỉa hè Sài Gòn sớm mai này, như thể thông qua “Las Cuatro Estaciones Portenas” tôi bất chợt thấy lại những con đường đã biến thành ảo ảnh nơi ký ức mình, thoáng mùa thu ẩn trong đám xác lá rụng tao tác trên vỉa hè Cường Để những ngày mưa xưa, một trưa váng vất nắng trên chuyến xe lam cũ Sài Gòn - Chợ Lớn thời tuổi trẻ, ngụm nước mát mùa hè ở đâu đó cùng những hạt mưa trong tiếng cười giòn xa vắng của lũ trẻ đùa chơi trên phố, ánh sáng và bóng tối nơi ánh mắt nụ cười ngọt ngào thoáng qua của những thiếu nữ trên hành lang Eden một đêm xuân xa vời, những chén rượu khuya âm vọng chuyến xe đêm về ngang phố chợ và nỗi u sầu, rất nhiều nỗi u sầu nơi trái tim dường đã sớm mệt mỏi của tôi...

“I will have died, and you will continue
bordering our life.
Buenos Aires doesn’t forget you,
tango that you were and will be

Câu kết của bài hát “El tango” (do Jorge Luis Borges soạn lời) trong album hợp tác giữa Piazzolla và Borges năm 1965) hình như đã trở thành một câu hát mang tính chất tiên tri cho âm nhạc của người nhạc sĩ từng bị cho là “kẻ giết chết điệu tango”(2). Đối với người nghe và yêu Piazzolla trên khắp cùng thế giới, âm nhạc của ông sẽ mãi là người bạn đồng hành, cùng họ hoài niệm về cái thế giới huy hoàng nhưng mông lung của những mộng ước mà vì đời sống vốn ngắn ngủi và mù lòa, họ không thể nhận biết, vô tình đánh mất và mãi mãi không bao giờ còn chạm tay tới chúng được nữa. Trên bình diện nào đó, nghe Piazzolla là ngoái lại và nhìn vào trái tim mình.
Trần Thanh Sơn (12.2022)


(1) Năm 1996, nhà soạn nhạc người Nga Leonid Desyatnikov đã thực hiện một bản cải biên mới cho tác phẩm này, tạo mối liên hệ rõ ràng hơn giữa “Four Seasons” của Piazzolla với của Vivaldi bằng cách sắp xếp 4 bản nhạc theo một hình thức concerto truyền thống dành cho vĩ cầm độc tấu cùng dàn nhạc dây; trong mỗi hành âm, Desyatnikov còn cho thêm vào một số đoạn trích từ tác phẩm “Bốn mùa” của Vivaldi. Nhằm phản ánh sự nghịch đảo của các mùa giữa 2 bán cầu (Piazzolla sống ở bán cầu Nam, Vivaldi sống ở bán cầu Bắc), Desyatnikov đã chêm các nhạc tố diễn tả mùa Đông của Vivaldi vào chương nhạc diễn tả mùa Hè của Piazzolla. Tôi thích nghe “Las Cuatro Estaciones Portenas” trong bản gốc của Piazzolla, mặc dù thính giả bây giờ đa phần quen thuộc với bản cải biên của Desyatnikov hơn.

(2) Cách tiếp cận mới của Piazzolla đối với điệu tango đã khiến ông trở thành một nhân vật gây tranh cãi trên chính quê hương mình. Buenos Aires có một câu phương ngôn cổ “Mọi thứ đều có thể thay đổi, trừ tango”. Người ta đếm ô nhịp trong các bản nhạc của ông và chỉ trích rằng đấy không thể là điệu tango. Tuy nhiên, ngày nay, thứ mà hầu hết các ban nhạc tango chơi và thứ mà hầu hết mọi người gọi là nhạc tango chính là “nuevo tango” của Piazzolla. “Tango mới” đã thay thế hình thức truyền thống để trở thành tiêu chuẩn!

Note: Yêu âm nhạc Astor Piazzolla, tôi từng viết một bài đoản thi về ông. Nếu muốn, bạn đọc có thể xem ở đây - 10 đoản thi cho nhạc sĩ

Astor Piazzolla - Las Cuatro Estaciones Portenas

 


Ảnh trên: From “From Tango (Lorne Wolk)

Không có nhận xét nào: