Thứ Tư, 20 tháng 3, 2024

Nghe nhạc và nghĩ lung tung


Thời gian gần đây tôi thấy mình làm biếng quá. Bản tính xưa nay đã lười mà giờ còn lười thêm gấp bội. Xong việc ở sở về đến nhà là tôi ngồi thừ ra, chẳng muốn làm gì! Mấy cuốn sách đang đọc dở dang cứ tiếp tục để dở dang như thế. Viết lách chẳng thấy hứng thú. Nhạc cũng chẳng buồn nghe, hoặc có nghe thì nghe nhảy cóc, được chăng hay chớ. Trước đây tôi có thói quen, hễ “dính vào” nhạc của một nhà soạn nhạc nào đó là bằng mọi giá phải bỏ thời gian nghe toàn tập, chí ít cũng là “toàn bộ” trong giới hạn những đĩa hát mà mình có thể tìm kiếm, sưu tập được. Giờ thì tôi nghe lung tung theo kiểu ngẫu nhiên. Thỉnh thoảng mở danh mục đĩa của mình lên nhắm mắt chọn đại lấy một số hiệu đĩa nào đó, nghe chán thì dừng, mở bài khác, cứ thế!

Tết Sài Gòn năm nay nóng như sôi tạo cảm giác mệt mỏi, gấp gáp, vội vàng. Cũng dịp Tết, gia đình tôi cùng gia đình 2 đứa em nổi hứng kéo nhau đi chơi: Ninh Thuận, Nha Trang rồi Đà Lạt. Chuyến đi cập rập, thiếu chuẩn bị nên lịch trình đơn điệu và gây mệt. Mỗi gia đình cứ lên xe là nổ máy chạy, đi mà chẳng định trước được là sẽ tới những đâu. Hôm rời Nha Trang lên Đà Lạt, dừng xe trên đỉnh đèo Khánh Lê nhìn những đám mây mù kéo nhau hết núi cao sang lũng thấp, khi dồn tụ khi tan loãng, thản nhiên như vẫn bay vậy từ hồng hoang đến tận bây giờ, bất giác nghĩ đến cái chớp lóe ngắn ngủi và vô nghĩa cuộc đời mình, cuộc đời con người nói chung trước vĩnh cửu. Cái nhịp điệu và chuyển động chập chùng ấy, nơi sâu thẳm, như thể đột nhiên hé lộ sự hiện diện của một kẻ dấu mặt nào đó, là nguyên do của mọi nguyên do, đang bỡn cợt ghẹo trêu sự vô nghĩa đến cực cùng của tồn tại con người. John Luther Adams có một nhạc phẩm khá thú vị về những đám mây chìm nổi nơi cao xanh kia: “Clouds of Forgetting, Clouds of Unknowing”. Tác phẩm dựa trên một văn bản Cơ đốc giáo thời Trung cổ có cùng tên gọi, nội dung hướng dẫn con người cách thức tu tập cầu nguyện từ bỏ cái tôi chủ quan bé mọn để có thể xuyên qua mây mù của sự vô minh tìm được sự hiệp thông với Thượng đế. Buổi sáng đứng nghe gió reo trên đỉnh đèo mây phủ lạnh buốt ấy, loáng thoáng trong tâm tưởng tôi là câu thơ của T.S. Eliot mà Adams đã dùng làm đề từ cho tác phẩm âm nhạc mang đầy tính chiêm nghiệm của mình: “We must be still and still moving/ Into another intensity/ For a further union, a deeper communion/ Through the dark cold and the empty desolation”. Người ta có thể nhìn thấy được cái hư ảo bên trong những cái hư ảo hay không?

Nghe nhạc lung tung theo kiểu ngẫu nhiên cũng có cái thú. Chẳng khác mấy với việc nhảy đại lên một chuyến tàu lao thẳng vào vô định, ta sẽ không bao giờ biết được con xúc xắc ta vừa gieo sẽ đưa ta đến với xứ sở nào, vùng đất nào của thế giới âm thanh. Chuyến đi ấy có thể thú vị mà cũng có thể chán phèo, tùy may rủi. Người ta bảo, mỗi cuộc đời - chẳng gì khác - chính là một tổng hợp của những sự kiện tình cờ, những lựa chọn hú họa, mù lòa, bất quy tắc. Để sự ngẫu nhiên dẫn dắt cả trong những thú vui tiêu khiển mà hạn hẹp cuộc đời lẽ ra ta được quyền lựa chọn, có vẻ như thêm một lần nữa ta để tất tật đời ta cho rủi may định đoạt! Bỗng dưng nhớ một kỷ niệm dù chẳng mấy liên quan đến chuyện nghe nhạc lung tung theo kiểu ngẫu nhiên. Thập niên 1980, thời còn say mê với thú chơi đĩa nhựa, có lần tôi mua được ở chợ trời đồ cũ vỉa hè một mớ gần hai chục đĩa nhạc cổ điển còn tốt nguyên với giá rẻ đến bất ngờ. Một gia đình nào đó đã sơ ý để đám đĩa hát của mình bị mối xông, không chỉ bao bì mà cả nhãn dán trên mặt đĩa cũng gần như bị đám ác trùng ăn sạch! Ngoài vài mẩu nhãn còn sót lại trên một số đĩa mà nội dung mất trước mất sau, phải vừa đọc vừa đoán, đám đĩa “hoàn toàn trần trụi” theo đúng nghĩa nhất của cụm từ này! Thời đó, chưa có khái niệm internet, sách vở tài liệu gì cũng không, để nhận diện được mớ đĩa chỉ có thể dựa vào hiểu biết và trải nghiệm nghe cụ thể của từng cá nhân. Đám đĩa này, trừ những đĩa có tính phổ thông của Mozart, Beethoven, Schubert hoặc Tchaikovsky, hầu hết tôi phải nhờ anh K - một “chuyên gia” có kiến văn rộng và am tường nhạc cổ điển tôi quen khá thân trong giới sưu tập đĩa hỗ trợ. Tuy vậy, vẫn còn khá nhiều bản nhạc anh lắc đầu bảo chịu thua, “phong cách âm nhạc này mình chưa nghe bao giờ, có lẽ của các nhạc sĩ đâu đó khu vực Đông Âu Slav”. Anh nói để anh nhờ thêm vài người bạn xem thử thế nào. Tôi OK, rồi quên bẵng đi. Cuộc sống ngày càng bận rộn, mọi thứ cứ tuồn tuột trôi về phía quá khứ: những người quen cũ, những thú vui cũ, những đam mê cũ, cả tuổi trẻ nữa... Thoắt một cái thì đã hơn ba chục năm! Mở danh mục đĩa số được sắp xếp kỹ càng theo tên tác giả, tác phẩm, số hiệu đĩa trên máy tính, tự nhiên nghĩ đến mớ đĩa vô-danh-tính ngày xưa. Chẳng biết những chiếc đĩa tôi đưa anh K năm nảo năm nao có còn tồn tại? Và âm nhạc nằm trong những chiếc đĩa bị mất nhãn đó, anh đã nhờ bạn bè tìm lại được tên cho chúng hay chúng vẫn mỏi mòn đợi người mắt xanh chạm đến, nhận ra và gọi đúng tên gọi cho mình?

Một người bạn cùng khóa sáng tác ngày xưa ở nhạc viện có lần vào blog của tôi đọc bài rồi để lại comment, đại khái bảo, thời buổi này mà còn nhạc nhiếc mơ màng mộng mị trên mây được sao? Đó là một nhận xét hơi lạ lùng và nhuốm vị cay đắng, đặc biệt với người cũng từng một thời “nhạc nhiếc mơ màng” như cô bạn tôi. Dù vậy, tôi không ngạc nhiên cũng chẳng cảm thấy bị thương tổn hoặc buồn lòng gì vì câu nhận xét đầy vẻ khiêu khích đó. Khi một xã hội ngày càng trở nên dung tục, hỗn loạn, thiếu vắng ý nghĩa, thiếu vắng cái đẹp, sự trống rỗng ghê rợn trong tâm hồn con người sẽ được che chắn, ngụy trang và hợp thức hóa bằng lớp bình phong của cái được gọi là tính thực tế. Tính thực tế (mà ngày nay đa phần đã biến thành thực dụng) thậm chí sẽ trở thành một lối sống, một niềm tin, một thứ tôn giáo được truyền bá, gieo rắc và nhanh chóng lây lan trong mọi biểu hiện của đời sống xã hội; và, người ta sẵn sàng xem là không hợp lý tất cả những gì ngược lại với thứ đặc tính đã mặc nhiên biến thành quy chuẩn sống đó. Nơi thâm tâm tôi luôn muốn nghĩ rằng, cô bạn tôi trong lúc xuất kỳ bất ý bực tức, hoặc giả chỉ vì muốn đùa ghẹo tôi mà buông lời như vậy. Đối với những kẻ đã từng yêu thích và tôn sùng nghệ thuật, chẳng gì bi thảm cho bằng sự vỡ mộng và sụp đổ niềm tin vào những thứ mà một ngày họ chợt nhận ra rằng, những thứ đó - thứ nghệ thuật mà họ yêu thích và tôn sùng đó - hóa ra chưa từng cứu rỗi được cho ai, chưa từng hoán cải được bất cứ cái gì, điều gì cho cái thế giới mà họ đang tồn tại. Như người cố gắng lấp đầy vũ trụ của mình bằng những bóng ma chỉ để không phải sống một mình, một ngày bỗng chợt nhìn ra sự vô vọng của việc mình làm...

Stefan Zweig có một truyện ngắn rất buồn kể về một nhà sưu tập nghiệp dư sở hữu bộ sưu tập khổng lồ những phiên bản tranh khắc vô giá của Rembrandt, Mantegna, Durer... Chiến tranh, lạm phát, túng quẫn đã buộc vợ con ông phải dần hồi bán sạch số tranh ấy để sống, thế nhưng nhà sưu tập già mù lòa không hề hay biết gì cả. Hàng ngày ông vẫn đắm chìm trong thế giới mộng ảo của riêng mình, vẫn tiếp tục mân mê, sờ mó, nâng niu những-bức-tranh ông sưu tập được mà không biết rằng giờ đây chúng đã bị tráo bằng những tờ giấy trắng! Đỉnh điểm của tấn bi kịch là khi ông già mù tội nghiệp mang “bộ sưu tập vô hình” (1) của mình ra rồi lần lượt từng bức một, hãnh diện khoe với khách đến thăm... Than ôi! Cuộc đời chẳng thiếu gì những trạng huống thê lương như vậy! Không phải hàng ngày ta vẫn thấy quanh ta những kẻ chỉ sống bằng cái vang bóng của vàng son đã mất, những kẻ tự dựng ảo ảnh và tự lừa mình vào ảo ảnh đấy sao? Tệ hơn, hàng đống người vẫn chấp nhận che mắt bịt tai chịu bị lừa và tiếp tục hoan hỉ sống dưới cái bóng của một thứ lý tưởng nào đó đã mất, đã bị đánh tráo. Bọn họ thì khác gì ông già mù thảm hại kia của Zweig? Cái đẹp thì hư phù. Cioran viết: “Mọi lý tưởng về cái đẹp đều bao hàm một lượng ảo ảnh không đong đếm được”. Nghệ thuật cũng là một trò lừa mị tung hứng cái đẹp ảo ảnh. Một trong những lý do con người tạo nên nghệ thuật có lẽ nhằm dựng lên cho mình một thứ sương mù giúp che lấp bớt những xấu xa ô nhục của thế giới thực tại. Xem ra cái đẹp là để bịt mắt, chẳng cứu giúp cứu vớt cứu rỗi cho cái quái gì được cả! Đám nghệ sĩ rỗi hơi tự dựng nên những thành vách ảo ảnh cho chính mình nhưng đồng thời cũng vô tình tạo ra những ảo tượng cho những khách bộ hành đi ngang sa mạc của mình, thế thôi!  

Nghe nhạc lung tung ngẫu nhĩ đưa tôi bất chợt nhảy từ Lera Auerbach sang James Tenney, từ Gosta Nystroem đến Kimmo Hakola rồi lại thình lình từ Michael Torke ngược về Friedrich Cerha. Cái thú lớn nhất của kiểu nghe này là sau một tác giả với một phong cách âm nhạc, gần như chắc chắn ta sẽ được đổi sang một tác giả khác với một phong cách khác mà đôi khi, khác biệt nhau trời vực. Tuy vậy, hạn chế lớn nhất của việc nghe lung tung cũng ở chỗ này, bởi nghe một tác giả thông qua chỉ một tác phẩm có khi chỉ là xem xét một cái chân voi! Tuần này, lựa chọn ngẫu nhiên trong danh mục đĩa dẫn tôi quay lại với Bern Alois Zimmermann và “Stille und Umkehr” - một soạn phẩm cho dàn nhạc dài 10 phút trên nền tảng của chỉ một nốt Ré. Người ta bảo nhạc phẩm được Zimmermann sáng tác lúc bị giam trong bệnh viện vì căn bệnh trầm cảm - chỉ vài tháng trước khi ông hoàn thành tác phẩm cuối cùng đầy u tối “Tôi quay lại nhìn thấy mọi nỗi bất công diễn ra dưới ánh mặt trời”, rồi tự sát (2). Kiên trì đến lạnh lùng, quyết tâm đến chai sạn, âm Ré của bản nhạc hệt một “cuộc người” cứ lầm lũi đẩy mình về phía trước trong tiếng gõ nhịp bất định của trống lẫy (snare drum) từng hồi hối thúc và những vệt âm hình giai điệu của các nhóm nhạc cụ như ảo ảnh lúc xa lúc gần chập chờn dẫn dụ. Đấy là một hành trình cam chịu, cam chịu cho đến khi tàn cuộc. Con người, có cần tiếp tục chăng cuộc tìm kiếm, dọ hỏi, truy vấn muôn đời ấy, nếu như từng có một điều gì đó có ý nghĩa hơn, tốt đẹp hơn đã được tìm thấy? Chao ôi, trong cái oi bức khó chịu của mùa khô đến sớm, trong sự lười biếng chưa có điểm dừng và gần như bất tận, có cảm tưởng tôi là một con nhện đang treo mình sát mí vực hư vô vẫn không ngừng giăng mắc buộc ràng và lừa mị mình bằng những trò ảo mộng dẫu thừa biết những rối rắm tào-lao-xịt-bộp ấy chẳng để làm gì, chẳng thể cứu vãn được gì cho sự vô nghĩa đến mười mươi của tồn tại đời mình. Nhưng biết phải làm gì bây giờ nhỉ?...
Trần Thanh Sơn (3.2024)


(1) Stefan Zweig (1881-1942) là một nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng người Áo. Năm 1934, Hitler lên nắm quyền tại Đức, Zweig rời Áo Anh, rồi Hoa Kỳ, Brasil. Trong tâm trạng cô đơn và mệt mỏi vì cuộc sống lưu vong, tháng 2.1942 Stefan Zweig và vợ đã cùng nhau tự sát. Truyện ngắn kể trên của Stefan Zweig cũng có tên “Bộ sưu tập vô hình”.
(2) Bernd Alois Zimmermann (1918-1970): Nhà soạn nhạc người Đức, được biết đến nhiều với vở opera “Die Soldaten”, được xem là một trong những vở opera quan trọng nhất của Đức thế kỷ XX. Tác phẩm u ám “Ich Wandte mich und sah an alles Unrecht das geschah unter der Sonne” (dựa trên Sách Truyền đạo) được ông hoàn thành trước khi tự sát đúng 5 ngày.

Ảnh trên: From “Pastel P.1961.41 (Hans Hartung)

Không có nhận xét nào: