Thứ Năm, 29 tháng 8, 2024

Bay chậm rãi và hát thật lâu...


Ngắn đến không thể ngắn hơn được nữa, thường xuyên được thu hẹp xuống tới mức độ của một khoảnh khắc, thời lượng chỉ vài mươi giây hoặc xấp xỉ một đôi phút trong một không gian cũng giới hạn như vậy - cô đọng bởi một số rất ít ỏi nốt nhạc, những mảnh vụn ấy, dù vậy, vẫn lấp lánh tỏa ánh sáng kỳ lạ của một thứ đá quý, vẻ sâu thẳm vô ngôn của những khoảng lặng trong hài cú Nhật Bản, vẻ ẩn mật của một công án thiền, sự chói loá bạo liệt của những vì sao vỡ hoặc màu tối đen của không gian vô tận nín bặt hư vô...“Tôi thường trực nhận thức được rằng, một nốt nhạc là gần như đã đủ”, György Kurtág - tác giả của những khoảnh khắc âm nhạc cực ngắn ấy, người được xem là một trong những nhân vật cuối cùng còn sót lại của thế hệ các nhà soạn nhạc hậu chiến tiêu biểu nhất của phong trào tiền phong châu Âu thế kỷ 20 từng có lần phát biểu về những sáng tác của mình như vậy. Một nốt nhạc là đủ để tóm tắt bản chất của một một sự kiện, một cử chỉ, một trạng huống, một cảm xúc, niềm vui sóng trào, tiếng thét gào tuyệt vọng hay nỗi lòng câm nín buông xuôi...

Nổi tiếng muộn. Mãi đến tuổi 55 György Kurtág mới được giới nhạc sĩ và công chúng âm nhạc cổ điển thế giới biết đến khi tác phẩm “Messages of the Late Miss R.V. Troussova” soạn cho giọng nữ cao và dàn nhạc thính phòng của ông lần đầu tiên được giới thiệu và gây tiếng vang lớn ở Paris năm 1981. Dù đã có một gia tài kha khá những sáng tác mà trong đó không ít tác phẩm được các nhà phê bình ngày nay xem là quan trọng và nổi bật, nhưng thời điểm đó, như một thổ lộ của Pierre Boulez - biểu tượng số 1 của nền âm nhạc đương đại Pháp và là người đã cầm đũa chỉ huy buổi biểu diễn tác phẩm Kurtág ở Paris - thú nhận, khi đọc bản nhạc của ông, Boulez đã tưởng Kurtág là một nhà soạn nhạc trẻ tài năng nào đó: “Tôi thậm chí còn chưa từng nghe tên anh ấy bao giờ!”.

Sinh năm 1926 tại Lugoj, Romania trong một gia đình Hungary gốc Do Thái, từ 5 tuổi Kurtág đã được học piano và thường chơi đàn song tấu cùng với mẹ. Năm 13 tuổi, mơ ước trở thành nhạc sĩ, Kurtág bắt đầu theo học âm nhạc một cách bài bản hơn tại Timisoara. Những bài học sáng tác và piano giai đoạn này đã dẫn ông đến với âm nhạc Bartók - thứ âm nhạc mà Kurtág yêu thích và sẽ chịu ảnh hưởng dài lâu như ông từng phát biểu một cách ẩn dụ: “Tiếng mẹ đẻ của tôi là Bartók, và tiếng mẹ đẻ của Bartók là Beethoven”. Năm 1945, Kurtág dự thi vào Học viện âm nhạc Budapest. Ông học sáng tác với Sándor Veress và Ferenc Farkas, nhạc thính phòng với Leó Weiner, piano với Pál Kadosa; đây cũng là nơi ông gặp vợ mình - Marta Kinsker, người trong 72 năm trời sẽ luôn kề vai sát cánh cùng ông cho đến khi qua đời vào năm 2019, và György Ligeti - bạn đồng môn và cũng là bằng hữu thân thiết nhất của ông.

Kurtág tốt nghiệp chuyên ngành piano và nhạc thính phòng năm 1951 trước khi nhận bằng xuất sắc về sáng tác năm 1955. Tuy vậy, học viện âm nhạc không phải là nơi có thể biến tất cả mọi người trở thành những nhà soạn nhạc nổi tiếng. Cho đến lúc ấy các sáng tác của Kurtág chỉ mới bao gồm một vài ca khúc quần chúng, một số tiểu phẩm cho piano, một cantata (thể hiện sự ủng hộ dành cho Bắc Hàn trong cuộc chiến Triều Tiên!) và một hòa tấu khúc soạn cho viola và dàn nhạc còn mang đậm dấu ấn Bartók. Cũng cần nhắc lại, từ năm 1948 đến 1953, trong bối cảnh các quốc gia Đông Âu dưới tầm kiểm soát của Liên Xô chạy theo chính sách văn hóa Zhdanov bắt đầu kiểm duyệt khắc khe mọi hoạt động nghệ thuật và buộc văn nghệ sĩ phải đi vào quỹ đạo của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Dù tỏ ra không quan tâm đến những cuộc chiến trên chiến hào ý thức hệ và im lặng chịu đựng sự trói buộc, nhưng những tác phẩm sáng tác theo “định hướng nhà nước” của Kurtág ở giai đoạn này sau đó đều bị ông từ bỏ. Từ năm 1957 đến 1958, sau cuộc nổi dậy Hungary 1956, Kurtág có cơ hội được đến Paris tham dự các khóa học với Olivier Messiaen và Darius Milhaud. Cũng thời gian ở Paris, được xem là hậu quả muộn của các sang chấn tâm lý ngấm ngầm trong tâm hồn do tác động của những dồn ép về chính trị như đã kể ở trên, Kurtág bị trầm cảm nặng. “Tôi nhận ra đến mức tuyệt vọng rằng không có điều gì tôi từng tin đã cấu thành nên thế giới là đúng” - khủng hoảng niềm tin, khủng hoảng nghệ thuật và gần như không thể sáng tác được nữa, ông phải tìm đến điều trị với nhà trị liệu tâm lý nghệ thuật Marianne Stein.

“Hãy bắt đầu trở lại từ con số không”, Marianne Stein đã giúp Kurtág hồi sinh. Bà khuyến nghị ông thử làm việc với những hình thức âm nhạc đơn giản, ngắn gọn, các đoạn nhạc nhỏ với số lượng nốt nhạc được tinh giản, được giảm thiểu triệt để. Thực hành giản lược này đã giúp Kurtág thoát khỏi lối tư duy âm nhạc hùng biện sáo rỗng mà ông bị bao quanh và vô tình hấp thụ ở Hungary cộng sản, đồng thời cũng giúp ông tìm được lối đi mới. Như Kurtág thường nói, sau này: “Người ta có thể tạo ra âm nhạc từ gần như không có gì”, với những khơi gợi từ Stein (và chắc chắn, là sự nghiên cứu của riêng ông đối với âm nhạc Webern), Kurtág bắt đầu viết trở lại, một cách trì trọng - từng nốt nhạc, những mẩu nhạc cực ngắn, những mảnh vụn có thể chứa đựng cả thế giới cảm xúc chỉ bằng đôi nét phác. Tứ tấu đàn dây sáng tác năm 1959 sau khi trở về từ Paris đánh dấu bước ngoặt quan trọng này. Như để đoạn tuyệt với quá khứ, Kurtág đánh số tác phẩm là Opus 1 và dành tặng nó cho Stein. Với nhạc đề ngắn, sắc nét, hiệu ứng và tác động của từng nốt nhạc được tối đa hóa về mặt biểu cảm, 6 chương nhạc nhỏ như 6 mảnh thủy tinh bén nhọn được xâu thành một xâu chuỗi đặc dị gần như tách biệt khỏi mọi khuôn mẫu âm nhạc từng có: một hợp thành giữa cô đọng Webern và nhịp nhàng Bartók, giữa tiết chế và sự thái quá, nín lặng với ầm vang, hóa băng và cuộn chảy, bùng cháy với lấp chìm nguội lạnh... Bút pháp và lối kết cấu này từ đây sẽ trở thành khuôn mẫu cho hầu hết các sáng tác của Kurtág, kể cả những tác phẩm có quy mô lớn viết cho dàn nhạc sau này

Là người thông thạo nhiều thứ tiếng và có thể tiếp cận văn chương của Hölderlin, Blok, Kafka, Akhmatova, Celan, Beckett... ngay trong nguyên bản, Kurtág cũng khám phá và vận dụng được những nét đặc sắc riêng trong biểu đạt ngữ âm của từng ngôn ngữ vào cú pháp âm nhạc của mình, cụ thể là với các sáng tác thanh nhạc - loại hình chiếm tỉ trọng lớn trong danh mục sáng tác của Kurtág. Những câu thơ ngắn, những đoản thi, đoản ngôn trích xuất từ văn chương của các tác giả mà ông yêu thích được lựa chọn “đặt để” vào trong nhạc phẩm một cách sáng tạo, độc đáo, tương hợp với bút pháp ngắn gọn mang tính chất “cách ngôn” của ông. Có thể nhận thấy rõ điều này từ tác phẩm lớn đầu tiên mang dáng dấp bi kịch “The Sayings of Peter Bornemisza” viết cho giọng nữ cao và piano, bao gồm những câu nói trích từ các bài giảng của nhà truyền giáo Bornemisza thế kỷ 16; hay “Kafka Fragments” với 40 đoản khúc soạn cho giọng nữ cao và violin, lời ca được trích từ các bài viết, nhật ký và thư từ của Franz Kafka. Âm nhạc sáng tác cho giọng hát của Kurtág, nơi sâu thẳm, luôn hàm chứa nỗi buồn, vẻ khắc khoải và u tối khác thường. Hệt những tia chớp bất chợt chỉ làm hé lộ đường đi trong thoáng chốc, trong mê cung mụ mị những khúc hát ngắn ngủi của ông, người nghe sẽ thấy mình bị bỏ lại trong bóng tối, lạc lối một mình nơi những ngóc ngách tối tăm nhất của tâm hồn, và thứ âm nhạc ấy, hóa ra chẳng soi sáng, chẳng chỉ đường, hay tiết lộ với họ một điều gì cả: “Trong tấm chăn tuyết lạnh/ Một người lữ khách gọi: Nỗi buồn”, “Nước đặc lại, đông cứng thành băng/ và tội lỗi của tôi, tụ thành cái chết”, “Ngủ, thức, ngủ, thức/ Cuộc đời khốn khổ”, “Không có gì giống vậy”, “Những người chứng kiến đứng im sững/ khi tàu đi qua”... (1) 

Nói đến âm nhạc Kurtág, không thể không nhắc tới Játékok (Trò chơi) - một tập hợp các tác phẩm piano ngắn thoặt kỳ thủy được sáng tác vì mục đích sư phạm. Như Kurtág chia sẻ: “Játékok được gợi ý từ những đứa trẻ chơi đàn một cách tự phát, những đứa trẻ mà đối với chúng, đàn piano vẫn chỉ là một món đồ chơi. Chúng thử nghiệm với đàn, sờ mó, gõ, lướt những ngón tay trên đàn. Chúng chồng những thanh âm có vẻ chẳng liên quan gì lên nhau, và nếu điều này tình cờ khơi dậy bản năng âm nhạc của chúng, bọn trẻ sẽ xem xét, lặp lại một cách có ý thức những hợp âm chúng tình cờ tìm thấy...” (2), có thể xem Játékok là nơi để Kurtág thử nghiệm những ý tưởng mới, một chiếc kính vạn hoa mà qua đó âm nhạc được phóng chiếu với mọi hình thù kiểu dạng, miễn chúng mang lại cái đẹp, niềm vui, đánh thức được cảm xúc và khả năng trải nghiệm của mọi người (3). Đây cũng có thể xem là một thứ nhật ký bằng âm thanh, một loại sổ tay ghi lại những cảm nhận của ông về âm nhạc, những bình giải, hoặc giả, lời tri ân đến những cá nhân đã gây dấu ấn hoặc có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc đời ông. Tính từ lúc khởi bút - năm 1973, đến năm 2021, 10 tập sách (với khoảng 500 tác phẩm cho piano độc tấu, piano 4 tay và 2 piano) đã được xuất bản. Játékok thường được Kurtág và vợ ông - Marta, trình diễn cùng nhau. Khán giả yêu nhạc cổ điển đương đại có lẽ sẽ còn nhớ tới rất lâu hình ảnh cặp vợ chồng tuổi 80 với mái tóc ngắn màu xám bạc mà cử chỉ trìu mến họ dành cho nhau khi chơi đàn giống như thể toàn bộ thế giới đã tan biến hết, chỉ còn lại họ và những thanh âm diệu kỳ của âm nhạc!

Kể từ tác phẩm Kurtág tự coi là đầu tay, Tứ tấu đàn dây Op.1 sáng tác năm 1959 - vẫn với sự tiết chế ấy, chầm chậm dằng co với từng nốt nhạc - một danh mục không nhỏ các nhạc phẩm từ cho giọng hát, hợp xướng, độc tấu, đến hòa tấu nhạc cụ và dàn nhạc đã được ông hoàn thành. Dẫu tựu trung chỉ yêu thích các nhóm nhạc nhỏ mang tính chất thính phòng, các hình thức và cấu trúc ngắn gọn, hiếm khi viết tác phẩm lớn cho dàn nhạc (4), thế nhưng năm 2018, nhà soạn nhạc ở tuổi 92 đã gây kinh ngạc khi cho ra mắt thành công sáng tác opera đầu tiên của mình dựa trên vở kịch “Endgame” nổi tiếng của Samuel Beckett (5). Gần như lập tức được giới phê bình đánh giá là kiệt tác, một kết hợp hoàn hảo giữa vẻ đẹp dị thường của âm nhạc Kurtág và sự hài hước đen tối đẫm sắc màu phi lý của Beckett, vở nhạc kịch dài gần hai tiếng đồng hồ và diễn liền mạch không nghỉ giải lao này đã thu hút người hâm mộ toàn cầu và được dàn dựng biểu diễn gần như tại tất cả các nhà hát opera lớn trên khắp các châu lục.  

Như tên một đoản khúc đầy nét tự sự của Kurtág: “Bay chậm rãi và hát thật lâu, con thiên nga hấp hối của tôi, ký ức tươi đẹp của tôi!...” (6), nhà soạn nhạc 98 tuổi, người vừa nhận Giải thưởng Wolf cho Âm nhạc năm 2024 với lời tán dương “vì sự đóng góp của ông cho di sản văn hóa thế giới” có sẽ còn đủ kiên trì để tiếp tục hành trình cất tiếng hát cho cái vẻ đẹp bi thảm mong manh của tồn tại con người trước sự tàn phá và hủy diệt không ngừng của thời gian, của sự lãng quên và nhất là - của chính họ? “Tôi tự nhủ rằng trái đất này đã tắt ngóm, mặc dù chưa bao giờ tôi thấy nó được thắp sáng lên”, nhân vật Clov ở gần cuối vở opera của Kurtág đã thốt một cách buồn thảm như vậy. Than ôi! Thứ âm nhạc của nỗi sầu u nghi ngút đó, thứ âm nhạc của đắng cay, chua chát và tuyệt vọng đó, trong cái thế kỷ dường như lại tiếp tục được trang hoàng bởi máu xương, khổ đau và nước mắt này - liệu có vẫn tiếp tục là lời phủ dụ thích hợp nhất dành cho tất cả chúng ta?
Trần Thanh Sơn (8.2024)


(1) Các đoản ca trích từ tác phẩm “Scenes from a Novel” Op.19, “Attila Jozsef Fragments” Op.20 và “Kafka Fragments” Op.24 của Kurtág.  
(2) Lời mở đầu của Kurtág dành cho các ấn bản Játékok” từ Volume 1 đến Volume 4.
(3) Játékok có nhiều tác phẩm rất lạ, chẳng hạn “Prelude and Waltz in C major” được viết chỉ với một nốt Đô, “Perpetuum Mobile” giản đơn là một glissando, hoặc “Flowers We Are, Mere Flowers” với cú đánh bằng lòng bàn tay, người chơi piano không cần lo lắng về việc phải gõ đúng phím mà chỉ cần tập trung vào chuyển động và biểu cảm.
(4) Tác phẩm có quy mô lớn viết cho dàn nhạc đầu tiên của Kurtag là Stele” (1994) sáng tác theo đơn đặt hàng của Berlin Philharmonic Orchestra và nhạc trưởng Claudio Abbado; tác phẩm quy mô lớn tiếp theo là “...Concertante...” - một double concerto cho violin, viola và dàn nhạc, đặt hàng của Dàn nhạc Giao hưởng Đài phát thanh Đan Mạch.
(5) Vở kịch của Beckett ban đầu được viết bằng tiếng Pháp (có tựa đề Fin de partie) sau đó được chính tác giả dịch sang tiếng Anh và trình diễn lần đầu tiên tại Nhà hát Royal Court ở London tháng 4 năm 1957. Đánh giá buổi ra mắt vở kịch, nhà phê bình sân khấu Kenneth Tynan cho rằng vở kịch quá ảm đạm, “làm xấu đi bộ mặt của nhân loại” (Tuần báo The Observer, 7.4.1957) và diễu cợt ví các nhân vật của vở kịch với “những giáo hoàng la hét” - chủ đề của những bức tranh đang nổi tiếng và được họa sĩ Francis Bacon thực hiện trong suốt những năm 1950 và đầu 1960. Kurtág đã xem vở kịch này ở Paris trong cùng năm, và như ông cho biết: “Tôi hầu như không hiểu gì khi xem vở kịch. Nhưng sau đó tôi đã mua hai ấn bản Endgame và Godot, và chúng đã trở thành kinh thánh của tôi”.
(6) “Fly slowly and sing for long, my dying swan, my fair memory!...” - tựa đề của đoản khúc No.7, “Játékok” Volume 10 xuất bản năm 2021.


Note 1: Để có thể hình dung ra một mảnh vỡ âm nhạc của Kurtág, bạn đọc có thể tham khảo hình bên dưới (trích từ Tứ tấu đàn giây Op.28 “Officium Breve in memoriam Andreae Szervánszky” của ông) Tác phẩm có mười lăm chương, nhưng do cách diễn đạt cực kỳ cô đọng của Kurtág, tổng thời lượng của tác phẩm chỉ kéo dài khoảng mười một phút. Một số chương, chẳng hạn như chương đầu tiên này (dành cho cello độc tấu), chỉ có 3 trường canh và thời lượng kéo dài chỉ hơn chục giây:



Note 2: Nhân nói về những mảnh nhạc cực ngắn của Kurtág, tôi cứ đinh ninh rằng sáng tác của Kurtág có lẽ giữ kỷ lục là những tác phẩm âm nhạc có độ dài thuộc loại ngắn nhất trong lịch sử âm nhạc cổ điển. Hóa ra không phải! Một bình chọn trên mạng cho thấy đoản ca ngắn nhất của ông - “Nakedness” (trích từ “Scenes from a Novel” với trình diễn của giọng soprano Adrienne Csengery) có thời lượng 13 giây, chỉ chiếm giữ vị trí thứ hai. Vị trí ngắn nhất (thật đáng kinh ngạc!) thuộc về “tổ sư gia” Beethoven với Bagatelle in A major No.10 Op.119 qua tiếng đàn của dương cầm thủ người Mỹ Stephen Kovacevich: chỉ 12 giây! Còn với nhạc nhẹ, pop-rock v.v..., bài hát siêu ngắn thuộc về nhóm nhạc grindcore “Napalm Death” với ca khúc “You Suffer” có độ dài... 1,316 giây! Lời bài hát chính thức gồm bốn từ là: “Bạn đau khổ, nhưng tại sao?”. Được biết, tháng 3 năm 2023, Tạp chí “Rolling Stone” đã xếp hạng bài hát này ở vị trí thứ 72 trong danh sách “100 bài hát Heavy Metal vĩ đại nhất mọi thời đại”.

Note 3: Tôi chỉ collection được khoảng hơn chục đĩa Kurtág, tuy vậy khá đầy đủ những tác phẩm có thể được xem là chính yếu và quan trọng nhất của ông. Riêng vở opera Fin de partie” (có lẽ chưa được ghi âm và phát hành trên đĩa) nên chịu chết đành phải nghe và xem qua youtube! Nhạc Kurtág được phát trên trang này khá nhiều, nhưng các bạn quan tâm muốn nghe Kurtág ở định dạng âm thanh cao hơn có thể nhắn tin cho tôi, tôi sẵn lòng chia sẻ! 😊 


Ảnh trên: From “Painting December, 1959” (Pierre Soulage) 

Không có nhận xét nào: