Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2024

Lại nghe mưa


Mưa giấc khuya muộn, khi tôi đang nghe lưng chừng một tứ tấu dây của Bacewicz. Tiếng mưa rào rạt chạy trên mái nhà như thể chơi trò đuổi bắt, lúc xa xa ngoài hiên trước, lúc lại rộ lên đâu đó phía sau hè, ầm ào mấy đợt rồi bỗng ngưng bặt. Khi ta đinh ninh đấy có lẽ chỉ là một thoáng mưa mây thì đột ngột từ bốn phương tám hướng, mưa nhất loạt ào ào trút đổ. Tôi tắt nhạc rồi nằm với tiếng mưa rơi. 

Chẳng gì cổ xưa bằng hành vi nằm nghe mưa. Trần Dần viết, mưa rơi không cần phiên dịch. Mưa là linh hồn của vạn cổ, là vọng âm của thứ tiếng nói mà những cư dân vô hình của sự hủy diệt vốn hằng hữu cùng thế giới này từ khởi thủy vẫn dai dẳng thông qua những hạt mưa thì thào với con người quyền sở hữu của chúng đối với tất cả. Lắng nghe mưa có thể nhận thấy rằng vẻ bùa chú, mê hoặc của mưa không đến từ tiếng vỡ của các giọt nước khi chạm tới điểm rơi mà từ những khoảng lặng trùng trùng nối tiếp nhau trước đó. Sự kết hợp giữa tiếng động và những khoảng lặng cực ngắn này khiến cho tiếng mưa khác biệt hẳn với những biểu hiện âm thanh khác của nước, và nghe mưa, người ta như nghe lại được những vụn vỡ và cả những lặng im của dằng dặc cuộc đời đã qua của mình. Tôi nhớ những đêm mưa dầm trong căn nhà cũ nơi khu vườn hoang phế đầy những ao hồ lau sậy mà gia đình tôi cư ngụ đầu những năm 1980 ở vùng ngoại ô Sài Gòn. Tôi nhớ tiếng mưa gõ trên mái tôn cũ nát, nhớ vườn cây tối đen mùi đầm lầy cỏ mục, nhớ ánh điện vàng vọt của chiếc đèn bàn khi tỏ khi mờ và những vòng đĩa cũ Chopin đầy những tiếng lạo xạo vì trầy xước mà thi thoảng tôi mở lên như để hòa cùng giọng mưa lướt thướt, nhớ những trang vở học trò còn sót lại của thời trung học được tận dụng làm giấy kẻ nhạc cho những ca khúc tập tành đầu tay, nhớ những xào xạc mơ hồ của cây cối và lau lách (hay của đám rắn và những hồn ma vô danh sống lẩn khuất đâu đó trong khu vườn cô tịch?), cây guitar treo trên vách tường loang lổ vết ố, và nỗi cô đơn, nỗi cô đơn đến rợn người!...

Có thể làm gì với một đêm mưa nếu bất chợt thức giấc và không cách nào ru tiếp được mình vào giấc lỡ? Nằm nghe mưa, mụ mị đếm mưa đến hạt thứ một ngàn, một vạn, một triệu hay lầm bầm nguyền rủa tiếng nước và trờ dậy đi tới đi lui tới như một người mắc chứng mộng du? Cũng trong căn nhà vườn ngày xa xưa ấy, tôi nhớ có một đêm mưa trằn trọc mãi không ngủ được. Để dỗ cơn buồn ngủ, tôi rời giường định bụng sẽ tìm sách đọc. Phòng để sách vở và bàn viết của tôi vốn là một chái garage cũ không cửa sổ, chỉ có một cánh cửa gỗ lớn khi mở nhìn thông ra hướng cổng trước với khoảng vườn rộng um tùm cây cối và cỏ dại. Lần mò bật đèn mới hay là nhà đang mất điện. Không đọc được sách mà cũng chẳng muốn quay lại giường ngủ, tôi mở toang cửa rồi vào sofa nửa nằm nửa ngồi nhìn ra vườn đêm rả rích mưa. Không nhớ tôi cứ ngồi lơ mơ trong bóng tối như thế bao lâu cho đến khi đột ngột nghe lẫn trong âm mưa là tiếng nói cười văng vẳng vọng lại từ những rặng cây mù mịt ngoài bờ lau phía góc xa nhất của vườn nhà. Vùng ngoại ô Sài Gòn những năm ấy chỉ chín mười giờ đêm là đã nín bặt như bãi tha ma, nên vào lúc nửa khuya như thế, lấy đâu ra tiếng người? Tôi ngồi thẳng dậy, dõi mắt nhìn sâu vào khu vườn tối đen. Chẳng thấy gì ngoài tiếng lao xao có lẽ của một nhóm người có cả trẻ con đang sôi nổi trò chuyện. Không thể nghe ra họ đang nói gì nhưng những tiếng nói cười cứ lúc xa lúc gần qua lại dưới những tàng cây như thể bọn người ấy đang dạo chơi hoặc tìm kiếm một thứ gì đó trong vườn mưa đêm. Rồi trong một thoáng, tiếng lao xao bỗng tiến gần lại, hệt tất cả bọn họ cùng hướng về phía tôi ngồi và sắp sửa vén màn mưa lạnh chui ra khỏi những lùm cây sũng nước bước lên thềm cửa gian phòng đang để mở. Tôi nhắm mắt hít một hơi thở sâu cho đến khi nghe làn không khí đặc quánh mùi cỏ, mùi lá ướt thấm vào khứu giác và đánh thức lý trí của mình quay trở lại: vẫn chỉ là tiếng mưa rơi đều đều trên mái, trên lá cây và trên đất vườn đêm - còn tịnh không một bóng người. Cảm thấy lạnh, tôi vùng đứng dậy đóng cửa thật nhanh rồi vội vã trở lại giường nằm... Nhiều nhiều năm sau này khi gia đình tôi đã chuyển đến chỗ ở mới, có lần tôi nghe mẹ tôi bảo: “Căn nhà ấy đầy ma!”. Đêm nghe mưa thời tuổi trẻ đó, cho đến tận bây giờ khi nhớ lại tôi vẫn băn khoăn chẳng rõ đấy là một sự việc từng thật sự diễn ra hay chỉ là một ảo giác khi ta mất ngủ, một giấc mộng?

Vẫn chuyện nghe mưa, chuyện nọ lại xọ sang chuyện kia. Thời còn làm ở tổ hợp hóa dược của bà cô họ gần khu Cầu Sắt Dakao, tôi thường phải ngủ lại trực đêm ở đấy. Bạn bè biết nên cũng hay ghé chơi. Có lần ông M. chẳng rõ đi đâu về đạp xe tạt qua rủ tôi đi uống rượu với ông. Bữa đó mưa từ chập tối, dãy quán cóc đối diện chợ Dakao nước dột tứ tung. Bàn chúng tôi ngồi dù đã được đẩy sát vào bờ tường lở lói của con hẻm, dưới tấm bạt cũ, mưa vẫn nhỏ long tong quanh ghế. Như thường lệ, ông M. cứ tì tì nốc rượu, còn tôi (ngày ấy chưa quen bia rượu) chỉ thỉnh thoảng mới hưởng ứng tí chút cho ông đỡ buồn. Mưa lúc đậm lúc nhạt cứ đều đều rắc hạt. Lúc trò chuyện bâng quơ, tôi không nhớ đã buột miệng nói gì, đại loại có thể là tiếng mưa nghe buồn quá, hoặc, giờ này chỉ nằm nhà trùm chăn nghe mưa rồi ngủ là sướng nhất, mà ông M. đột ngột nổi cáu. Ông xì lên một tiếng, bảo mưa mà vui với buồn cái con khỉ gì, nằm-nghe-mưa là trò sến rện của mấy người không bệnh mà rên, cái gì mà “nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn”, thôi dẹp đi em! Một hồi, thấy tôi im lặng và tỏ vẻ cụt hứng, ông M. lãng sang chuyện khác. Rồi như để sửa chữa cho việc không dưng mà nổi cáu như thế, ông phân trần, chẳng hiểu vì sao tôi không thích tiếng mưa, có lẽ tiếng mưa làm tôi nhức đầu, tiếng mưa làm tôi khó ngủ, ông nói, cái đáng kể của mưa đúng ra phải là khả năng rửa trôi và tẩy xóa chứ chẳng phải là gợi sầu gợi nhớ gì cả, và ông cười khì, mưa xóa sạch dấu vết của bọn trộm đạo, làm khó các thám tử trong truyện trinh thám! Ông đọc tôi nghe bài thơ mà ông bảo là của Apollinaire: “Mưa rơi bằng giọng đàn bà như đã chết ngay cả trong ký ức”, giọng đọc của ông lẫn trong tiếng mưa cứ đều đều không dứt... Vậy mà đã nhiều chục năm trôi qua kể từ cái đêm mưa lây nhây đó. Ông M giờ đã phiêu diêu tận cõi trời nào. Bài thơ ông đọc tôi cũng chỉ nhớ được một câu loáng thoáng như vậy, và cũng chưa từng thử tìm kiếm truy nguyên xem có thật đấy là thơ Apollinaire không?

Có lần tôi mơ thấy mình trong một căn phòng trống, trước mặt là cửa sổ để mở. Trời đang mưa, tôi nghe tiếng mưa rào rào không dứt. Ngoài cửa sổ, những sợi mưa dày đặc bện vào nhau thành một tấm màn nước màu xám tro, trông như một tấm gương soi lớn nhòe nhoẹt ướt. Khi tôi bước lại gần, hóa ra đấy không phải cánh cửa mà quả thực là một tấm gương soi! Chẳng thấy gì trong tấm gương đó ngoài sự mờ mịt. Trong mơ tôi cứ liên tục tự hỏi mình rằng, đi đâu hết rồi những phản chiếu những soi rọi, đi đâu hết rồi những dáng hình mà ta tưởng rằng sẽ được nhìn thấy, đi đâu hết rồi những ngày tươi đẹp những gương mặt mà ta yêu thương và quý mến, mưa rửa trôi, mưa cuốn đi tất cả rồi chăng... Bao nhiêu cơn mưa đã bay ngang cuộc đời chúng ta? Bao nhiêu khuya muộn ta đã bất chợt thức giấc nằm nghe những giọt im lìm của đêm rơi xuống cái lòng giếng bí mật và vô hình của cõi lòng? Đâu là những giọt hân hoan của tuổi trẻ và niềm hạnh phúc? Đâu là những giọt của sầu u, của ly biệt và chia lìa? Có lẽ đúng như lời ông bạn tôi từng nói, khả năng đáng chú ý nhất của mưa chính là sự tẩy xóa. Con người cứ khăng khăng áp đặt cho ngoại cảnh và ngoại vật những thứ mà chúng chẳng hề là. Cái mà họ muốn nghe và nghe thấy, thật ra chính là tiếng lòng sâu kín của họ đấy thôi. Trong vương quốc của mưa, chẳng có vui, chẳng có buồn, chẳng có tuyệt vọng hy vọng gì sất! “Lưu đắc khô hà thính vũ thanh”. Vẫn chỉ tiếng mưa đó, câu bùa chú muôn đời nguyên thủy đó, sẽ thản nhiên rơi trên lầu đài cung điện quyền uy, trên nấm mồ bia đá lạnh rồi trên phế tích và cát bụi hoang vu... Rửa trôi, bôi xóa rồi hủy diệt, trên tất cả, mưa là sự lãng quên!

Có giấc mơ nào sẽ theo tiếng mưa tìm đến cùng tôi trong giấc ngủ đêm nay không? 
Trần Thanh Sơn (9.2024)


- “Lưu đắc khô hà thính vũ thanh”: Còn lại bên tai nghe được chỉ là tiếng mưa rơi trên sen tàn (Túc Lạc thị đình ký hoài Thôi Ung Thôi Cổn” - Lý Thương Ẩn).

Note 1: Thơ Đường nói chuyện nghe mưa có nhiều bài tuyệt diệu. Người yêu thơ có lẽ chẳng mấy ai không biết “Dạ vũ ký bắc” của Lý Thương Ẩn “Quân vấn quy kỳ vị hữu kỳ/ Ba Sơn dạ vũ trướng thu trì...” hay “Xuân hiểu” của Mạnh Hạo Nhiên “Dạ lai phong vũ thanh/ Hoa lạc tri đa thiểu”. Nhà soạn nhạc Mỹ gốc Hoa Chou Wen-chung có một sáng tác viết cho dàn nhạc khá thú vị dựa trên bài “Xuân hiểu” (lấy tên là “And the Fallen Petals” - bạn đọc muốn nghe thử có thể tìm thấy bản nhạc này trên youtube). Bản thân tôi không thích tác phẩm này lắm, vì có cảm giác nó hơi... tuồng! Nhạc mưa của Toru Takemitsu nghe thú vị hơn nhiều: Rain Spell, Rain Coming, hoặc Rain Dreaming. Riêng Rain Tree Sketche II soạn cho dương cầm (tưởng niệm Olivier Messiaen) của Takemitsu là một tuyệt phẩm!

Note 2: Thời tôi còn học trung học, tôi tin phải đến quá nửa số học sinh có trong sổ tay bài thơ nổi tiếng “Buồn đêm mưa” với “Tai nương nước giọt mái nhà/ Nghe trời nặng nặng nghe ta buồn buồn” của Huy Cận. Cũng thường có trong sổ là lời bài hát “Ngoài hiên mưa rơi rơi, lòng ai như chơi vơi...” của Trịnh Công Sơn; tên học trò nào thời đó biết móc guitar classic, chơi trémolo thành thạo bản nhạc này thì... mặt có thể vênh lên đến tận trời! (Tiếc rằng tôi chưa bao giờ đàn được bài này 😊).


Ảnh trên: From “De Hallbara Koordinationerna... North” (Carola Kastman) 

Không có nhận xét nào: