Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2024

Trần gian đến giỡn một hồi...


Hài hước, bỡn cợt, vui vẻ phá bỏ hết những quy ước truyền thống, vẻ nghiêm túc và trịnh trọng đôi khi thái quá trong văn hóa thưởng thức cũng như trình diễn nhạc cổ điển, hòa nhạc thường niên giới thiệu những tác phẩm “mới được phát hiện” của P.D.Q. Bach đã trở thành chương trình giữ kỷ lục liên tục bán hết vé tại các phòng hòa nhạc lớn ở Mỹ trong suốt... nửa thế kỷ qua! Đứng sau những buổi diễn hí lộng nhưng thành công kỳ lạ này là Peter Schickele - người tổ chức, nghệ sĩ trực tiếp biểu diễn và cũng chính là người đã công bố phát hiện nhà soạn nhạc bị lãng quên P.D.Q. (được cho là con trai út - đứa con kém cỏi nhất trong số hơn 20 người con của Johann Sebastien Bach vĩ đại) cùng các sáng tác phẩm chưa bao giờ được biết tới của ông.
 
Sinh năm 1935 tại Ames, Iowa (Mỹ), tốt nghiệp chuyên ngành âm nhạc Cao đẳng Swarthmore năm 1957, Schickele tiếp tục theo học sáng tác với Roy Harris, Darius Milhaud tại Aspen School, rồi với Vincent Persichetti và William Bergsma (1) tại Học viện nghệ thuật Juilliard. Sau khi nhận bằng thạc sĩ về sáng tác, ông tham gia giảng dạy tại Juilliard từ năm 1961 đến 1965 trước khi bỏ nghề thầy giáo để sống với tư cách một nhà soạn nhạc, một nghệ sĩ biểu diễn tự do. Là một tay bassoon tài năng, dương cầm thủ, nhạc trưởng và là nhà soạn nhạc xuất thân từ Juilliard danh giá, Schickele được giới âm nhạc hàn lâm công nhận là một trong những nhạc sĩ hàng đầu của trường phái âm nhạc Hoa Kỳ với hàng trăm tác phẩm viết cho dàn nhạc giao hưởng, hợp xướng, hòa tấu thính phòng, nhạc cụ độc tấu... được nhiều hãng đĩa lớn ghi âm và phát hành. Schickele còn viết nhạc kịch cho sân khấu Broadway, soạn nhạc cho nhiều bộ phim của Hollywood và từng trực tiếp phối khí cho 3 album của ca sĩ Joan Baez huyền thoại... Trong lĩnh vực phát thanh ông cũng có nhiều đóng góp nổi bật. Chương trình phát thanh công cộng “Schickele Mix” do ông chủ trì thực hiện với mục đích giới thiệu, quảng bá âm nhạc cổ điển trong đại chúng được phát sóng rộng rãi trên toàn nước Mỹ và đã giành được Giải thưởng Deems Taylor của ASCAP. Tuy vậy, nói về Schickele, sẽ là hoàn toàn thiếu sót nếu không nhắc đến nhân vật P.D.Q. Bach cùng chương trình hòa nhạc đạt thành công kỳ lạ vừa được đề cập ở trên.

Xuất phát từ một trò đùa vui với bạn bè là diễn tấu các bản nhạc cổ điển theo lối hài hước diễu nhại, Schickele đã biến trò chơi này thành những buổi hòa nhạc mùa hè cho nội bộ sinh viên, giảng viên ở Aspen và Juilliard. Trong vai một nhà nghiên cứu tình cờ khám phá ra P.D.Q. cùng di sản âm nhạc của ông vốn bị các thành viên khác trong gia đình Bach che dấu, không thừa nhận vì cho rằng đó là nỗi xấu hổ lớn đối với tên tuổi của họ, Schickele đã mang đến cho người dự khán sự bất ngờ thú vị trước những nhạc phẩm được viết theo phong cách âm nhạc thế kỷ 18 nhưng dầy đặc các yếu tố châm biếm diễu nhại kỳ quặc cùng lối trình diễn hoạt kê khác hẳn sự trang trọng thường thấy ở những buổi hòa nhạc cổ điển. Tổ chức bán vé công khai cho khán giả vào xem lần đầu tiên tại Tòa Thị sảnh New York tháng 4 năm 1965, không ai (kể cả Schickele) có thể tưởng tượng được rằng buổi biểu diễn đó sẽ là cột mốc ghi dấu cho thành công kéo dài đến 50 năm của một chương trình luôn được công chúng thích thú chào đón, và P.D.Q. - nhà soạn nhạc giả tưởng với những bản nhạc diễu nhại hài hước mà Schickele là cha đẻ, là tác giả (2) sẽ được nhiều thế hệ khán thính giả yêu thích, chưa kể danh tiếng của nhân vật kỳ khôi này còn vượt lên che khuất cả Peter Schickele thực hữu cùng những sáng tác âm nhạc nghiêm túc đầy giá trị

“Peter, ông có ghen với sự nổi tiếng của P.D.Q. Bach không?”, phát thanh viên một chương trình phỏng vấn từng hỏi Schickele như vậy. Hệt một gã yêu tinh vui tính vô tình được phóng thích và vĩnh viễn không bao giờ chịu quay lại chiếc bình tối tăm đã giam cầm mình, nhà soạn nhạc của những quán rượu, những lâu đài hoang phế xứ Bavarian gần như đã trở thành một bản ngã độc lập, đồng hiện và song song tồn tại cùng người tạo ra mình với tính cách, suy nghĩ, cùng những kiểu sáng tác hí lộng mà “nhạc sĩ Schickele nghiêm túc” không thể và không dám làm! Trong một bài viết, nhà soạn nhạc Kyle Gann (3) từng nhận xét: “Ông (tức Schickele) đã một mình lập bản đồ cho một vũ trụ âm nhạc mà mọi người đều biết là có nhưng không ai đủ can đảm để khám phá”. Vũ trụ ấy là một pha trộn kỳ dị giữa các phong cách âm nhạc khác biệt nhau trời vực, sự phi lý, sự biếm nhại, trò chơi chữ, kèm các yếu tố gây cười đầy cường điệu. Điều thú vị và có lẽ cũng là một trong những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của các chương trình giới thiệu nhạc P.D.Q. là ngoài sự hài hước mang tính chất giải trí, dù thoạt nhìn những nhạc phẩm này có vẻ được xây dựng rất vụng và vô nghĩa, thế nhưng chúng thường chứa đựng những ý tưởng âm nhạc phức tạp phản ánh sự hiểu biết sâu sắc về các truyền thống cổ điển, cách tiếp cận tươi vui nhưng tinh tế đối với các hình thức và cấu trúc âm nhạc; đặc biệt, sự dí dỏm mà mỗi nhạc phẩm mang lại còn có thể được cảm nhận ở nhiều cấp độ tùy mức hiểu biết và thông thuộc của người nghe đối với nhạc cổ điển.

Như được miêu tả trong tiểu sử một cách khôi hài, P.D.Q. là một nhạc sĩ chỉ giỏi sao chép và bắt chước; các sáng tác của ông thường là sự cóp nhặt, vay mượn ý tưởng và nhại lại tác phẩm của những nhà soạn nhạc khác. Thính giả rành nhạc cổ điển sẽ không khỏi phì cười khi cứ phải liên tục “ngã mũ chào” những nhạc sĩ quen thuộc mà mình bắt gặp trong nhạc của ông. Ví dụ như opera “The Abduction of Figaro” - một diễu nhại dựa trên nhạc kịch Mozart (4) - người nghe có thể dễ dàng nhận ra những giai điệu nổi tiếng của Mozart, của Beethoven, Rimsky-Korsakov, Stravinsky, Prokofiev, Shostakovich... và cả những bài hát country đương đại được sao chép và “tái sử dụng" một cách hài hước. Ngoài diễu nhại, các yếu tố gây cười trong nhạc P.D.Q. còn đến từ việc sử dụng những kết hợp nhạc cụ tự tạo kỳ dị (5), những vụng về cố ý trong triển khai các chủ đề âm nhạc, những giai điệu lan man không có điểm dừng, những kết nối phi lý, những giai kết lê thê mãi không chịu về chủ âm, hoặc những biến tấu lãng xẹt chẳng liên quan gì đến nhạc đề chính... Như đã nói, càng rành rẽ thông thuộc nhạc cổ điển thì sẽ càng nhận ra những khía cạnh hài hước và thú vị nằm trong âm nhạc P.D.Q. nhiều hơn. Vì vậy, không có gì khó hiểu khi các nhạc mục trình diễn dưới tên P.D.Q. Bach luôn được nhiều thành phần khán giả yêu thích và lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười. Đấy có thể là giai điệu “Yankee Doodle” ai-cũng-biết thay cho âm nhạc Tchaikovsky, những quả bóng bay được châm nổ thay cho tiếng đại bác trong “Khúc mở màn 1712” diễu nhại “Overture 1812” danh tiếng; là những lời phàn nàn về chuyện tiền nong, mua bán... đầy vẻ đời thường (trích từ thư từ của J.S. Bach) trên nền nhạc baroque sang cả trong “Bach Portrait” nhại theo nhạc phẩm “Lincoln Portrait” của Copland; là giáo sư Schickele trong trang phục trọng tài với “Symphony No.5 Sportscast” biến chương đầu bản giao hưởng “Định mệnh” quen thuộc của Beethoven thành buổi truyền hình trực tiếp một sự kiện thể thao đầy vui nhộn (6)... Bông đùa bỡn cợt thay cho sự trịnh trọng khoa trương, vui tươi thoải mái thay cho vẻ cứng nhắc ngăn cách - các yếu tố hài hước mà Schickele thông qua P.D.Q. Bach đưa vào nhạc cổ điển đã giúp cho thể loại thường bị xem là quá hàn lâm, quá nghiêm túc này trở nên dễ tiếp cận hơn và thu hút được đối tượng khán thính giả rộng rãi hơn. Dù nhận được sự ủng hộ của đông đảo công chúng, đặc biệt là các nhà giáo dục âm nhạc muốn đẩy mạnh việc truyền bá nhạc cổ điển trong đại chúng, không ít nhà phê bình theo chủ nghĩa truyền thống cho rằng cách tiếp cận hài hước này có thể làm giảm chiều sâu cảm xúc, làm suy yếu tính nghiêm túc của âm nhạc cổ điển như một hình thái nghệ thuật mang tính đặc thù, thậm chí là tầm thường hóa nó. Bỏ qua những tranh cãi mang tính thuyết lý, 50 năm tồn tại của chương trình hòa nhạc được đều đặn tổ chức hàng năm vào dịp Giáng sinh và bốn giải Grammy liên tiếp (từ năm 1990 đến 1993) dành cho những đĩa ghi âm các tác phẩm âm nhạc hài hước của P.D.Q. Bach có lẽ là minh chứng mạnh mẽ hơn cả cho sự hữu lý của hướng đi và cách tiếp cận này.

Ngày 16.1.2024, con người được xem là nhà châm biếm vĩ đại trong âm nhạc của thế kỷ 20 đã qua đời ở tuổi 88, kết thúc hành trình sự nghiệp của cùng lúc hai tên tuổi lớn, trước hết là chính ông - nhà soạn nhạc Peter Schickele, và kế đó, P.D.Q. Bach - “nhạc sĩ không hiện hữu” do ông tạo ra và nổi tiếng hơn cả chính ông (7). Cuộc đùa giỡn kéo dài đến nửa thế kỷ của chương trình hòa nhạc hài hước P.D.Q. cũng vĩnh viễn khép lại. “Cả trong những sáng tác âm nhạc nghiêm túc, về cơ bản tôi có cùng mục đích với P.D.Q. Bach, đó là mang lại niềm vui cho mọi người”, Schickele từng phát biểu như vậy khi đề cập đến tác động của âm nhạc đối với đời sống xã hội. Bỡn cợt pha trò như một diễn viên hài trên sân khấu cùng những tác phẩm âm nhạc vui nhộn do mình sáng tác ẩn dưới tên một nhân vật vô hình không có thật, có lẽ không ai trên thế giới này có thể trải nghiệm được sát sạt tính hư ảo và phù du của những thứ gọi là tên tuổi và danh vọng như bản thân Schickele từng trải. Là P.D.Q. Bach hay là Peter Schickele thì có gì khác biệt? Với niềm vui và chỉ vì niềm vui - tất cả những gì Schickele đã làm trong cuộc đời mình với tư cách một nhạc sĩ và nghệ sĩ biểu diễn đều theo đúng tôn chỉ đó. Con người đi qua cuộc đời dài ngắn hữu hạn 100 năm của mình với những lối đi, mục đích và sở cầu hầu như chẳng ai giống ai. Nhẹ nhõm xiết bao nếu có thể như Schickele coi tất cả những giăng mắc hệ luỵ của trần gian này như một cuộc vui, đã đến chơi thì ta cứ giỡn một hồi! Nhìn xem, di sản nghìn vàng “P.D.Q. Schickele” để lại là những chuỗi cười! Mà thật vậy, chỉ là những chuỗi cười...
Trần Thanh Sơn (12.2024)



(1) Roy Harris (1898-1979): nhà soạn nhạc người Mỹ - Darius Milhaud (1892-1974): nhà soạn nhạc hiện đại người Pháp, nghệ sĩ đàn piano, nhạc trưởng, nhà phê bình âm nhạc, thành viên nổi tiếng nhất của nhóm “Le Six” - Vincent Persichetti (1915-1987): nhà soạn nhạc, nghệ sĩ piano nhà giáo dục âm nhạc nổi tiếng người Mỹ - William Bergsma (1921-1994): nhà soạn nhạc, nhà giáo dục người Mỹ.
(2) Ngoài việc hư cấu câu chuyện về Giáo sư Schickele thuộc Đại học Southern North Dakota (không có thật) tình cờ phát hiện ra các bản thảo âm nhạc bị lãng quên của P.D.Q. Bach trong những hầm rượu và lâu đài hoang phế ở Bavarian, Peter Schickele còn viết cả một cuốn giả tiểu sử về P.D.Q. lấy tên “The Definitive Biography of P.D.Q. Bach” dày gần 250 trang được in ấn và phát hành bởi NXB Random House danh tiếng. Theo cuốn tiểu sử này, P.D.Q. Bach có năm sinh và năm mất được ghi một cách rất ngược đời (1807-1742?) và là đứa con thứ… hai mươi mốt của J.S. Bach. Tên viết tắt P.D.Q. cũng là một sự diễu nhại cách gọi tên các nhà soạn nhạc là con trai của Bach như: C.P.E. Bach (Carl Philipp Emanuel Bach), J.C.F. Bach (Johann Christoph Friedrich Bach)... 
(3) Kyle Gann (sinh 1955): nhà soạn nhạc, nhà phê bình nghiên cứu âm nhạc người Mỹ.
(4) Nhan đề tác phẩm “The Abduction of Figaro” nhại theo hai vở nhạc kịch “The Abduction from the Seraglio” và “The Marriage of Figaro” của Mozart. Đa phần nhan đề các tác phẩm của P.D.Q. đều là sự chơi chữ, diễu nhại tên các tác phẩm âm nhạc nổi tiếng, ví dụ như: “Iphigenia in Brooklyn” nhại “Iphigenia in Tauris” của Gluck, “Erotica Variations” nhại “Eroica Variations” của Beethoven, “Unbegun Symphony” nhại “Unfinished Symphony” của Schubert, “The Civilian Barber” nhại “The Barber of Seville" của Rossini” v.v... Ngoài nhại tên, nhiều tác phẩm của P.D.Q. hàm chứa yếu tố hài hước ngay trong tên gọi như: “Sonata cho viola 4 tay và harpsichord”, “Echo Sonata cho 2 nhóm nhạc cụ không thân thiện”, “Concerto cho piano quyết đấu với dàn nhạc”...
(5) Các nhạc cụ tự tạo có thể ví dụ như pastaphone hoặc tromboon - một loại kèn kết hợp giữa trombone và bassoon. Đặc biệt là Hardart, một sự kết hợp của các thành phần tạo ra âm thanh được gắn trên khung của một máy bán thức ăn tự động chạy bằng đồng xu (thường được sử dụng trong các máy bán hàng tự động ở Mỹ). Nhà soạn nhạc Philip Glass, bạn học của Schickele tại Juilliard, đã giúp ông chế tạo thiết bị này để sử dụng cho tác phẩm “Concerto for Horn and Hardart” của P.D.Q. Bach.
(6) Đi kèm dàn nhạc diễn tấu là tiếng còi của trọng tài với những pha thổi phạt các nhạc công phạm lỗi (chẳng hạn nhạc công kèn French horn chơi sai nốt bị đuổi khỏi bục diễn), những pha phát chậm để xem lại, tiếng bình luận viên và tiếng hò hét cổ vũ của khán giả... Bằng những tình tiết vui nhộn và những lời bình luận hài hước như trong một trận thi đấu thể thao, người nghe được thông tin sơ lược về các loại nhạc cụ đang sử dụng trong dàn nhạc, các thuật ngữ giao hưởng, sự triển khai chủ đề âm nhạc cũng như cấu trúc phức tạp của hình thức sonata thông qua kiệt tác âm nhạc của Beethoven. Đây là một tác phẩm khá điển hình của “P.D.Q. Schickele” dựa vào tính năng giải trí để giáo dục và quảng bá âm nhạc cổ điển đến cho mọi người.
(7) Trong khi Peter Schickele chỉ đạt được một Giải Grammy (Album Crossover cổ điển xuất sắc nhất) cho đĩa “Hornstone” bao gồm các tác phẩm viết cho ngũ tấu đồng, P.D.Q. Bach đã giành được đến 4 giải Grammy (Album hài xuất sắc nhất) cho các đĩa: “1712 Overture and Other Musical Assaults”, “Oedipus Tex and Other Choral Calamities”, “WTWP - Classical Talkity Talk Radio” và “Music for an Awful Lot of Winds and Percussion”!

Note: Bạn đọc muốn nghe thử P.D.Q. Bach hoặc Peter Schickele có thể vào youtube gõ tên hai ông và... nghe! Youtube có khá nhiều. Tôi chẳng collection được đĩa nào của nhân vật này, trừ một vài CD nhạc Schickeke đứng chung với tác phẩm của nhiều nhà soạn nhạc hiện đại khác như: Peter Lieberson, Terry Riley, John Corigliano, Joan Tower... Tôi tìm được trên mạng một bộ sưu tập khá nhiều tác phẩm của P.D.Q. (đến 16 album), nhưng than ôi, chỉ là nhạc MP3, nên chủ yếu cũng đành phải nghe trên youtube là chính! 😟 


Ảnh trên: From “Peter Schickele Photo” (Peter Schaaf) 

Không có nhận xét nào: