Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

Capri

 
Đêm qua tôi mơ thấy Capri, con chó đã gắn bó xiết bao với thời niên thiếu của tôi, từng cùng tôi đi xuyên qua những mùa đông thăm thẳm của miền Trung thời hậu chiến u buồn và tối ám. Capri đến ngồi dưới chân tôi, nó dụi chiếc mũi nóng và ẩm vào đầu gối tôi, ngước đôi mắt vàng sáng đầy tin tưởng nhìn tôi, chờ tôi cúi xuống vuốt ve, nói chuyện với nó, như thể nó chưa chết, chưa từng rơi thỏm vào cái hố đen thăm thẳm sâu gần 40 năm của lãng quên; và tôi, tôi vẫn là một cậu bé như ngày nào trên bãi biển mùa đông đang dạo chơi cùng con chó yêu quý của mình.
Read More

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2016

Trong thiên đường của sự ngu muội

 
Đọc báo ngày, mỗi khi nhìn thấy có một cái tin ghê tởm về một tội ác ghê tởm nào đó mới vừa xảy ra hay vừa mới bị phanh phui, tôi thường lãng tránh bằng cách chỉ lướt nhanh trên cái tít lớn của mẩu tin rồi mau chóng đẩy mắt mình sang một bài viết khác, bình thường và lành tính! Như thể làm vậy tôi sẽ tự dối được mình rằng thế giới đã bình an hơn, tránh được một ám ảnh khó chịu, một nỗi tức giận (hay nỗi bất lực) mơ hồ có thể làm hỏng mất tâm trạng của mình nguyên cả một ngày...
Read More

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2016

Thứ Ba, 15 tháng 11, 2016

Âm quyển Trịnh Công Sơn

 
Ông sinh trước tôi 24 năm, tính theo âm lịch là tròn đúng hai con giáp. Ca khúc đầu tay của ông nổi tiếng trước khi tôi có mặt trên đời 5 năm, cùng năm với sự xuất hiện lần đầu của nữ hoàng du ca Mỹ Joan Baez tại Newport Folk Festival. Năm tôi 2 tuổi, năm chiến tranh Việt Nam bắt đầu bùng phát dữ dội cùng những chuyến tàu đầu tiên đưa thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, cũng là năm Bob Dylan phát hành album “Highway 61 Revisited” với ca khúc bất hủ “Like a Rolling Stone", ông viết “Tuổi đá buồn” - bài hát sau này sẽ là bài hát mà tôi thường thích lẩm nhẩm nhất vào những lúc chỉ có một mình.
Read More

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016

Trái tim bé nhỏ

 
 
Một cựu thành viên đội văn nghệ sinh viên trường Đại học Kinh tế nơi tôi đang làm việc gửi cho tôi đường link dẫn đến blog của một bạn trẻ có nickname là Y.U.U. (1) và nhắn tin: “Anh vào xem chơi!”. Tò mò tôi vào thử, hóa ra là bài viết có liên quan đến một ca khúc ngắn viết đã lâu của tôi: “Trái tim bé nhỏ”.
Read More

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2016

Những lời nói...

 
 
Chúng ta chết tương ứng với những lời nói chúng ta ném ra chung quanh mình. Nếu quả như Cioran nói, mỗi ngày ta sẽ phải thấy thế giới quanh ta người ta la liệt chết. Trên các mặt báo, các kênh truyền hình, những diễn đàn, trong các cuốn sách đầy thời thượng, nơi ta làm việc, nơi ta sống – sẽ đầy dẫy người chết. Người chết một phần, người chết đến quá nửa, và không ít kẻ chỉ còn là những-xác-sống, những walking-dead theo kiểu diễn tả của Hollywood…
Read More

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2016

Nỗi buồn gia cầm

 
 
Đêm qua khó ngủ, nằm mộng mị đến những chân trời mà từ thuở ấu thơ mình đã ước có ngày được đặt chân tới. Cát sa mạc, tuyết băng sơn, gió miền địa cực… viễn mộng vẫn hoàn viễn mộng! Đời ta ngó chừng chẳng thoát nổi phận cái kiến con sâu hết cành đào lại đến cành đa leo vào leo ra mãi.
Read More

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2016

Một ngày


Đôi khi một câu hát nhỏ bâng quơ cũng có thể cứu được ta khỏi vực thẳm của u sầu, tuyệt vọng. Người ta bảo hãy nghe một chút Mozart vào mỗi sớm mai khi vừa thức giấc để có một ngày mới tràn đầy niềm vui và hứng khởi. Sài Gòn áp thấp bão rơi bão rớt, mưa lem nhem nhòe nhoẹt suốt nhiều tuần nay. Mưa sáng, mưa trưa, mưa chiều, mưa tối, cộng với lòng tôi nhiều điều xám xịt nên nhìn đâu cũng thấy ảm đạm, tiêu điều.
Read More

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

Nghe nhạc Takemitsu

 

Tôi biết nhạc của Takemitsu rất muộn, tận đến những năm cuối cùng của thế kỷ 20, khi Takemitsu đã qua đời sau gần ba thập niên hiện diện như là một nhà soạn nhạc tiền phong có tên tuổi lẫy lừng và hầu hết tác phẩm của ông đã được các dàn nhạc giao hưởng cũng như những solist danh tiếng nhất hành tinh ghi âm và diễn tấu!
Read More

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

Thiên thần ngã gục

 
Xem tranh vẽ thiên thần của Marc Chagall bỗng nhớ bài thơ viết lúc ngoài hai mươi tuổi: "Thiên thần ngã gục". Đã xa đến thế rồi đấy, tuổi trẻ của tôi! Mỗi con người sinh ra đều là một thiên thần, nhưng cùng với thời gian, chúng ta lần lượt sa trụy khỏi bầu trời. Có kẻ sớm, người muộn, nhưng đa phần và ít có ngoại lệ.
Read More

Thứ Năm, 1 tháng 9, 2016

Không có gì để nói

 
 
Đôi khi, để chạy trốn sự cô đơn, con người cất tiếng nói. Tôi nhớ những đoạn đối thoại như là độc thoại dằng dặc, miên man trong “Islands in the Stream” của Hemingway, những nhân vật nói chỉ để mà nói, nói để lấp đầy sự cô đơn và trống rỗng đang bủa vây quanh mình. Nói chuyện là dựng lên một cây cầu cho sự tương giao, nhưng cũng có khi là một hành động đoạn kiều.
Read More

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

Ông đang đẩy tôi xuống vực thẳm nào vậy?

 
Nghe lại Tứ tấu đàn dây No.8 cung Đô thứ của Shostakovich. Là một trong những tác phẩm thời-kỳ-ngăn-kéo đầy đau đớn dằn vặt của Shostakovich và cũng là tác phẩm mà nhạc sĩ cho biết ông viết để tưởng niệm chính mình, bản tứ tấu nhỏ gọn với năm hành âm được diễn tấu liên tục có độ dài chưa đến 20 phút nhưng chất chứa trong nó hơi thở u ám về những đau thương mất mát bi thảm nhất mà chiến tranh và chế độ độc tài toàn trị có thể mang đến cho tâm hồn một con người.

Như một bảng pha màu nhưng chỉ nhằm phản ánh các sắc thái khác nhau của chỉ một màu đen, bản tứ tấu này trong mỗi lần nghe luôn đưa tôi đến những vùng vực thẳm khác nhau của tâm hồn, mà ở đó là chốn cư ngụ điêu linh của những hồn ma thời tuổi trẻ, những niềm tin đã chết, những khát vọng chỉ còn là tiếng vang của ảo mộng, những điều ta muôn đời bị bắt phải dấu kín. Nếu một nhà soạn nhạc có thể nói được những gì mình muốn nói thành lời, anh ta sẽ không bận tâm gắng để nói nó trong âm nhạc, hình như có lần Shostakovich đã phát biểu như vậy. Thế nên, nghe Tứ tấu đàn dây No.8 của ông nhưng phải luôn dặn mình đừng gào lên: “Shostakovich! Ông đang đẩy tôi xuống vực thẳm nào vậy?”.
Trần Thanh Sơn (8.2016)



Note 1: Shostakovich có vài phát biểu khá thú vị về quá trình sáng tạo âm nhạc, xin được đăng tải kèm theo đây để cùng tham khảo:

“Mỗi nhạc phẩm phải là một hình thức biểu hiện cá nhân đối với người sáng tạo ra nó... Nếu một tác phẩm âm nhạc không thể hiện được quan điểm và tư tưởng của riêng cá nhân người nhạc sĩ, theo tôi, nhạc phẩm đó thậm chí còn không xứng đáng được sinh ra”.
“Một nhạc phẩm vĩ đại là nhạc phẩm sẽ vẫn tuyệt mỹ bất kể nó được diễn tấu như thế nào. Một dạo khúc (Prelude) hoặc một tẩu khúc (Fugue) bất kỳ nào của Bach đều có thể chơi ở mọi tốc độ, có hoặc không có sắc thái nhịp điệu mà vẫn cứ là một nhạc khúc tuyệt vời. Âm nhạc nên được viết ra theo kiểu như vậy, để không một ai, cho dù là người ít học, có thể làm hỏng nó”.
 
Note 2: Nhà soạn nhạc yêu thích nhất của tôi đến giờ phút này có lẽ vẫn là Igor Stravinsky, thế nên tôi khá bất ngờ và... cảm thấy bất mãn (!) trước câu phát biểu này của Shostakovich: “Stravinsky nhà soạn nhạc tôi tôn thờ. Stravinsky nhà tư tưởng tôi xem thường” (sic).
 
 
String Quartet No.8, in C Minor, Op.110 (Kronos String Quartet)



Ảnh: Drawings from Drawers (Tomasz Zcichowski)

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2016

Nỗi chết luôn bắt đầu quanh ta…

 
 
Mọi người đều bắt đầu chết vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời trước khi thực-sự-chết, hay như tác giả Nam Hoa nói, trước khi thực sự “tỉnh giấc chiêm bao”. Có người bắt đầu chết từ rất sớm, có người trễ hơn. Hình như tôi bắt đầu chết khi bước vào tuổi ba mươi. Hình như tôi không còn sống với chính tôi nữa. Từ năm ba mươi tuổi, gần như mỗi ngày tôi đều chứng kiến nơi mình một cái chết lớn nhỏ nào đó. Tôi chết lần hồi, mất mát tôi, thất lạc tôi lần hồi.
Read More

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2016

Thức với hoa quỳnh

 
Vợ chồng bạn gọi điện mời ghé lại nhà buổi tối uống rượu, thưởng trà và chờ xem hoa quỳnh nở. Tôi chưa được xem hoa quỳnh nở bao giờ nên rất thích thú nhận lời. Khu vườn nhỏ trên sân thượng nhà bạn được bài trí tao nhã và trồng rất nhiều hoa. Đêm đó, cô con gái nhỏ của bạn cũng nhõng nhẽo đòi thức xem hoa với bố và các bác bạn của bố. Chúng tôi uống gần hết một chai J&B rồi mới chuyển sang dùng trà bên chiếc bàn mây đan đặt ở giữa vườn. Trà Tân Cương nước xanh biếc dưới ánh sao khuya. Rồi hoa nở, lung linh như trăng và hương tỏa ngát.
Read More

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2016

Có trong tôi mọi giấc mộng nhân gian

 
Ngu ngốc cho những ai tự chụp vương miện gai và tự vác lên mình chiếc thập tự giá có tên gọi là nghệ sĩ và sứ mệnh của người nghệ sĩ. Những kẻ ngu ngốc đó sẽ phải thường xuyên đối diện với hư vô và phải thường trực chiến đấu với nó để dành quyền hiện hữu. Mặt khác, như William Faulkner nói, người nghệ sĩ luôn bị dẫn dắt bởi ma quỷ và chẳng thể nào có được sự bình an
Read More

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

Chẳng có gì quan trọng

 
 
Lại đọc thấy một đoản ngôn tuyệt thú của E.M. Cioran. Tuyệt thú vì tìm thấy những điều mình muốn nói mà không nói được, muốn viết mà viết không nên. Bị giam cầm trong định mệnh, mọi vùng vẫy của con người chỉ càng làm rõ thêm sự bất lực của mình trước hiện sinh: “Tôi thực sự tin rằng chẳng gì có nghĩa hết cả”, trong cuộc trò chuyện với nhà viết tiểu sử Fritz J. Raddatz hình như Cioran từng nói như vậy, và “Không là gì hết, tôi chỉ là kết quả của một sự tình cờ!”. Thật vậy chăng, tất cả chỉ là kết quả của một sự tình cờ?
Read More

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2016

Tạ ơn các ngươi, hỡi những cuốn sách!

 
Ghé tiệm sách cũ thơ thẩn chọn được cho mình hai cuốn ngày xưa đã từng đọc qua, một của Tuệ Sỹ - “Tô Đông Pha - Những phương trời viễn mộng” và một của Dương Nghiễm Mậu - “Cũng đành”. Mua ở tiệm sách cũ, nhưng cả hai đều là sách mới được phép tái bản trở lại gần đây: 2007 và 2008. Cầm hai cuốn sách trên tay bất giác có cảm giác như cầm hai dúm tro tàn từ quá khứ mịt mùng với bao kỷ niệm buồn vui lẫn lộn. Nói cầm hai dúm tro tàn là trên cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Read More

Thứ Tư, 6 tháng 7, 2016

Không thể phân biệt được nước mắt với âm nhạc

 
Triết gia của bóng tối Emile Cioran trong “Tears and Saints” có một đoạn tuyệt thú viết về âm nhạc. Nhắc đến câu nói nổi tiếng của Nietzsche: “Tôi không thể phân biệt được nước mắt với âm nhạc”, Cioran thêm, “Những ai không lập tức thấu cảm được điều này thì chưa từng được sống một giây nào trong niềm thân mật của âm nhạc. Tôi biết chẳng có thứ âm nhạc nào khác với âm nhạc của những dòng nước mắt ấy. Xuất phát từ niềm nuối tiếc thiên đường đã mất, âm nhạc đem lại sự sinh thành cho những biểu tượng của nỗi mất mát này: những dòng nước mắt”
Read More

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

Biếm họa về tự do

 
Hegel từng cho rằng lịch sử của thế giới chính là tiến trình của ý thức tự do. Không thể không nhận thấy rằng cái tiến trình của ý thức tự do mà Hegel nói đó, đã được viết nên bằng máu và bằng nước mắt của hằng hà sa số những thế hệ nhân loại. Nói chuyện tự do là nói đến một vấn đề quá lớn, nói đến cái giấc mộng thường xuyên, thường trực và thường hằng đeo đuổi, cuốn hút và ám ảnh trí óc con người.
Read More

Thứ Tư, 22 tháng 6, 2016

Thế giới này mới kỳ diệu làm sao!

 
Mùa hè năm 1990, một người bạn ghé tặng tôi mấy đĩa hát mà cô ấy mua được ở một tiệm sách cũ: Louis Armstrong, Nat King Cole, Billie Holiday, Ella Fitzgerald… Tôi ít nghe jazz và chẳng mấy rành rẽ về loại nhạc này. Thế nhưng, nhờ mớ đĩa đó, lần đầu tiên tôi được nghe giọng ca khàn đặc, lè nhè đặc trưng của nghệ sỹ jazz huyền thoại Louis Amstrong trong một ca khúc… chẳng liên quan gì đến Jazz: What a Wonderful World”!
Read More

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2016

Quá sức điên!

 
Almir d’Avila nhập viện hồi còn bé, được xác định là điên, và không bao giờ xuất viện.
Chưa có ai viết cho ông một lá thư, chưa có ai đến thăm ông.
Read More

Thứ Hai, 13 tháng 6, 2016

Đố kỵ

 
 
Tất cả mọi người đều đố kỵ. Một số người thừa nhận điều đó, còn lại thì không. Thật là oái ăm khi người ta đố kỵ với quá khứ bởi quá khứ thường được làm từ tro tàn. Nhưng với nghệ sĩ thì quá khứ sống sót dưới một một hình thức khác, và tôi có thể hiểu được những người đang đố kỵ với quá khứ của một nghệ sĩ. Nó trở thành một tượng đài.
Read More

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2016

Chỉ nàng trò chuyện cùng tôi...

 
Đọc được trên mạng bản dịch sang Pháp ngữ một bài thơ của Akhmatova (1) có tên là “Âm nhạc” (viết năm 1958, đề tặng nhà soạn nhạc Shostakovich). Tựa đề là vậy, nhưng người đọc nghe ra ở đó những đắng cay, chua chát của thân phận người nghệ sĩ dưới chế độ độc tài toàn trị. Hai thiên tài - hai cuộc đời với những nét tương đồng khá kỳ lạ trong bao nỗi thăng trầm dâu bể của lịch sử; cùng là nạn nhân của bi kịch Xô viết, nên chẳng lấy gì làm lạ trước sự đồng cảm sâu xa mà họ dành cho nhau. Thơ viết tặng Shostakovich, nhưng cũng là thơ Akhmatova viết cho chính mình vậy!
Read More

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2016

Nhớ mãi tuổi học trò



Nhạc và lời: Trần Thanh Sơn

1. Có thấy tôi trở về này những con phố thơ ấu?
Ngày nào có tôi tóc xanh mây trời, niềm vui chân sáo đến lớp
Trong tim lung linh bao nhiêu mơ ước
Kìa gió xuân ngời cũng theo lòng tôi ca hát
Và đón bước tôi, những ngả đường vui tỏa nắng…
Read More

Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

Nghe nàng hát...

 
Nghe Françoise Hardy hát về lá úa, về những cuộc hẹn hò buồn bã mùa thu giữa oi nồng chiều hè Sài Gòn là một trải nghiệm dị thường. Trong cái nóng váng vất khiến tâm trí và thể xác như cũng muốn bốc hơi theo, giọng ca Françoise là một giòng suối mát, vừa thầm thĩ như tình gần vừa xa xôi như ảo ảnh, cái cõi miền mà người bộ hành trong sa mạc cứ ngỡ đã trong tầm tay nhưng mãi mãi chẳng bao giờ có thể đặt chân tới được…
Read More

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2016

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

Lời chúc phúc của mẹ

 
Năm 1984, để có tiền đi học, tôi xin vào làm việc cho một tổ hợp hóa dược nhỏ ở Dakao. Đó là một chỗ làm việc khá lạ lùng. Tôi nói khá lạ lùng bởi đội ngũ người lao động ở đấy hầu hết đều là những sĩ quan của chế độ cũ vừa từ các trại học tập cải tạo được tha về. Tôi không rõ đây là "tiêu chí nhân công" của tổ hợp hay chỉ đơn thuần do mối quan hệ quen biết sẵn có – do chủ nhân của cơ sở hóa dược này, chồng của cô họ tôi – vốn là dược sĩ và cũng là một sĩ quan của quân đội VNCH từ trại cải tạo trở về.
Read More

Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016

Paul Klee và âm nhạc hiện đại

 
Là một trong những họa sĩ được ngưỡng phục nhất trong lịch sử nghệ thuật hiện đại, Paul Klee (1879-1940) còn được xem là một nhà điều sắc vĩ đại có những khám phá sâu sắc nhất về lý thuyết hòa sắc. Dù luôn được gắn với chủ nghĩa biểu hiện, với lập thể, vị lai, siêu thực và trừu tượng, nhưng tranh của Klee rất khó phân loại, nếu không muốn nói là nằm ngoài mọi định nghĩa. Với một tinh thần sáng tạo vô hạn, ông trải nghiệm các xu hướng nghệ thuật mới theo cách hoàn toàn riêng của mình.
Read More

Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2016

Về sự phi lý

 
 
Fernando Pessoa (1888-1935) là nhà thơ vĩ đại người Bồ Đào Nha; ông còn là nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà phê bình văn học, dịch giả, nhà xuất bản, triết gia... và được mô tả như là một trong những tác giả văn chương quan trọng nhất của thế kỷ 20. Ngoài ngôn ngữ Bồ Đào Nha, ông còn sáng tác bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Dùng trên 80 bút danh khác nhau, được viết bằng các phong cách khác nhau, mà một số không ít trong đó nổi tiếng ở cấp độ thế giới như: Alberto Caeiro, Alvaro de Campos, Ricardo Reis, Bernardo Soares...
Read More

Thứ Hai, 4 tháng 4, 2016

Không ngủ được

 
Không ngủ được. Mắt ráo hoảnh chong chong nhìn giàn dây leo xanh mờ ánh đêm ngoài khung cửa sổ trên balcon phía sau nhà. Những bông hoa vàng trong bóng tối có màu xám đục, cũng đờ đẫn như những con mắt không ngủ vật vờ trong khuya im. Không ngủ được. Có cảm giác bị treo lơ lửng trên biên thùy giữa giấc ngủ và sự tỉnh thức, giống một kẻ đang bị tra tấn bởi sự bất lực của chính mình với niềm khát khao được thả trôi mình vào quên lãng, vào trống không.
Read More

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

Cái chết của nghệ sĩ và (...)

 
Đêm rồi tình cờ đọc được bài viết “Cái chết của nghệ sĩ và sự ra đời của doanh nhân sáng tạo” trên trang mạng Book Hunter Club qua bản dịch Việt ngữ của Đỗ Tường Linh. Theo tìm hiểu, đây là bài viết được William Deresiewicz đăng trên The Atlantic từ tháng 12.2014 và từng làm dấy lên khá nhiều tranh luận ủng hộ cũng như phản bác trên báo chí và các trang mạng truyền thông. Tham gia giảng dạy tiếng Anh và các khóa luận về tiểu thuyết hiện đại Anh tại Đại học Yale,  Deresiewicz còn là một cây viết tiểu luận, một nhà phê bình văn học sắc sảo; đa số các bài báo của ông có vẻ ít nhiều đều mang đến những phản ứng trái chiều như bài báo đang được đề cập.
Read More

Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2016

Trong khi nghe Concerto No.2 soạn cho dương cầm và dàn nhạc của Prokofiev

 
Có lẽ cũng đến gần 30 mươi năm rồi tôi không nghe lại bản concerto mà ngày xưa mình vốn yêu thích này. Những tìm tòi phá cách, những khai phá đầy tính tiền phong trong các tác phẩm thời kỳ đầu của Prokofiev đặc biệt lôi cuốn tôi. Concerto No.2 soạn cho dương cầm và dàn nhạc của ông là một trong những tác phẩm tôi thường thích thú nghe đi nghe lại trên chiếc máy hát đĩa 33 tour cũ mèm của mình với bản ghi âm của Nicole Henriot-Schweitzer, Charles Munch chỉ huy Boston Symphony Orchestra – bản ghi âm duy nhất lúc đó tôi có.
Read More

Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2016

Xiếc rong và mộng giang hồ

 
 
Sáng nay có gánh xiếc rong đến dựng rạp trên mảnh đất trống cạnh khu dân cư mới xây gần nơi tôi ở. Gánh xiếc có kết hợp hội chợ, bán vé lô tô cùng các trò ném banh, quăng vòng cổ vịt, phóng phi tiêu trúng thưởng... Ngồi quán cà phê đầu ngõ nghe tiếng loa quảng cáo ậm ọe ngoài đường, thấy lũ trẻ réo nhau chạy ra chạy vào mè nheo đòi bố mẹ tối đến đưa chúng đi xem xiếc, bỗng ùa về giăng mắc trong tôi không biết bao nhiêu là kỷ niệm…
Read More

Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2016

Tự thắp mình với mênh mông

 
Giuseppe Ungaretti (1888-1970) được xem là một trong những nhà thơ đã có những đóng góp nổi bật cho nền văn chương Ý thế kỷ 20, đồng thời cũng là nhà thơ hiện đại có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều thế hệ nhà thơ Ý nói riêng và phương Tây nói chung (1). Thơ Ungaretti, đặc biệt ở thời kỳ đầu, thường dựa trên trực giác đột khởi, diễn đạt những ánh chớp lóe của nội tâm, những mặc khải đầy minh triết về cuộc đấu tranh dai dẳng và khốc liệt của con người nhằm khẳng định sự tồn tại của mình trước hư vô. Ngắn, mãnh liệt và chói lòa như một đốn ngộ, một số thơ của Ungaretti rất khó dịch sang ngôn ngữ khác, thậm chí có bài nhiều dịch giả còn cho là bất-khả-dịch.
Read More

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

Hài hước đen của Nietzsche

 
Đọc báo bên tách cà phê sáng là một điều tuyệt thú nhưng đôi khi cũng là một thách thức cho trái tim đã có tuổi của tôi. Giận dữ, bực bội, chán nản là tâm trạng khi phải đọc quá nhiều những trân tráo bị-phơi-bày và tự-phơi-bày trên báo chí hàng ngày. Vì sao có sự tha hóa này? Bất giác nhớ đến một câu hài hước đen của Nietzsche trong tác phẩm “Hoàng hôn của những thần tượng”:
Read More

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

Đơn giản là một nhà thơ

 
* George Benjamin viết về Pierre Boulez.

Có lần tôi hỏi một nhóm các nhà soạn nhạc trẻ mà tôi đang giảng dạy xem liệu có thứ âm nhạc hiện đại nào khiến họ không ưa chăng. Hơn một nửa số người đã nhắc đến Pierre Boulez. Ban đầu tôi sửng sốt vì sao họ lại có thể chối bỏ một nhà sáng tạo âm nhạc vĩ đại đến thế trong thời đại của chúng ta, nhưng có lẽ tính cách ưa chỉ trích quyết liệt của con người này là nguyên nhân gây ra niềm ác cảm ở họ.
Read More

Thứ Hai, 15 tháng 2, 2016

Những cuộc rượu...

 
Một trong những lần hiếm hoi được ngồi đối ẩm với dịch giả Phạm Viêm Phương, lúc ngà ngà say và vui chuyện – vẫn cái cách xưng hô ông-ông-tôi-tôi kiểu của anh, dù tôi nhỏ thua anh cả chục tuổi - anh bảo tôi: “Ông biết không, cái ngày tôi bất chợt nhận biết được thế nào là một ly rượu ngon, tôi mới sực nhớ ra rằng cả một quãng thời gian dài trước đó, mình đã phá hoại không biết bao nhiêu là mỹ tửu của cuộc đời…”, anh nói về rượu bằng cái giọng người ta hay dùng để nói về tuổi trẻ hay về thời gian, về những hoài phí và nông nổi mà người ta thường mắc phải khi còn trẻ, còn thiếu kinh nghiệm, dù theo như tôi biết, Phạm Viêm Phương chưa bao giờ là một con sâu rượu!...
Read More

Thứ Hai, 1 tháng 2, 2016

Theo mùa xuân bay đi mãi...

 
Tình hoa
 
Nhạc và lời: Trần Thanh Sơn
 
Hoa trên tay em hoa phố xưa
Thơm hương về người, những trưa xanh nồng nàn
Mây bay trên vai mây rất êm
Nhớ con đường dài níu chân ta ngày nào
Chậm mùa xuân nhé
Vì xanh quá những bước cỏ non
Đừng hồng thêm nữa
Này những cánh hoa thơm đầu gió...
Read More

Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

Chiếc khăn quàng của biển

 

Một truyện ngắn viết cho báo Tết sinh viên năm 1998, giờ đọc lại bỗng thấy nhớ những ngày xuân xa xôi... Nhân vật chính của truyện không phải là cô sinh viên tên Duyên, hay chàng người yêu, hay đám bạn bè thời thơ ấu của cô, mà là cái không khí Tết của một xóm nhỏ cao nguyên - nơi còn giữ được phần nào xuân vị ngọt ngào, đầm ấm của những ngày Tết xưa cũ, khi văn hóa và truyền thống Việt chỉ mới mấp mé đứng bên bờ vực của sự tàn phá...
Read More

Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

Ngày chủ nhật ảo não

 
Tôi có một kỷ niệm khó quên với ca khúc Sombre Dimanche. 
 
Gần trường cấp 3 tôi học thuở nhỏ có một con đường trồng rất nhiều sầu đông. Tan học, từ cổng trường ra, nếu rẽ trái tôi chỉ cần đi thẳng một mạch cho đến khi gặp một ngã ba thì rẽ trái lần nữa là về đến nhà. Thế nhưng thời ấy tôi hay thích rẽ phải, làm một vòng xa hơn xuyên qua con đường rợp bóng sầu đông đó rồi mới men theo bờ tường đầy cỏ dại và muống biển chạy dọc con đường vắng vẻ sau lưng tu viện Thánh Phaolô để về nhà. Tuổi học sinh đa phần cảm nhận dòng trôi của thời gian thông qua các kỳ thi và những tháng hè, nhưng với tôi, tôi lại cảm thấy rõ nhất sự cuộn chảy của thời gian thông qua bóng rợp của hàng cây sầu đông rọi xuống bờ dậu những ngôi nhà nhỏ, những khoảnh sân và những vườn rau nằm im lặng trên con đường mình tan học về… Đường-sầu-đông (tôi đặt tên cho nó như vậy) rực rỡ hoa tím vào mùa xuân, rợp bóng mát mùa hè và trơ cành trụi lá vào mùa đông. 
Read More

Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

Sứ mệnh thật sự của một nghệ sĩ là cái quái gì?

 
Sau cùng thì sứ mệnh và cứu cánh thật sự của một nghệ sĩ là cái quái gì? Đôi lúc chạnh lòng tôi vẫn thường băn khoăn tự hỏi mình như vậy khi được nghe ở đâu đó những tuyên bố rổn rảng nhân danh đủ các loại nghệ thuật ở trên đời của những-nhân-vật-của-công-chúng. Trong cái chợ văn nghệ nhiễu loạn, đầy hỏa mù, giả chân lẫn lộn và hoàn toàn mất phương hướng như hôm nay, làm nghệ thuật là một khó khăn và đặc biệt thách thức để có thể kiên định giữ vững được cho riêng mình một con đường…
Read More

Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2016

Nắng và chim sẽ hát cùng em...

 
Bài hát xuân 
Nhạc và lời: Trần Thanh Sơn

Mùa xuân lướt trong trong cây, mềm như áng mây bay qua trời
Vài tia nắng lung linh từ trong mắt loài chim đang hót
Mùa xuân đến đêm qua, mùa xuân mới nên hoa đâu ngờ
Mà sáng sớm hôm nay đường đến lớp chân em nở hoa.
Read More

Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2016

Lễ bái xuân

   
Được xem là tác phẩm biểu tượng của Igor Stravinsky, thậm chí, của toàn bộ âm nhạc hiện đại phương Tây thế kỷ 20. Từ lần ra mắt khuấy động (1913) đến nay, Lễ bái xuân đã trải qua non một thế kỷ, nhưng mỗi lần nghe lại, dường như ta vẫn được cuốn hút bởi sự tươi rói của sức tác động và năng lực sáng tạo sôi sục đằng sau nó. Tác phẩm này đã được kèm theo rất nhiều tính từ: man dã, tinh tế, cú sốc điện, cách mạng, chân đất, siêu nhiên, trí tuệ, bản năng, sexy, rock & roll…
Read More